Trẻ em mắc COVID có nguy hiểm không?

Ths.BS. Nguyễn Tuấn Anh

12/05/2022

Trẻ em mắc COVID-19 có nguy hiểm không?
Hiện tại Việt Nam có bao nhiêu trẻ em phải nhập viện điều trị COVID-19?

Ngày 16/12/2022, Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế chủ trì tổ chức.

Tại Hội nghị, Bộ Y tế cho biết, hiện nay trẻ mắc COVID-19 dưới 18 tuổi ghi nhận ở nước ta chiếm khoảng 19,2%, trong đó lứa tuổi mắc nhiều nhất là từ 6-12 tuổi, chiếm 8%, từ 13-17 tuổi chiếm 4,8%, từ 0-2 tuổi chiếm 3,6%, từ 3-5 tuổi chiếm 2,8%.

Tỷ lệ tử vong ở trẻ em do COVID-19 ở Việt Nam chiếm 0,42%. Trong đó, nhóm tuổi từ 13-17 tuổi chiếm 0,11%, từ 6-12 tuổi chiếm 0,1%, từ 0-2 tuổi chiếm 0,18%. Trong các nhóm tuổi này, nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất đáng lưu ý, chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với các nhóm tuổi khác.

Và không chỉ trẻ em có bệnh nền mới phải nhập viện.
Tại TPHCM, trong số 32.429 trẻ mắc COVID-19, có 48 trường hợp tử vong, chiếm khoảng 0,15%. Phân tích trong 2.478 ca mắc thì có 165 ca có mức độ nặng, nguy kịch - chủ yếu ở nhóm trên 10 tuổi, chiếm 64%. Trong đó trẻ mắc COVID-19 có bệnh lý kèm như thừa cân, béo phì chiếm 14%, các bệnh lý kèm khác chiếm 8,5%. Còn lại là các cháu không có vấn đề gì khi mắc COVID-19.

Một số trẻ cũng đã bị các di chứng Hậu COVID-19 hoặc hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) - một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng gây nguy hiểm đe doạ tính mạng, thường xảy ra ở trẻ sau vài tuần bị nhiễm COVID.

Với biến chủng Omicron có tốc độ lây siêu lây nhiễm như hiện nay thì đây là đối tượng chưa được tiêm chủng nên có nguy cơ cao mắc bệnh.

Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan và cần phải thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho các cháu như tiêm Vaccine, thực hiện 5K.

Trẻ nhiễm COVID-19 có bị ảnh hưởng đến não không?

Nhìn chung, trẻ nhỏ không bị COVID-19 nặng như trẻ lớn và người lớn. Tuy nhiên, chúng ta đã có khá nhiều trẻ em đã phải nhập viện vì COVID-19.

Trẻ em cũng có thể bị Hậu COVID và nó có thể ảnh hưởng đến suy giảm nhận thức và trí nhớ của các cháu. Hơn nữa, khi bị COVID kéo dài, trẻ có thể phải nghỉ học, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não.

Một tác dụng phụ hiếm gặp khác của COVID có thể xảy ra ở trẻ là viêm não do virus.

Khả năng bị di chứng Hậu COVID ở trẻ em như thế nào?

Không chỉ các ca COVID nhẹ, ngay cả trẻ em không có triệu chứng với COVID-19 cũng có thể bị Hậu COVID.

Khoảng 20-30% trẻ em nhiễm COVID-19 sẽ bị Hậu COVID (Long COVID), tỷ lệ này thấp hơn so với người lớn.

Kể cả những trẻ bị COVID-19 không triệu chứng cũng có thể mắc các di chứng hậu COVID.

Vaccine được chứng minh là có thể ngăn ngừa Hậu COVID. Các chuyên gia y tế khuyến khích các cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng nếu đủ điều kiện. 

Cách bảo vệ tốt nhất tiếp theo cho trẻ là đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Các dấu hiệu của Viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em là gì? Có phải MIS-C chỉ xảy ra ở trẻ em bị COVID-19 nặng?

MIS-C là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em.

Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng rất nặng liên quan đến COVID-19, trong đó nhiều bộ phận cơ thể khác nhau bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.

(Tương tự, một hội chứng gọi là MIS-A có thể xảy ra ở người lớn sau khi nhiễm COVID-19).

Theo CDC Hoa Kỳ, hơn 6.400 trẻ em đã bị MIS-C, và ít nhất 55 em đã tử vong. Tuổi trung bình của bệnh nhân mắc MIS-C là 9 tuổi.

Số liệu chính xác về tỷ lệ mắc MIS-C ở trẻ em Việt nam cũng như ở các nước châu Á chưa rõ, tuy nhiên có thể thấp hơn ở các nước Âu- Mỹ.

MIS-C là một biến chứng hiếm gặp ở trẻ em thường xảy ra từ 2 đến 4 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Nhìn chung, các di chứng Hậu COVID-19 có thể xảy ra ngay cả ở trẻ có biểu hiện triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng khi mắc COVID.

Thường là trẻ được chẩn đoán một cách tình cờ là bị mắc COVID. Trong gia đình có người bị nhiễm bệnh, trẻ được xét nghiệm và tình cờ phát hiện kết quả dương tính… Sau đó thì trẻ vẫn trong tình trạng ổn định. Một tháng trôi qua, trẻ sốt cao kèm theo đó là bằng chứng về tổn thương phổi, gan, thận hoặc tim... Đó là khi các cháu đến bệnh viện và được chẩn đoán MIS-C.

Các cha mẹ nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu:

  • Trẻ bị sốt liên tục

và kèm theo ít nhất một trong những triệu chứng sau:

  • Đau bụng
  • Mắt đỏ
  • Tiêu chảy
  • Chóng mặt hoặc choáng váng (dấu hiệu của tụt huyết áp)
  • Phát ban da
  • Nôn mửa

Trẻ em có thể lây COVID-19 cho người lớn và gia đình không?

Hầu hết các trường hợp nhiễm COVID-19 xảy ra trong gia đình là do người lớn mang COVID-19 về nhà và lây nhiễm cho con cái của họ.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng:

  • Khoảng 90% các ca lây nhiễm trong gia đình là từ người lớn lây sang trẻ em.
  • Chỉ khoảng 10% là trẻ em lây cho người lớn.

Gia đình tôi có cháu nhỏ dưới 5 tuổi chưa thể tiêm Vaccine, chúng tôi nên làm gì khi đi gặp người khác?

Chuyên gia y tế của CNN, Tiến sĩ Bác sĩ Leana Wen khuyên bạn nên tuân theo “quy tắc 2 trong 3”.

Quy tắc 2 trong 3:

  • Chúng ta có 3 công cụ chính: tiêm chủng, xét nghiệm và đeo khẩu trang.
  • Và chúng ta nên có 2 trong số 3 thứ đó.

Nếu bạn không tiêm phòng, bạn nên đeo khẩu trang và nếu muốn tụ tập với mọi người, hãy làm xét nghiệm.

Nếu bạn đã tiêm Vaccin COVID thì bạn cũng nên tiêm liều tăng cường. Nhưng nếu bạn muốn gặp gỡ mọi người trong nhà mà không đeo khẩu trang, thì hãy đảm bảo rằng mọi người được test COVID trong ngày hôm đó. Nếu bạn không thể đạt được điều đó thì mọi người nên đeo khẩu trang trong nhà.

Đối với các cháu còn quá nhỏ để được tiêm phòng và rõ ràng là không thể đeo khẩu trang khi ăn. Chìa khóa trong trường hợp này là bao quanh những đứa trẻ chưa được tiêm chủng với những đứa trẻ đã được tiêm chủng

Đây là cách miễn dịch bầy đàn cổ điển, những người lớn bảo vệ những đứa trẻ không thể đeo khẩu trang. Nếu mọi người đều xét nghiệm thì đó là lớp bảo vệ thứ hai.

Chúng ta biết gì về tính an toàn và hiệu quả của Vaccine COVID-19 ở trẻ nhỏ? Có tác dụng phụ gì không?

Vaccin Pfizer cho trẻ em:
Dựa trên dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, Pfizer cho biết Vaccine của họ an toàn và hiệu quả 90,7% đối với COVID-19 có triệu chứng ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Người tham gia thử nghiệm được tiêm Vaccine được tiêm hai liều, cách nhau ba tuần.

Pfizer cũng cho biết là sau khi theo dõi ba tháng sau khi tiêm, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào như viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.
Tiến sĩ Bob Frenck, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vaccine tại Bệnh viện nhi Cincinnati, một trong những địa điểm thử nghiệm nhi khoa của Pfizer, cho biết: “Các tác dụng phụ mà chúng tôi thấy ở trẻ em giống với những gì chúng tôi thấy ở người lớn. Những tác dụng phụ như vậy bao gồm đau tay, mệt mỏi, nhức đầu và sốt ở khoảng 10% trẻ em. Những tác dụng phụ đó không kéo dài hơn một hoặc hai ngày.""

Vaccin Moderna cho trẻ em:
Moderna đã thử nghiệm nhiều liều Vaccine COVID-19 ở trẻ em. Ngày 25/10/2021, Moderna cho biết kết quả thử nghiệm tạm thời cho thấy Vaccine của họ được dung nạp tốt và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở trẻ em từ 6 đến 11 tuổi.

Một số người bị các tác dụng phụ như mệt mỏi, nhức đầu, sốt và đau tại chỗ tiêm.

Cháu nhà tôi 11 tuổi, vậy có nên đợi đến khi đủ 12 tuổi rồi tiêm liều giống người lớn hay nên tiêm liều Vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi?

Theo Tiến sĩ Paul Spearman, thành viên của Hội đồng tư vấn về Vaccine và các sản phẩm sinh học liên quan của FDA Hoa Kỳ khuyên: Bạn không nên đợi.

Dữ liệu do Pfizer đệ trình bày cho Hội đồng cho thấy: liều 10 microgram - tức là một phần ba liều được cấp phép cho người lớn - có hiệu quả tương đương để tạo ra các kháng thể bảo vệ mọi người khỏi COVID-19.

Liều nhỏ hơn có nghĩa là đưa vào cơ thể ít kháng nguyên hơn, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu nó có đủ để tạo ra được phản ứng miễn dịch tốt hay không?

Dữ liệu từ các thử nghiệm cho thấy phản ứng miễn dịch tốt tương đương với liều 30 microgram và ít tác dụng phụ hơn. Ưu điểm của liều lượng nhỏ hơn (nhưng không kém hiệu quả) đối với trẻ em là giảm tác dụng phụ.

Đối với các bậc cha mẹ có con lớn hơn 10 hoặc 11 tuổi lo lắng rằng liều lượng cho trẻ em có thể không đủ, thì cân nặng không phải là vấn đề quan trọng khi bàn đến Vaccine.

Trẻ em có được tiêm cùng liều lượng như người lớn không? Trẻ em thì tiêm một hay hai mũi?

Pfizer cho biết dữ liệu từ cuộc thử nghiệm Vaccine của họ cho đối tượng trẻ em từ 5 đến 11 tuổi cho thấy Vaccine này an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch tốt.

Họ cho biết liều lượng được tối ưu để đạt độ an toàn, khả năng dung nạp và khả năng sinh miễn dịch ở nhóm tuổi đó là 10 microgam mỗi liều, tức là bằng một phần ba liều lượng cho những người từ 12 tuổi trở lên.

Và cũng giống như với thanh thiếu niên và người lớn, trẻ em từ 5 đến 11 tuổi cần tiêm hai liều cách nhau ba tuần.

Vaccine có hiệu quả ở trẻ nhỏ không? Khi nào trẻ dưới 5 tuổi có thể tiêm phòng?

Vaccine Pfizer/BioNTech hiện được cấp phép sử dụng cho người từ 5 tuổi trở lên. Liều ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi bằng một phần ba so với những người từ 12 tuổi trở lên.

Theo báo cáo của CDC Hoa Kỳ thì hai liều Vaccine Pfizer/BioNTech ít hiệu quả hơn đối với biến thể Omicron ở trẻ nhỏ từ 5 đến 11 tuổi so với trẻ lớn và người lớn.

Báo cáo của CDC cho thấy hai mũi tiêm giúp giảm 31% nguy cơ nhiễm Omicron ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, so với 59% ở trẻ em từ 12 đến 15 tuổi.

Một báo cáo khác của CDC vào tháng 3 cho thấy trẻ em đã được tiêm chủng ít có nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 hơn so với trẻ em không được tiêm chủng.

Hiện tại, Pfizer đã thử nghiệm tiêm mũi thứ ba cho trẻ độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi.

Theo Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla: Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng liên quan đến liều thứ ba cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi có thể được trình lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vào cuối tháng 4/2022. Nếu được FDA và CDC cấp phép, trẻ em dưới 5 tuổi có thể bắt đầu tiêm chủng vào tháng 5/2022.

Vaccine Moderna hiện chưa được phép sử dụng cho trẻ em. Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho thấy Vaccine hoạt động tốt ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi cũng như ở người lớn.

Vào ngày 23 tháng 3, Moderna cho biết hai liều 25 microgram Vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi cho phản ứng miễn dịch tương tự như hai liều 100 microgram cho người lớn từ 18 đến 25 tuổi. Moderna cho biết họ sẽ yêu cầu FDA cho phép sử dụng Vaccine cho nhóm tuổi trẻ hơn trong thời gian tới.

Moderna cho biết: với trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, hiệu quả phòng bệnh của Vaccine là 43,7%. Với trẻ em từ 2 đến 5 tuổi, hiệu quả là 37,5%.

Tiến sĩ Bill Muller - nghiên cứu viên chính của thử nghiệm lâm sàng Vaccine Moderna cho trẻ em dưới 12 tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng Ann & Robert H. Lurie ở Chicago - cho biết: “Hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng nghe có vẻ khiêm tốn, nhưng nó nằm trong phạm vi chúng ta đã thấy ở người lớn đối với biến thể Omicron”.

Điều chúng ta cần lưu tâm là mục đích của Vaccine là ngăn ngừa các ca bệnh nặng (cần phải nằm viện hoặc cần được chăm sóc tại khoa Điều trị tích cực). Ngoài việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và bệnh có triệu chứng thì Vaccine có thể giúp cho việc giảm sự lây lan của vi rút trong cộng đồng và trong gia đình. Chúng ta nên hiểu là nếu trẻ bị nhiễm COVID thì có thể phải cách ly tại nhà hoặc nặng hơn là phải điều trị tại bệnh viện, điều đó đồng nghĩa với việc cha mẹ phải bỏ công, bỏ việc để lo chăm sóc cho các cháu.

Đối với thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, Moderna đã cung cấp thêm cho FDA dữ liệu về hai liều 100 microgram cho nhóm tuổi này.

Đối với trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, Moderna đã bắt đầu gửi kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho FDA. Nếu được FDA và CDC cấp phép, trẻ em từ 6 đến 11 tuổi có thể tiêm hai mũi Vaccine Moderna 50 microgram.

Tính đến ngày 17/04/2022, Việt Nam đã có 4 địa phương tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là Quảng Ninh, TP HCM, TP Hà Nội và Hà Nam.

Các con tôi không muốn đeo khẩu trang. Tôi nên làm gì?

Nếu có thể, hãy mua một vài nhãn hiệu khẩu trang khác nhau và xem loại nào thoải mái nhất cho con bạn.

Quan trọng là tìm ra loại khẩu trang phù hợp nhất để các cháu có thể đeo suốt cả ngày.

Bạn có thể mua khẩu trang có thiết kế vui nhộn hoặc có các nhân vật yêu thích của cháu. Trẻ em cũng có thể trang trí khẩu trang của mình bằng cách vẽ lên đó nếu chúng thích.

Và đương nhiên là cha mẹ phải làm gương tốt bằng cách đeo khẩu trang thường xuyên.


Chia sẻ bài viết
{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Đọc tiếp:

Omicron, Delta: Cơ chế hình thành các biến thể COVID-19 và các câu hỏi thường gặp

>