Vaccine có phải yếu tố duy nhất để dẹp dịch COVID không?
Phải công nhận rằng, vaccine đã đóng góp vai trò rất to lớn trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng với vaccine COVID-19 thì còn nhiều điều chúng ta chưa biết.
Đến giờ phút này chúng ta đều thừa nhận: Vaccine COVID-19 làm giảm nhẹ trạng thái bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, chứ không hẵn đã ngăn ngừa được COVID.
Hiện nay chúng ta thấy nhiều nước, nhiều địa phương sử dụng vaccine với các phương thức khác nhau. Có nơi khuyến cáo dùng mũi 3, mũi 4 , thậm chí mũi 5 , mũi 6. Có nơi mũi 7 và không biết đến mũi thứ mấy mới dừng?
Về vấn đề này chúng ta chưa có được các nghiên cứu chỉ rõ. Nhưng về nguyên lý thì chúng tôi thấy:
- Các biến thể mới có thể tránh né được các kháng thể được tạo ra trong cơ thể nhờ tiêm vaccine hay đã thâm nhiễm các virus trước đó. Sở dĩ như vậy vì các biến thể mới này có nhiều khác biệt với các chủng virus gây bệnh cũ nên kháng thể này không trung hoà được các biến thể mới của SARS-CoV-2. Do vây, chúng ta vẫn bị tái nhiễm COVID-19.
- Một khía cạnh khác là: Khi chúng ta tiêm nhiều lần một loại vaccine Covid-19 thì cơ thể sẽ sinh ra cơ chế dung nạp miễn dịch, tức là không coi vaccine là vật thể lạ nữa nên không sản sinh ra kháng thể. Dĩ nhiên , chúng ta cũng chưa xác định cụ thể đến mũi tiêm thứ bao nhiêu thì sinh ra hiện tượng dung nạp miễn dịch. Nhưng về lý thuyết thì điều đó sẽ xảy ra.
Vaccine COVID nào tốt nhất?
Tốt ở đây là chúng ta đề cập đến khái niệm nhiễm đột phá.
Nhiễm đột phá nói một cách đơn giản nghĩa là tiêm Vaccine nhưng vẫn bị nhiễm bệnh.
Vaccine tốt có nghĩa là tỷ lệ nhiễm đột phá thấp.
Một nghiên cứu gần đây từ CDC Hoa Kỳ cho thấy Vaccine Johnson & Johnson có tỷ lệ lây nhiễm đột phá thấp nhất.
Vào tháng 1, trong đợt tăng số ca nhiễm chủng Omicron tại Hoa Kỳ, những người tiêm Vaccine Pfizer/BioNTech bị nhiễm đột phá cao nhất, tiếp theo là Vaccine Moderna. Những người được tiêm Vaccine Johnson & Johnson có tỷ lệ nhiễm trùng đột phá thấp nhất.
Mặc dù vẫn có tỷ lệ nhiễm đột phá nhưng chúng ta nên hiểu là cho dù được tiêm bất cứ loại Vaccine nào vẫn tốt hơn là không tiêm.
Trong thời gian nhiễm biến chủng Delta và Omicron tăng vọt, những người không được tiêm chủng có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn gấp đôi so với những người đã được tiêm Pfizer hoặc Moderna. Và tỷ lệ bị nhiễm COVID-19 ở những người không được tiêm chủng cao gấp 3 lần so với những người đã được tiêm Vaccine Johnson & Johnson.
Một nghiên cứu được công bố ngày 17 tháng 3 trên tạp chí y tế JAMA Network Open cho thấy Vaccine Johnson & Johnson có hiệu quả 76% trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 và hiệu quả 81% trong việc ngăn ngừa các ca nặng. Nghiên cứu này cũng cho thấy Vaccine Johnson & Johnson cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài ít nhất 6 tháng sau khi tiêm chủng.
Mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Vaccine dạng mRNA của Pfizer và Moderna tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh, nhưng nó có thể suy yếu theo thời gian. Vaccine của Johnson & Johnson có thể không tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ngay sau khi tiêm, nhưng quan sát cho thấy nó có độ bền cao hơn.
Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ khuyến nghị tiêm Vaccine Pfizer và Moderna thay vì tiêm Vaccine Johnson & Johnson do dữ liệu cho thấy một tác dụng phụ hiếm gặp là một hội chứng đông máu gọi là TTS xảy ra phổ biến hơn ở một số người tiêm Vaccine Johnson & Johnson, đặc biệt là ở phụ nữ từ 30 đến 49 tuổi.
Lưu ý: Hiện tại Việt Nam chúng ta không sẵn có Vaccin Johnson & Johnson, tuy nhiên bạn có thể sử dụng các Vaccine khác để thay thế và nó vẫn đem lại hiệu quả bảo vệ cho bạn tốt hơn so với không tiêm.
Đã đến lúc tiêm Vaccine mũi 4 chưa? Ai cần tiêm Vaccin mũi 4 ngay lúc này?
FDA Hoa Kỳ đã cho phép tiêm nhắc lại lần thứ hai đối với Vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna cho người lớn từ 50 tuổi trở lên.
Theo FDA Hoa Kỳ, người lớn khỏe mạnh từ 50 tuổi trở lên có thể tiêm liều bổ sung sớm nhất là 4 tháng sau lần tiêm nhắc lại lần 1 (mũi 3). CDC Hoa kỳ cho rằng người trong độ tuổi này có thể tiêm bổ sung nếu muốn nhưng hiện tại chưa phải là khuyến nghị chính thức.
Kể từ tháng 10/2021, FDA Hoa Kỳ đã cho phép người từ 12 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch nặng được tiêm 4 liều Vaccine Pfizer / BioNTech hoặc Moderna. Hiện tại, những người này có thể tiêm tổng cộng 5 liều.
Theo CDC Hoa Kỳ, người được coi là suy giảm miễn dịch mức độ trung bình hoặc nặng nếu:
- Đang được điều trị ung thư.
- Đã được ghép tạng và đang dùng thuốc để ức chế miễn dịch.
- Đã được ghép tế bào gốc trong vòng 2 năm qua hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch
- Suy giảm miễn dịch nguyên phát mức độ trung bình đến nặng (VD: hội chứng DiGeorge hoặc hội chứng Wiskott-Aldrich).
- Nhiễm HIV giai đoạn cuối hoặc không được điều trị.
- Đang điều trị tích cực bằng corticosteroid liều cao hoặc các thuốc khác có thể gây ức chế miễn dịch khác.
Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng cho rằng chỉ nên tiêm mũi 4 cho người có nguy cơ cao, không cần thiết phải tiêm chủng rộng rãi vì tốn kém, trong khi hiệu quả thực sự có thể sẽ không được như mong muốn. Hiện tại, Việt Nam CHƯA có chủ trương tiêm cho tất cả mọi người.
Mũi tiêm nhắc lại nhằm mục đích tăng khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 có thể bị giảm dần theo thời gian. Việc tiêm Vaccin mũi 4 rộng rãi hay không chúng ta cần cân nhắc nhiều khía cạnh khác như:
- Có biến thể mới xuất hiện hay không.
- Các dữ liệu mới bổ sung về hiệu quả bảo vệ của Vaccine mũi 4.
Vaccine có hiệu quả ở trẻ nhỏ không? Khi nào trẻ em dưới 5 tuổi có thể tiêm phòng?
Vaccine Pfizer/BioNTech hiện được cấp phép sử dụng cho người từ 5 tuổi trở lên. Liều ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi bằng một phần ba so với những người từ 12 tuổi trở lên.
Theo báo cáo của CDC Hoa Kỳ thì hai liều Vaccine Pfizer/BioNTech ít hiệu quả hơn đối với biến thể Omicron ở trẻ nhỏ từ 5 đến 11 tuổi so với trẻ lớn và người lớn.
Báo cáo của CDC cho thấy hai mũi tiêm giúp giảm 31% nguy cơ nhiễm Omicron ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, so với 59% ở trẻ em từ 12 đến 15 tuổi.
Một báo cáo khác của CDC vào tháng 3 cho thấy trẻ em đã được tiêm chủng ít có nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 hơn so với trẻ em không được tiêm chủng.
Hiện tại, Pfizer đã thử nghiệm tiêm mũi thứ ba cho trẻ độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi.
Theo Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla: Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng liên quan đến liều thứ ba cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi có thể được trình lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vào cuối tháng 4/2022. Nếu được FDA và CDC cấp phép, trẻ em dưới 5 tuổi có thể bắt đầu tiêm chủng vào tháng 5/2022.
Vaccine Moderna hiện chưa được phép sử dụng cho trẻ nhỏ. Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho thấy Vaccine tác dụng tốt ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi cũng như ở người lớn.
Vào ngày 23 tháng 3, Moderna cho biết hai liều 25 microgram Vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi cho phản ứng miễn dịch tương tự như hai liều 100 microgram cho người lớn từ 18 đến 25 tuổi. Moderna cho biết họ sẽ yêu cầu FDA cho phép sử dụng Vaccine cho nhóm tuổi trẻ hơn trong thời gian tới.
Moderna cho biết: với trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, hiệu quả phòng bệnh của Vaccine là 43,7%. Với trẻ em từ 2 đến 5 tuổi, hiệu quả là 37,5%.
Tiến sĩ Bill Muller - nghiên cứu viên chính của thử nghiệm lâm sàng Vaccine Moderna cho trẻ em dưới 12 tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng Ann & Robert H. Lurie ở Chicago - cho biết: “Hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng nghe có vẻ khiêm tốn, nhưng nó nằm trong phạm vi chúng ta đã thấy ở người lớn đối với biến thể Omicron”.
Điều chúng ta cần lưu tâm là mục đích của Vaccine là ngăn ngừa các ca bệnh nặng (cần phải nằm viện hoặc cần được chăm sóc tại khoa Điều trị tích cực). Ngoài việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và bệnh có triệu chứng thì Vaccine có thể giúp cho việc giảm sự lây lan của vi rút trong cộng đồng và trong gia đình. Chúng ta nên hiểu là nếu trẻ bị nhiễm COVID thì có thể phải cách ly tại nhà hoặc nặng hơn là phải điều trị tại bệnh viện, điều đó đồng nghĩa với việc cha mẹ phải bỏ công, bỏ việc để lo chăm sóc cho các cháu.
Đối với thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, Moderna đã cung cấp thêm cho FDA dữ liệu về hai liều 100 microgram cho nhóm tuổi này.
Đối với trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, Moderna đã bắt đầu gửi kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho FDA. Nếu được FDA và CDC cấp phép, trẻ em từ 6 đến 11 tuổi có thể tiêm hai mũi Vaccine Moderna 50 microgram.
Tính đến ngày 17/04/2022, Việt Nam đã có 4 địa phương tiến hành tiêm Vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là Quảng Ninh, TP HCM, TP Hà Nội và Hà Nam.
Liệu có loại Vaccine COVID nào có thể chống lại tất cả các biến thể của coronavirus không?
Các nhà khoa học đang cố gắng phát triển một loại Vaccine “pan-coronavirus” (Phổ rộng) - loại Vaccine bảo vệ chống lại bất kỳ loại coronavirus nào, bao gồm cả các biến thể gây ra COVID-19.
Đối với một căn bệnh mới, phải mất trung bình bảy năm để các khám phá khoa học chuyển thành các phương pháp điều trị y tế được chấp thuận. Để phát triển một loại vắc-xin qua các giai đoạn khác nhau của thử nghiệm lâm sàng và phê duyệt thông thường mất khoảng 10 đến 15 năm.
Với COVID, chúng ta đã có những tiến bộ thần tốc. Tuy nhiên, để ra được những loại Vaccine phổ rộng như vậy phải mất nhiều năm để phát triển.
Hiện tại, chúng ta đã biết có bảy loại Coronavirus ở người:
- Bốn loại gây cảm lạnh thông thường.
- Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS).
- Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS).
- SARS-CoV-2: loại Coronavirus gây ra bệnh COVID-19.
Tính đến hiện tại, có 5 biến thể SARS-CoV-2 được quan tâm: Alpha, Beta, Gamma, Delta và hiện tại là Omicron.
Để có được Vaccine pan-Coronavirus thì cần nhiều năm để phát triển theo hướng gia tăng. Hiện tại, có một số loại đã được thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 1.
Khuyến cáo: Các Vaccine hiện tại vẫn có thể cung cấp khả năng bảo vệ tốt chống lại ca bệnh nặng và tử vong do Coronavirus, đặc biệt là khi tiêm mũi tăng cường. Vì thế, bạn đừng chờ đợi cho đến khi có một loại Vaccine hoàn hảo, bạn nên tiêm và nhắc lại liều tăng cường nếu bạn đủ điều kiện.
Các mũi Vaccine tăng cường có tác dụng với biến thể Omicron không? Nếu đã tiêm đủ liều, tôi có cần tiêm nhắc lại không?
Các nghiên cứu gần đây cho thấy những người được tiêm Vaccine nhắc lại có khả năng bảo vệ chống COVID-19 hơn so với những người đã qua sử dụng mũi tiêm nhắc lại - và được bảo vệ nhiều hơn đáng kể so với những người chưa được tiêm phòng.
Vào tháng 12 năm 2021, khi biến thể Omicron chiếm ưu thế ở Hoa Kỳ, dữ liệu thống kê cho thấy trung bình hàng tuần có:
- 148,6 ca mắc COVID-19 trên 100.000 người đã được tiêm chủng đủ và có tiêm mũi tăng cường.
- 254,8 ca mắc COVID-19 trên 100.000 người đã được tiêm phòng đủ nhưng chưa tiêm nhắc lại.
- Với những người không được tiêm phòng, tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn nhiều: 725,6 ca mắc COVID-19 trên 100.000.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy tiêm liều tăng cường giúp ngăn ngừa bệnh với Omicron.
Theo công bố trên tạp chí JAMA, phân tích khoảng 13.000 trường hợp Omicron ở Mỹ cho thấy tỷ lệ mắc COVID có triệu chứng thấp hơn 66% đối với những người đã tiêm 3 liều Vaccine mRNA so với những người chỉ tiêm 2 mũi. Khoảng cách thậm chí còn lớn hơn giữa những người đã được tiêm chủng và những người chưa tiêm Vaccine.
Đối tượng nào có thể tiêm mũi nhắc lại? Trẻ em có đủ điều kiện để tiêm nhắc lại không?
Vaccine Pfizer:
CDC Hoa Kỳ khuyến cáo bất kỳ người nào từ 12 tuổi trở lên đã tiêm liều thứ hai của Vaccine Pfizer ít nhất 5 tháng trước, đều có thể tiêm nhắc lại.
Trước đây, CDC Hoa Kỳ khuyến nghị thời gian giữa liều thứ 2 và liều nhắc lại là 6 tháng, gần đây thì họ đã rút ngắn khoảng cách từ 6 tháng xuống còn 5 tháng.
Vaccine Moderna:
Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ hai liều nên được tiêm nhắc lại 5 tháng sau liều thứ hai.
Vaccine Johnson & Johnson:
Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm Vaccine Johnson & Johnson một liều nên được tiêm nhắc lại sau 2 tháng.
Đối với các mũi tiêm nhắc lại, bạn không cần phải sử dụng cùng một loại Vaccine mà bạn đã tiêm lần đầu tiên. FDA Hoa Kỳ cho biết có thể trộn và kết hợp các loại cho liều tăng cường.
Gần đây, CDC khuyến nghị tiêm Vaccine Pfizer và Moderna thay vì Vaccine Johnson & Johnson do dữ liệu mới cho thấy hội chứng đông máu hiếm gặp xảy ra thường xuyên hơn ở những người tiêm Vaccine Johnson & Johnson.
Chúng ta có cần Vaccine đặc hiệu Omicron không? Nếu cần thì phải mất bao lâu để phát triển được Vaccine?
Các nhà sản xuất Vaccine đã và đang nghiên cứu phát triển Vaccine đặc hiệu cho Omicron. Tuy nhiên, điều này có thể không cần thiết.
Nếu liều tăng cường của các loại Vaccine hiện tại có thể cung cấp đủ khả năng bảo vệ, thì chúng ta không cần thiết phải phát triển Vaccine dành riêng cho một biến thể riêng biệt.
Hơn thế nữa, chúng ta cũng phải cân nhắc đến việc rồi sẽ có những biến thể khác
Hiện tại, liều tăng cường có thể giúp ngăn ngừa ca bệnh nặng cần nhập viện với biến thể Omicron.
Ngaỳ 10/01/2022, Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla nói với CNBC rằng Vaccine cho Omicron của Pfizer sẽ sẵn sàng vào tháng 3 - mặc dù có thể không cần thiết.
Bên Mordena, Giám đốc điều hành Stéphane Bancel cũng cho biết họ đang làm việc rất tích cực để phát triển Vaccine đặc hiệu cho Omicron để sử dụng như một liều tăng cường.
Tiêm Vaccine COVID-19 và Vaccine cúm cùng một lúc có an toàn không?
An toàn. Bạn có thể tiêm Vaccine COVID-19 và bất kỳ loại Vaccine thông thường nào khác, bao gồm cả Vaccine cúm.
Nếu bạn chưa tiêm đủ liều Vaccine COVID-19, hãy tiêm Vaccine COVID-19 càng sớm càng tốt.
Khi Vaccine COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện, các chuyên gia khuyến nghị mọi người không nên tiêm cùng lúc với các loại Vaccine khác. Thay vào đó, họ khuyến nghị nên tiêm 2 tuần trước hoặc sau khi tiêm Vaccine COVID-19.
Hiện tại, hàng triệu người đã tiêm Vaccine COVID-19 (bao gồm cả trẻ em), rõ ràng là nó an toàn và hiệu quả khi được tiêm cùng với các loại Vaccine khác.
Trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, trẻ em vẫn được tiêm cùng lúc nhiều loại Vaccine trong các mũi 5 trong 1 hay 6 trong 1 như: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt... Việc này an toàn và hệ thống miễn dịch của chúng ta vẫn xử lý tốt.
CDC Hoa Kỳ khyến cáo nếu tiêm nhiều loại trong một lần khám, nên tiêm từng mũi ở các vị trí tiêm khác nhau và 2 mũi tiêm cách nhau tối thiểu 2,54cm. Điều đó có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể tiêm phòng cúm ở một bên tay và bên kia là mũi tiêm COVID.
Điều cần nhớ là: sau khi bạn được tiêm phòng, cơ thể bạn mất khoảng hai tuần để phát triển các kháng thể bảo vệ chống lại bệnh cúm, tương tự đối với COVID-19.
Tiêm chủng đủ là tiêm hai hay ba mũi?
Đối với một căn bệnh mới, phải mất trung bình 7 năm để các khám phá khoa học chuyển đổi thành các phương pháp điều trị được chấp thuận. Để phát triển một loại Vaccine qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và phê duyệt thông thường mất khoảng 10 đến 15 năm.
Với COVID, chúng ta đã có những tiến bộ thần tốc. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta chưa đủ dữ liệu về Vaccine để có thể khẳng định thế nào là tiêm chủng đủ.
CDC Hoa Kỳ coi tiêm chủng đủ là:
- Hai tuần sau liều thứ hai của Vaccine hai liều (Vaccine Pfizer hoặc Moderna).
- Hoặc 2 tuần sau khi tiêm Vaccine một liều (Vaccine Johnson & Johnson)
Hiện tại, CDC Hoa Kỳ đã khuyến nghị các mũi tiêm nhắc lại cho tất cả người lớn sau khi tiêm phòng Johnson & Johnson là 2 tháng hoặc 5 tháng sau khi tiêm Vaccine Moderna/Pfizer.
Định nghĩa về “tiêm chủng đủ” có thể phải thay đổi để bao gồm các liều tăng cường.
Tóm lại, thì khuyến cáo bạn tiêm đủ liều qui định của từng loại và bổ sung thêm mũi tiêm tăng cường. Định nghĩa thế nào là tiêm đủ sẽ thay đổi và bạn không cần bận tâm nhiều về điều đó.
Trong Vaccine COVID-19 có thành phần gì? Tôi đã nghe rất nhiều tin đồn và không biết phải tin vào đâu?
CDC Hoa Kỳ liệt kê các thành phần hoạt động và không hoạt động cho từng loại Vaccine trong số ba loại Vaccine coronavirus được sử dụng ở Hoa Kỳ.
CDC Hoa Kỳ cho biết: Không có loại Vaccine nào chứa trứng, gelatin, latex hoặc chất bảo quản.
Và trái với những lầm tưởng phổ biến, Vaccine không có vi mạch và không thể khiến bạn có từ tính.
Tất cả Vaccine COVID-19 đều không chứa kim loại như sắt, niken, coban, lithium, hợp kim đất hiếm hoặc bất kỳ sản phẩm nào được sản xuất như vi điện tử, điện cực, ống nano cacbon hoặc chất bán dẫn, dây nano.
Nếu các nhà sản xuất Vaccine đang nghiên cứu về vaccine đặc hiệu cho biến thể Omicron, tôi nên chờ loại đó hay là tiêm nhắc lại ngay lúc này?
Đừng chờ, bạn nên tiêm nhắc lại ngay nếu có thể.
Nếu bạn đủ điều kiện tiêm nhắc lại, cụ thể là đã tiêm đủ liều (2 mũi) Vaccine Moderna hoặc Pfizer được 5 tháng hoặc Vaccine J&J được 2 tháng. Đừng chần chừ, hãy tiêm ngay mũi tăng cường.
Mặc dù hiệu quả ngăn ngừa các triệu chứng và khả năng mắc bệnh của Vaccine giảm dần theo thời gian, tất cả các loại Vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc phòng ca nặng dẫn đến phải nhập viện hay tử vong.
Liều Vaccine tăng cường này (mũi thứ ba) chủ yếu nhằm mục đích ngăn ngừa mắc bệnh và giảm sự lây lan.
Mặc dù vậy, loạt hai liều ban đầu vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các ca bệnh COVID nặng có khả năng phải nhập viện hoặc tử vong.
Các công ty như Pfizer và Moderna đang phát triển các mũi tăng cường dành riêng cho Omicron để đề phòng trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, kể cả khi có những loại Vaccine đặc hiệu cho Omicron, chúng ta vẫn phải chờ một khoảng thời gian cho đến khi nó được chấp thuận sử dụng cho cộng đồng.
Chúng ta biết gì về tính an toàn và hiệu quả của Vaccine COVID-19 ở trẻ nhỏ? Liệu có tác dụng phụ gì không?
Vaccin Pfizer cho trẻ em:
Dựa trên dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, Pfizer cho biết Vaccine của họ an toàn và hiệu quả 90,7% đối với COVID-19 có triệu chứng ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Người tham gia thử nghiệm được tiêm Vaccine được tiêm hai liều, cách nhau ba tuần.
Pfizer cũng cho biết là sau khi theo dõi ba tháng sau khi tiêm, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào như viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.
Tiến sĩ Bob Frenck, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vaccine tại Bệnh viện nhi Cincinnati, một trong những địa điểm thử nghiệm nhi khoa của Pfizer, cho biết: “Các tác dụng phụ mà chúng tôi thấy ở trẻ em giống với những gì chúng tôi thấy ở người lớn. Những tác dụng phụ như vậy bao gồm đau tay, mệt mỏi, nhức đầu và sốt ở khoảng 10% trẻ em. Những tác dụng phụ đó không kéo dài quá một đến hai ngày."
Vaccin Moderna cho trẻ em:
Moderna đã thử nghiệm nhiều liều Vaccine COVID-19 ở trẻ em. Ngày 25/10/2021, Moderna cho biết kết quả thử nghiệm tạm thời cho thấy Vaccine của họ được dung nạp tốt và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở trẻ em từ 6 đến 11 tuổi.
Một số người bị các tác dụng phụ như mệt mỏi, nhức đầu, sốt và đau tại chỗ tiêm.
Vaccine COVID-19 ở trẻ em 5 đến 11 tuổi có hiệu quả không?
Đối với trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, hiệu quả của Vaccine Pfizer/BioNTech sẽ suy giảm nhanh chóng trong quá trình nhiễm Omicron - nhưng vẫn có hiệu quả bảo vệ làm giảm số ca bệnh nặng.
Điều này là hết sức bình thường vì Vaccine được phát triển để chống lại các biến thể COVID-19 trước đó. Dữ liệu cho thấy trong vòng một tháng kể từ khi được tiêm chủng đầy đủ, hiệu quả của các mũi tiêm Pfizer chống lại sự lây nhiễm của biến thể Omicron đã giảm từ 68% xuống chỉ còn 12% ở nhóm tuổi từ 5 đến 11 tuổi.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy việc tiêm phòng đầy đủ sẽ tốt hơn trong để bảo vệ trẻ từ 5 đến 11 tuổi khỏi phải nhập viện trong quá trình nhiễm Omicron.
Đối với trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, dữ liệu cho thấy hiệu quả của Vaccine cũng suy giảm, nhưng không nhanh như đối với trẻ nhỏ.
Tiêm phòng để làm gì nếu sau khi tiêm vẫn có thể bị mắc COVID-19?
Không có Vaccine nào hiệu quả 100%, bạn vẫn có thể bị nhiễm bệnh mặc dù đã được tiêm ngừa. Những ca mắc bệnh như vậy được gọi là nhiễm đột quá (đã tiêm Vaccine nhưng vẫn mắc bệnh). Các ca nhiễm đột phá kiểu này đã xảy ra ở nhiều loại Vaccine khác, không chỉ riêng đối với Vaccine COVID.
Điều quan trọng là Vaccine COVID-19 giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong ở nhiều nhóm tuổi.
Theo dữ liệu tháng 8 của CDC Hoa Kỳ:
- Đối với người lớn dưới 50 tuổi: tỷ lệ nhập viện của COVID-19 ở những người không được tiêm chủng cao hơn 15 lần so với những người được tiêm chủng đủ.
- Người từ 50 đến 64 tuổi: tỷ lệ nhập viện cao hơn 31 lần đối với những người không được tiêm chủng.
- Nguy cơ tử vong do COVID-19 ở người lớn chưa được tiêm cao hơn 11 lần so với người đã được tiêm.
- Trong số những người từ 80 tuổi trở lên (những người này dễ bị COVID nặng): nguy cơ tử vong do COVID-19 ở những người không được tiêm chủng cao hơn khoảng 5 lần so với những người được tiêm chủng đủ.
- Trong số các trường hợp nhiễm đột phá dẫn đến tử vong, 85% là ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Tính đến ngày 12/10/2021, có khoảng 7.178 trường hợp mắc COVID-19 nhiễm đột phá dẫn đến tử vong và 187 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ. Nói cách khác, chỉ khoảng 0,004% những người được tiêm chủng đủ đã tử vong vì COVID-19.
Tác dụng phụ của mũi Vaccine tăng cường là gì?
Dữ liệu cho thấy các tác dụng phụ từ liều tăng cường của Vaccine mRNA COVID-19 tương tự như những tác dụng phụ thấy sau liều thứ hai, hầu hết là ở mức độ nhẹ đến trung bình và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Các Vaccine hai mũi của Moderna và Pfizer đều sử dụng vật liệu di truyền được gọi là RNA thông tin, hoặc mRNA, để cung cấp khả năng miễn dịch.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất là đau tại chỗ tiêm (71%), mệt mỏi (56%) và đau đầu (43,4%). Trong số những người báo cáo cơn đau nói chung, chỉ có khoảng 7% mô tả nó là “nghiêm trọng” (tức là các cơn đau khiến các hoạt động hàng ngày trở nên khó khăn hoặc không thể thực hiện được)
Nếu tôi đã nhiễm COVID-19 thì có nên tiêm Vaccine không? Nếu tôi đã được điều trị bằng kháng thể đơn dòng thì sao?
Bạn nên tiêm cho dù bạn đã nhiễm COVID-19 hay chưa.
Các bằng chứng hiện có cho thấy mọi người được bảo vệ tốt hơn bằng cách tiêm chủng đủ so với bị nhiễm COVID-19 nhưng chưa tiêm chủng. Một nghiên cứu đã cho thấy những người chưa được tiêm chủng bị nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc lại COVID-19 cao hơn gấp 2 lần so với những người đã được tiêm chủng đủ.
Nếu bạn đã được điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng thì bạn nên đợi khoảng 90 ngày trước khi tiêm Vaccine COVID-19. Nếu cần bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị của mình để biết là mình đã được điều trị bằng phương pháp nào.
Khái niệm cho rằng khả năng miễn dịch đạt được thông qua tiêm chủng có thể mạnh hơn hoặc tồn tại lâu hơn so với khả năng miễn dịch đạt được từ nhiễm tự nhiên không mới.
Nhà dịch tễ học, Tiến sĩ Larry Brilliant cho biết: “Nhiều loại Vaccine mà chúng tôi đã tạo ra trong lịch sử có thể tạo ra khả năng miễn dịch hơn so với nhiễm virus tự nhiên"
Vaccine COVID-19 đã được chấp thuận đầy đủ nghĩa là thế nào? Sự khác nhau giữa cấp phép khẩn cấp và chấp thuận hoàn toàn là gì?
Ngày 23/08/2021, Cơ quan FDA Hoa Kỳ đã chấp thuận hoàn toàn cho Vaccine Pfizer/BioNTech COVID-19 cho người từ 16 tuổi trở lên.
Trước đó, cả ba loại Vaccine COVID-19 được sử dụng tại Mỹ (Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson) chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp. FDA đã xem xét kết quả về độ an toàn và tính hiệu quả trong thời gian theo dõi khoảng ba tháng. Họ thấy lợi ích của việc sử dụng Vaccine vượt trội so với rủi ro, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 gây ra nên họ cấp phép cho sử dụng khẩn cấp.
Tuy nhiên, cấp phép sử dụng khẩn cấp không có nghĩa là Vaccine kém an toàn hoặc hiệu quả hơn Vaccine đã được chấp thuận hoàn toàn.
Sự khác biệt ở đây là thời gian theo dõi và qui trình sản xuất Vaccine.
Để được FDA Hoa Kỳ chấp thuận hoàn toàn thì các công ty sản xuất Vaccine phải cung cấp các dữ liệu theo dõi được trong thời gian dài hơn. Trong lịch sử phát triển Vaccine, các tác dụng phụ nghiêm trọng nhất đều được ghi nhận trong vòng hai tháng sau khi tiêm.
Và để được chấp thuận hoàn toàn thì quy trình sản sản xuất phải đảm bảo tính chính xác và nhất quán. Các chuyên gia FDA Hoa Kỳ cần xem xét một lượng lớn tài liệu, thực hiện các phân tích của riêng họ, làm rõ các vấn đề cần thiết và kiểm tra kỹ lưỡng về quy trình sản xuất.
Và với sự chấp thuận hoàn toàn, các công ty sản xuất Vaccine mới được phép tiếp thị và quảng cáo Vaccine của họ.
Tại Việt Nam, trong năm 2021 đã có 9 vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế phê duyệt khẩn cấp, bao gồm:
- Vaccin của AstraZeneca (phê duyệt ngày 1/2/2021). Đây cũng là vaccine đầu tiên được Bộ Y tế phê duyệt.
- Vaccine Sputnik V (phê duyệt ngày 23/3)
- Vaccine Vero Cell (phê duyệt ngày 3/6)
- Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNtech (phê duyệt ngày 12/6)
- Vaccine Moderna (phê duyệt ngày 29/6)
- Vaccine Janssen (phê duyệt ngày 15/7)
- Vaccine Hayat-Vax (phê duyệt ngày 10/9)
- Vaccine Abdala: phê duyệt ngày 17/9)
- Vaccine Covaxin (phê duyệt ngày 10/11)
Tác dụng phụ của Vaccine là gì?
Một số người phản hồi là họ thấy các triệu chứng giống như cúm tạm thời. Đây là những phản ứng miễn dịch của cơ thể. Việc bạn bị đau nhức cánh tay, mệt mỏi, đau nhức cơ thể hoặc sốt là điều bình thường”.
Với Vaccine Johnson & Johnson, các tác dụng phụ thường gặp nhất là đau tại chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi và đau cơ. Tuy nhiên, CDC Hoa kỳ khuyến cáo sử dụng Vaccine Johnson & Johnson có thể gây ra một tác dụng phụ hiếm gặp là Huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu, đặc biệt là ở phụ nữ dưới 50 tuổi. Huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu là một tác dụng phụ nặng nề cần quan tâm.
Trường hợp nào cần tiêm liều thứ 3 mới coi là hoàn thành loạt tiêm ban đầu?
CDC Hoa Kỳ khuyến nghị tiêm liều thứ ba cho những người bị suy giảm miễn dịch từ 5 tuổi trở lên (với Vaccine mRNA của Pfizer hoặc Moderna). (Pfizer vẫn là loại Vaccine duy nhất được chấp thuận cho lứa tuổi 5-17).
Liều thứ ba phải được tiêm ít nhất bốn tuần sau liều thứ hai.
Những người được coi là suy giảm miễn dịch bao gồm:
- Đang điều trị ung thư
- Đã được ghép tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch
- Điều trị bằng liệu pháp tế bào CAR -T hoặc tế bào gốc tạo máu (trong vòng 2 năm sau khi cấy ghép hoặc đang điều trị ức chế miễn dịch)
- Suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng (ví dụ, hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich)
- Nhiễm HIV giai đoạn nặng hoặc không được điều trị
- Điều trị tích cực bằng corticosteroid liều cao (tức là ≥20 mg prednisone hoặc tương đương mỗi ngày trong thời gian ≥ 2 tuần), chất alkyl hóa, chất chống chuyển hóa, thuốc ức chế miễn dịch liên quan đến cấy ghép, chất hóa trị liệu ung thư, thuốc ức chế yếu tố hoại tử u (TNF inhibitor), và các tác nhân sinh học khác có tác dụng ức chế miễn dịch hoặc điều hòa miễn dịch.
Tại sao lại cần tiêm Vaccine tăng cường (mũi thứ 3)?
Do khả năng bảo vệ chống lại nhiễm virus giảm dần theo thời gian. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng 5 tháng sau tiêm loạt Vaccine COVID-19 ban đầu, những người đã được tiêm chủng đủ có nhiều nguy cơ bị nhiễm đột phá hơn.
Đối với những người dưới 65 tuổi và không có các bệnh nền, các trường hợp nhiễm đột phá COVID-19 thường là nhẹ. Hầu hết các trường hợp nhiễm COVID này không gây ra bệnh nặng hoặc phải nhập viện. Nhóm này có thể chọn mũi vaccine tăng cường để giảm nguy cơ nhiễm đột phá.
Những người từ 65 tuổi trở lên hoặc những người có các bệnh lý nề: khuyến nghị nên tiêm một liều tăng cường Vaccine COVID-19 cho nhóm người này.
Đối với những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, đáp ứng miễn dịch sau tiêm hai liều Vaccine đầu tiên có thể không tạo ra đủ khả năng bảo vệ, do đó cần được tiêm thêm mũi Vaccine COVID-19 thứ ba.
Tác dụng phụ của mũi 3 Vaccine COVID-19 là gì?
Các tác dụng phụ sau khi tiêm liều nhắc lại hoặc liều thứ ba của Vaccine COVID-19 tương tự như các tác dụng phụ sau liều thứ hai, thường là: đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh và mệt mỏi.
Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được tìm thấy trong các nghiên cứu về Vaccine liều thứ ba.
Tôi có cần tiêm mũi tăng cường COVID-19 hoặc mũi thứ 3 từ nhà sản xuất giống với mũi ban đầu không?
Ngày 21/10/2021, CDC Hoa kỳ khuyến nghị cho phép trộn các Vaccine COVID-19 từ các nhà sản xuất khác nhau. Nói cách khác, nếu bạn đã nhận được hai liều Pfizer đầu tiên, các khuyến nghị của CDC sẽ cho phép bạn tiêm một liều bổ sung Vaccine Moderna - hoặc ngược lại.
Tại Việt Nam chúng ta đang có tất cả 9 loại Vaccine COVID-19, về việc tiêm trộn các loại Vaccine này chúng tôi sẽ bổ sung trong thời gian tời khi có thông tin chính thức và rõ ràng.
Liệu chúng ta có phải thường xuyên tiêm mũi tăng cường COVID-19 trong tương lai không?
Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết về tần suất cần bổ sung liều Vaccine COVID-19. Chúng ta cần có thêm dữ liệu để biết về khả năng bảo vệ của các loại Vaccine cụ thể và chủng tộc khác nhau.
Điều này còn phụ thuộc vào tình hình tiến triển của đại dich và sự xuất hiện của các biến thể mới.
Vaccine COVID-19 bị giảm hiệu quả bảo vệ là như thế nào? Loạt hai liều ban đầu có đủ để bảo vệ tôi không?
Người ta hiểu rằng vắc xin COVID-19 sẽ không bảo vệ con người mãi mãi. Các nhà sản xuất Vaccine tuyên bố họ tin là cần có liều tăng cường do Vaccine giảm khả năng bảo vệ qua thời gian.
Tuy nhiên, tại thời điểm 04/2022 không có nhiều dữ liệu cho thấy khả năng bảo vệ đang giảm dần. Hiệu quả bảo vệ có vẻ là lâu bền.
Mặc dù có thể hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa các triệu chứng và bệnh tật giảm dần qua thời gian, tất cả các loại Vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc chống ca COVID nặng dẫn đến nhập viện và tử vong.
Các liều Vaccine mũi 3 chủ yếu nhằm mục đích ngăn ngừa bệnh tật và giảm sự lây lan. Tuy nhiên, loạt hai liều ban đầu vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa ca bệnh nặng có thể dẫn đến nhập viện hoặc tử vong.
Vaccine mRNA có làm biến đổi gen của tôi không?
Không.
Các Vaccine của Moderna và Pfizer sử dụng một dạng vật liệu di truyền để làm mồi tạo ra đáp ứng miễn dịch cho cơ thể, vật liệu này gọi là mRNA.
mRNA được đóng gói các hạt lipd rất nhỏ, cho phép nó có thể xâm nhập vào bên trong tế bào. Tế bào dùng các mRNA để tạo ra các protein giống với Coronavirus và kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể chống lại các protein này.
Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta chứa hàng trăm nghìn phân tử mRNA, được sản xuất để tổng hợp ra các loại protein. Sau khi tổng hợp ra protein, tế bào sẽ cắt nhỏ các mRNA bằng các enzym đặc biệt.
Các mRNA mà tế bào của cơ thể tạo ra chỉ có thể tồn tại trong vài phút.
mRNA trong Vaccine thì khác một chút, nó được thiết kế để chống lại các enzym cắt của tế bào trong thời gian dài hơn. Vì vậy tế bào có thể tạo thêm protein giống virus và thúc đẩy phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Tuy nhiên, nó chỉ có thể tồn tại tối đa vài ngày rồi cũng bị phân huỷ.