Toàn tập về các thành phần có trong Thực phẩm chức năng và Thuốc bổ cho COVID-19

Ths.BS. Nguyễn Tuấn Anh

07/06/2022

Thường là chẳng mấy ai quan tâm đến chủ đề như là cách tăng sức đề kháng chống COVID hay thuốc bổ phổi sau khi bị COVID. Chỉ đến khi chúng ta bị những ảnh hưởng nặng nề của COVID gây ra như mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài, giảm trí nhớ, kém tập trung... thì lúc đó mới tìm cách để giải quyết. Và ai cũng muốn tìm ngay một loại "thuốc tiên" để  xử lý những vấn đề mình đang gặp phải.

Tận dụng tâm lý đó, nhiều thương nhân đã cho ra đời các loại sản phẩm với quảng cáo tác dụng chủ yếu là: thuốc phục hồi phổi, thuốc bổ phổi sau COVID, giảm ho, chống mệt mỏi hay tăng sức đề kháng chống COVID...

Mặc dù mọi người quen gọi là thuốc nhưng thực tế nó là những thực phẩm chức năng.

Bài viết này chúng tôi giới thiệu về công dụng và tính an toàn của các thành phần có thể có tác dụng hỗ trợ trong điều trị COVID và Hậu COVID.


Ba điều bạn cần xem xét khi lựa chọn bất cứ loại thực phẩm chức năng nào:

  1. 1
    Công dụng: Nó có thật sự có tác dụng không? Bằng chứng khoa học hiện tại cho thấy điều gì?
  2. 2
    Tính An toàn: Tác dụng phụ của nó như thế nào? Liều dùng bao nhiêu thì an toàn? Liệu nó có ảnh hưởng gì đến các bệnh tật khác hay thuốc bạn đang sử dụng không?
  3. 3
    Tính Phù hợp: Nó có giải quyết được những triệu chứng bạn đang gặp không? Phản ứng của cơ thể bạn với thành phần đó như thế nào?

Đồng ý là thực phẩm chức năng không phải là thuốc nhưng không vì thế mà chúng ta phủ nhận tác dụng của nó. TPCN tồn tại ở chủ yếu ở dạng hợp phần nên rất khó để đánh giá một cách bài bản giống như thuốc (đa số ở dạng một thành phần).

Mặc dù các bằng chứng hiện nay để chứng minh công dụng còn hạn chế nhưng chúng ta vẫn có một số ứng cử viên tiềm năng để hỗ trợ trong điều trị COVID và Hậu COVID. Nhiều thành phần có thể giúp cải thiện các triệu chứng tương tự COVID-19, trong đó một số đã được nghiên cứu trong COVID-19 cho kết quả khả quan.

Bài viết dài, đọc hết một lần dễ quá tải. Bạn có thể đánh dấu lại trang web này để phòng khi cần thì tra cứu.

Khoa học biết gì về các thành phần thực phẩm chức năng cho COVID-19?

ĐÃ BIẾT

  • Chỉ có vaccine và thuốc mới có thể ngăn ngừa COVID-19 và điều trị các triệu chứng của nó.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì hoạt động thể chất, kiểm soát căng thẳng và ngủ đủ giấc là rất quan trọng để giữ cho hệ thống miễn dịch khoẻ mạnh.
  • Hệ thống miễn dịch của chúng ta cần một số vitamin và khoáng chất để hoạt động. Các chất bổ sung từ thảo dược, men vi sinh và một số thành phần khác có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và quá trình viêm.

CHƯA RÕ

  • Các nghiên cứu chưa chỉ ra rõ ràng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào giúp ngăn ngừa được COVID-19 hoặc có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng COVID-19.
  • Một số loại thực phẩm chức năng đã được nghiên cứu và cho kết quả khả quan trong bệnh cảnh COVID, tuy nhiên để khẳng định rõ hiệu quả thì vẫn cần được nghiên cứu thêm.

Vậy có loại thực phẩm chức năng nào có thể giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn hay giúp cho chúng ta ít bị ốm hoặc giảm khả năng bị COVID-19 nặng hay không?

Dưới đây là thông tin về các thành phần có thể có trong các loại TPCN bổ phổi, tăng đề kháng trong COVID-19.

1. Xuyên tâm liên (Andrographis)

Xuyên tâm liên có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka. Sau đó cây du nhập và trồng phổ biến ở các nước khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Hiện nay, Xuyên tâm liên được trồng chủ yếu ở các nước như Châu Phi, Caribe, Australia và Trung Mỹ.

Thành phần: Các hoạt chất hóa học được tìm thấy trong xuyên tâm liên bao gồm tanin, glucozit đắng như androgaphiolide và neoandrographiolide.

Công dụng

  • Nó có thể giúp kháng lại virus, giảm viêm và kích hoạt hệ miễn dịch.
  • Một thử nghiệm đối chứng giả dược của Burgos và các cộng sự của ông cho biết Xuyên tâm liên giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh cảm cúm như mệt mỏi, sổ mũi, sốt, đau cổ họng và nhức đầu.
  • Một nghiên cứu của Thụy Điển cho thấy Xuyên tâm liên mang lại tác dụng trị liệu tốt đối với các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi khuẩn, virus gây ra.
  • Bên cạnh những tác dụng này, các thầy thuốc ở Bắc Mỹ và Châu Âu còn sử dụng Xuyên tâm liên với các mục đích như: giảm đau nhức xương khớp, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm, phòng ngừa ung thư hóa do hóa chất thực nghiệm...

TRONG COVID-19:

  • Xuyên tâm liên có thể làm giảm nhẹ các viêm nhiễm đường hô hấp. 
  • Một số nghiên cứu ở qui mô nhỏ ở Thái Lan cho thấy Xuyên tâm liên có thể giúp làm giảm các triệu chứng của COVID-19 thể nhẹ và vừa, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.
  • Một thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để xem xét liệu andrographis có giúp giảm các triệu chứng ở những người có COVID-19 hay không, nhưng vẫn chưa có kết quả.
  • Theo tạp chí Taylor & Francis Public health Emergency Collection thì hợp chất Andrographolide có trong Xuyên tâm liên có thể là một chất ức chế tiềm năng với SARS-CoV-2.

Tính An toàn

  • Tác dụng phụ của Xuyên tâm liên bao gồm buồn nôn, nôn, chóng mặt, phát ban trên da, tiêu chảy và mệt mỏi.
  • Xuyên tâm liên có thể làm giảm huyết áp và phá vỡ quá trình đông máu, vì vậy nó có thể tương tác với thuốc huyết áp và thuốc làm loãng máu bằng cách tăng tác dụng của chúng.
  • Xuyên tâm liên cũng có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
  • Xuyên tâm liên có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, vì vậy một số nhà khoa học khuyến cáo nên tránh dùng nó nếu bạn đang mang thai hoặc dự định sinh con.

2. Hoa cúc tím (Echinacea)

Hoa cúc tím là một loại thảo mộc mọc ở Bắc Mỹ và Châu Âu. 

Công dụng

  • Nó hoạt động như một chất chống oxy hóa và giúp ngăn chặn sự phát triển và lây lan của một số loại virus và vi khuẩn.
  • Nó cũng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch và giảm viêm. 

Tính An toàn

  • Tác dụng phụ của Hoa cúc tím có thể bao gồm đau bụng và phát ban trên da.
  • Hoa cúc tím cũng có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc ức chế miễn dịch và các loại thuốc khác. 
  • Hiện tại, khoa học không biết liệu Hoa cúc tím có an toàn khi dùng trong thời kỳ mang thai hay không.

3. Cơm cháy (Elderberry)

Quả cơm cháy là quả của một loại cây mọc ở Bắc Mỹ, Châu Âu, và một số vùng của Châu Phi và Châu Á. 

Công dụng

  • Quả cơm cháy có thể hoạt động như một chất chống oxy hóa, giảm viêm và giúp chống lại vi rút và các vi khuẩn khác. 
  • Nó cũng có thể kích thích hệ thống miễn dịch.
  • Quả cơm cháy có thể giúp làm giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường và cúm, giúp mọi người phục hồi nhanh hơn, nhưng nó chưa được nghiên cứu trong COVID-19.

Tính An toàn

  • Hoa cơm cháy và quả chín có thể coi là an toàn.
  • Vỏ, lá, hạt, quả sống và quả cơm cháy chưa chín có thể độc: gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy và mất nước.
  • Quả cơm cháy cũng có thể ảnh hưởng đến insulin và lượng đường trong máu, làm giảm hiệu quả của các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
  • Hiện tại, khoa học không biết liệu liệu cơm cháy có an toàn khi dùng trong thời kỳ mang thai hay không.

4. Nhân sâm (Panax ginseng)

Nhân sâm (Panax ginseng hoặc Panax quinquefolius) là một loại thực vật được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông, trong đó có nước ta. 

Nhân sâm là một loại thảo dược, thảo mộc quý giá từ mà từ xa xưa đã được các thầy thuốc coi trọng với những công dụng tuyệt vời.

Công dụng

  • Nhân sâm có thể kích hoạt hệ miễn dịch, giảm viêm và giúp cơ thể chống lại virus.
  • Nhân sâm có chứa chất chống oxy hoá giúp giảm viêm: Chiết xuất nhân sâm chứa ginsenoside, đây là hợp chất quan trọng có tác dụng chống oxy hóa, ngăn chặn sự phát triển của gốc tự do, đồng thời ức chế phản ứng viêm trong cơ thể.
  • Có lợi cho hệ thần kinh: Các nghiên cứu cho thấy các thành phần ginsenosides và hợp chất K trong nhân sâm có thể giúp bảo vệ tế bào não khỏi tác hại của các gốc tự do, xoa dịu thần kinh, cải thiện trí nhớ. Ngoài ra, những hợp chất này có đóng vai trò tích cực trong việc chữa trị bệnh Alzheimer.
  • Cải thiện các triệu chứng của rối loạn cường dương: Nhân sâm, nhất là hồng sâm, từ lâu đã là vị thuốc được y học cổ truyền sử dụng để điều trị rối loạn cường dương ở nam giới.
  • Tăng cường hệ thống miễn dịch: Trong nghiên cứu trên bệnh nhân bị ung thư dạ dày, nhân sâm giúp cải thiện hệ miễn dịch cho người bệnh sau hóa trị, làm cho bệnh nhân đỡ thấy mệt mỏi, đau đớn hơn và giảm tác dụng phụ của hóa chất. Ngoài ra, chiết xuất nhân sâm còn là "cánh tay phải" đắc lực của hệ miễn dịch, giúp tăng cường hiệu quả của các loại vắc xin ngừa virus cúm.
  • Chống lại bệnh ung thư: Ginsenosides trong nhân sâm ngoài tác dụng chống oxy hóa còn có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào bất thường, phòng ngừa ung thư.
  • Chống lại mệt mỏi: Nhân sâm giúp bổ sung nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Bệnh nhân ốm yếu và những người hoạt động thể chất nếu được sử dụng nhân sâm sẽ mau chóng lấy lại sức khỏe hơn.
  • Giảm lượng đường huyết: Hoạt chất Ginsenosides trong nhân sâm có thể giúp hạ đường huyết bằng cách tác động đến việc sản xuất insulin ở tuyến tụy, đồng thời cải thiện tình trạng kháng isulin, hỗ trợ cải thiện các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân bị tiểu đường.
  • Ngăn ngừa cảm cúm: Nghiên cứu cho thấy nhân sâm có tác dụng ức chế sự phát triển của virus cúm hợp bào hô hấp (RSV). Chiết xuất của nhân sâm khi đi vào bên trong cơ thể giúp các tế bào biểu mô phổi có sức sống mạnh hơn khi bị nhiễm virus cúm và làm bệnh khỏi nhanh hơn.

TRONG COVID-19:

  • Nhân sâm chưa được nghiên cứu ở những người mắc COVID-19.
  • Một vài thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành. Các nghiên cứu này xem xét nhân sâm như một phần của y học cổ truyền Trung Quốc ở những người mắc COVID-19, nhưng vẫn chưa có báo cáo kết quả.

Tính An toàn

  • Tác dụng phụ của nhân sâm có thể bao gồm nhức đầu, khó ngủ và rối loạn tiêu hóa.
  • Dùng ở liều cao (hơn 2,5 g / ngày) nhân sâm có thể gây mất ngủ, tim đập nhanh, huyết áp cao và căng thẳng.
  • Nhân sâm có thể tương tác với thuốc tiểu đường, thuốc kích thích và ức chế hệ thống miễn dịch.

5. Magiê

Magiê là một khoáng chất thiết yếu được tìm thấy chủ yếu trong các loại đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau xanh.

Công dụng

  • Cơ thể chúng ta cần magiê để tạo ra protein, xương, DNA và để điều chỉnh chức năng thần kinh-cơ, lượng đường trong máu và huyết áp.

TRONG COVID-19:

  • Những người có mức magiê thấp có thể bị huyết áp cao, bệnh tim, tiểu đường type 2 hoặc các bệnh lý khác khiến việc phục hồi sau COVID-19 trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, chúng ta không rõ liệu bổ sung magiê có giúp chống lại COVID-19 hay không.
  • Một số thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để xem liệu các thực phẩm chức năng có chứa magiê có giúp giảm các triệu chứng ở những người nhiễm COVID-19 hay không, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Tính An toàn

  • Magiê có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm bisphosphonates (được sử dụng để ngăn ngừa loãng xương), thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu và thuốc ức chế bơm proton - PPI (được sử dụng để giảm axit trong viêm loét dạ dày).

6. Melatonin

Melatonin là một loại hormone giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ.. 

Công dụng

  • Điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ.
  • Nó cũng có thể làm tăng chức năng miễn dịch, hoạt động như một chất chống oxy hóa và giảm viêm.

TRONG COVID-19:

  • Một nghiên cứu cho thấy những người dùng chất bổ sung melatonin ít có khả năng bị nhiễm COVID-19 hơn những người khác.

  • Một số thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để xem liệu melatonin có giúp giảm các triệu chứng ở những người nhiễm COVID-19 hay không, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Tính An toàn

  • Melatonin có thể coi là an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn với liều lên đến 10 mg/ngày.
  • Nồng độ melatonin trong máu cao có thể gây ra hiện tượng dậy thì muộn và làm giảm lượng testosterone và tinh trùng.
  • Melatonin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nếu được sử dụng với thuốc chống đông và cũng có thể làm giảm hiệu quả của thuốc chống co giật và thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
  • Melatonin cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng, vì vậy một số nhà khoa học khuyên bạn nên tránh dùng nó nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

7. N-acetylcysteine (NAC)

Công dụng

  • NAC hoạt động như một chất chống oxy hóa và giúp giảm chất nhầy trong đường hô hấp (miệng, mũi, họng và phổi).
  • NAC cũng có thể làm tăng chức năng miễn dịch, giúp chống lại virus và giảm viêm.
  • NAC có thể giúp giảm các triệu chứng của viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các rối loạn hô hấp khác.

TRONG COVID-19: 

  • Một nghiên cứu cho thấy rằng cho bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị với 600 mg NAC hai lần một ngày trong 2 tuần có thể làm giảm nguy cơ cần thở máy và cải thiện cơ hội sống sót.

  • Trong một thử nghiệm khác, bệnh nhân mắc COVID-19 (hoặc nghi ngờ có COVID-19) được truyền tĩnh mạch NAC hoặc giả dược. NAC đã không làm giảm số lượng bệnh nhân được đưa vào khu điều trị tích cực (ICU) hoặc thời gian bệnh nhân ở trong ICU. Nó cũng không làm giảm khả năng cần đến máy thở hay khả năng tử vong vì căn bệnh này. 

Tính An toàn

  • Các tác dụng phụ của NAC có thể bao gồm buồn nôn, nôn, đau dạ dày, tiêu chảy, khó tiêu và ợ chua.
  • NAC có thể làm rối loạn quá trình đông máu và giảm huyết áp.
  • Dùng NAC cùng với nitroglycerine (được sử dụng để điều trị đau ngực) có thể gây ra huyết áp thấp và đau đầu dữ dội.

8. Axit béo Omega-3

Omega-3 là axit béo không bão hòa có trong cá và dầu cá. Chúng cũng được tìm thấy trong dầu thực vật, chẳng hạn như dầu hạt lanh, đậu nành và dầu hạt cải. 

Công dụng

  • Omega-3 rất quan trọng để giúp cho màng tế bào khỏe mạnh và các chức năng tim, phổi, hệ miễn dịch và hệ nội tiết.

TRONG COVID-19:

  • Một nghiên cứu cho thấy những người sử dụng omega-3 ít có khả năng nhiễm COVID-19 hơn những người khác. Một nghiên cứu khác cho thấy bổ sung omega-3 đã cải thiện tỷ lệ sống sót, chức năng phổi và thận ở những bệnh nhân điều trị COVID-19 trong bệnh viện, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.

  • Một số thử nghiệm lâm sàng khác đang được tiến hành để xem liệu omega-3 có giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 hay giúp giảm các triệu chứng ở những người bị COVID-19 hay không, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có báo cáo kết quả. 

Tính An toàn

  • Bổ sung Omega-3 an toàn với liều lượng lên đến khoảng 5g/ngày.
  • Các tác dụng phụ bao gồm có mùi vị khó chịu trong miệng, hôi miệng, ợ chua, buồn nôn, khó chịu về tiêu hóa, tiêu chảy, nhức đầu và mồ hôi có mùi.
  • Omega-3 có thể tương tác với thuốc chống đông, thuốc huyết áp và thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.

9. Men Vi sinh (Probiotics)

Probiotics là các vi sinh vật sống (vi khuẩn và nấm men) có lợi cho sức khỏe. Chúng có mặt tự nhiên trong một số thực phẩm lên men, được thêm vào thực phẩm và có sẵn dưới dạng thực phẩm chức năng. 

Phân biệt Probiotics và prebiotics: Probiotics là vi khuẩn có lợi, còn prebiotics là thức ăn cho những vi khuẩn này.

Công dụng

  • Probiotics có thể tăng cường chức năng miễn dịch và có thể giúp chống lại virus. Probiotics có thể giúp bảo vệ chống lại một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. 

TRONG COVID-19:

  • Một nghiên cứu cho thấy những người dùng chất bổ sung probiotic ít có khả năng bị nhiễm COVID-19 hơn.
  • Một nghiên cứu khác cho thấy một loại lợi khuẩn có chứa vi khuẩn Streptococcus, Lactobacillus và Bifidobacterium làm giảm các triệu chứng ở bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm.

Tính An toàn

  • Probiotics an toàn cho hầu hết mọi người.
  • Các tác dụng phụ có thể bao gồm đầy hơi và một số triệu chứng tiêu hóa khác.
  • Ở những người bị bệnh nặng hoặc có vấn đề về hệ thống miễn dịch, men vi sinh có thể gây ra bệnh nặng hơn.
  • Mặc dù men vi sinh dường như không tương tác với thuốc, nhưng việc dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm có thể làm giảm hiệu quả của một số chế phẩm sinh học.

10. Quercetin

Quercetin là một flavonoid được tìm thấy trong nhiều loại trái cây, rau, gia vị và đồ uống bao gồm trái cây họ cam quýt, táo, hành tây, cải xanh, rau mùi, thì là, trà và rượu vang đỏ. 

Công dụng

  • Quercetin có thể làm tăng chức năng miễn dịch, hoạt động như một chất chống oxy hóa và giảm viêm.
  • Kết quả nghiên cứu hiện tại không rõ nó có làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hay không.

TRONG COVID-19:

  • Một số nghiên cứu đã kiểm tra tác dụng của quercetin ở bệnh nhân COVID-19. Các nghiên cứu này sử dụng liều 400 đến 600 mg/ngày trong vài tuần và kết quả cho thấy quercetin có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và giúp bệnh nhân hồi phục phần nào nhanh hơn, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.
  • Một số thử nghiệm lâm sàng khác đang được tiến hành để xem liệu quercetin có giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 hoặc giảm các triệu chứng ở những người bị COVID-19 hay không, nhưng vẫn chưa có kết quả. 

Tính An toàn

  • Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo khi sử dụng quercetin.
  • Nó có thể gây đau dạ dày, trào ngược dạ dày, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi và khó ngủ.
  • Quercetin có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, pravastatin (được sử dụng để điều trị mỡ máu cao), fexofenadine (được sử dụng để điều trị dị ứng và phát ban) và thuốc huyết áp.

11. Selen

Selen là một khoáng chất thiết yếu được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm quả hạch Brazil, hải sản, thịt, gia cầm, trứng, các sản phẩm từ sữa, bánh mì, ngũ cốc và các sản phẩm ngũ cốc khác

Công dụng

  • Nó hoạt động như một chất chống oxy hóa và rất quan trọng đối chức năng sinh sản, chức năng tuyến giáp và sản xuất DNA.

TRONG COVID-19:

  • Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung selen với liều 100-300mcg/ngày có thể giúp cải thiện chức năng miễn dịch. Một số nghiên cứu khác cho thấy mức selen thấp có thể liên quan với nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn và bệnh nặng hơn, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.
  • Một số thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để xem liệu việc bổ sung selen (thường kết hợp với các vitamin và khoáng chất khác) có làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ở những người mắc COVID-19 hoặc khả năng phải nhập viện hay không, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Tính An toàn

  • Selenium an toàn ở mức dung nạp hàng ngày từ 45 đến 400 mcg đối với trẻ sơ sinh và trẻ em và lên đến 400 mcg đối với người lớn.
  • Lượng hấp thụ cao hơn có thể gây ra mùi tỏi trong hơi thở, có vị kim loại trong miệng, tóc và móng tay bị rụng hoặc giòn, da phát triển bất thường, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban trên da, răng lốm đốm, cực kỳ mệt mỏi, khó chịu và các vấn đề về hệ thần kinh.
  • Selenium có thể tương tác với cisplatin (một loại thuốc được sử dụng trong hóa trị liệu ung thư).

12. Vitamin C

Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu được tìm thấy trong trái cây họ cam quýt và nhiều loại trái cây, rau quả khác. Vitamin C rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch khỏe mạnh. 

Công dụng

  • Vitamin C có thể giúp giảm số ngày mắc và giảm triệu chứng trong bệnh cảm lạnh thông thường.
  • Nó cũng có thể giúp giảm nguy cơ bị cảm lạnh ở những người bị stress về thể chất, ví dụ như vận động viên marathon.

TRONG COVID-19:

  • Khoa học hiện tại không rõ liệu vitamin C có giúp chống lại COVID-19 hay không. Trong một thử nghiệm lâm sàng, việc bổ sung hàng ngày 8.000 mg vitamin C, 50 mg kẽm, hoặc cả hai trong 10 ngày ở những người có COVID-19 không rút ngắn được số ngày mắc bệnh ở những người có triệu chứng.

  • Một số thử nghiệm lâm sàng khác đang được tiến hành để xem liệu vitamin C có giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 hay giúp giảm các triệu chứng ở những người bị COVID-19, nhưng hiện tại vẫn chưa có kết quả. 

Tính An toàn

  • Vitamin C an toàn ở mức bổ sung lên đến 400 đến 1.800 mg/ngày đối với trẻ em và lên đến 2.000 mg/ngày đối với người lớn. 
  • Bổ sung lượng cao hơn có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, co thắt dạ dày và cũng có thể gây ra kết quả sai lệch trên máy đo đường huyết. Ở những người mắc bệnh hemochromatosis (rối loạn ứ sắt), lượng vitamin C cao có thể gây tích tụ sắt và tổn hại các mô cơ thể.
  • Bổ sung vitamin C có thể làm giảm hiệu quả của xạ trị và hóa trị trong ung thư.

13. Vitamin D

Vitamin D là một chất dinh dưỡng thiết yếu có nhiều trong cá, dầu gan cá và một lượng nhỏ trong gan bò, lòng đỏ trứng và pho mát. Nó cũng được bổ sung vào một số thực phẩm, ví dụ như sữa tăng cường. Cơ thể bạn cũng có thể tạo ra vitamin D khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Công dụng

  • Vitamin D rất quan trọng cho xương khỏe mạnh và chức năng miễn dịch.
  • Vitamin D có thể giúp bảo vệ chống lại một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là ở những người có mức vitamin D thấp.

TRONG COVID-19:

  • Một số nghiên cứu cho thấy mức vitamin D thấp có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh COVID-19 cao hơn và bệnh nặng hơn, nhưng những nghiên cứu khác thì không cho kết quả như vậy. Một nghiên cứu khác cho thấy những người thường xuyên bổ sung vitamin D có thể có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn và nguy cơ tử vong do COVID-19 thấp hơn.
  • Một số thử nghiệm lâm sàng khác đang được tiến hành để xem liệu vitamin D có giúp giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 hay giúp giảm các triệu chứng ở những người mắc bệnh COVID-19, nhưng hiện tại vẫn chưa có kết quả.

Tính An toàn

  • Vitamin D an toàn ở mức bổ sung 25 - 100 mcg/ngày (1.000 đến 4.000 IU) ở trẻ em (tùy thuộc vào độ tuổi) và lên đến 100 mcg (4.000 IU) ở người lớn. Lượng bổ sung cao hơn có thể gây buồn nôn, nôn, yếu cơ, lú lẫn, đau, chán ăn, mất nước, đi tiểu nhiều và khát, và sỏi thận. Liều quá cao có thể gây suy thận, hỏng các mạch máu và van tim, các vấn đề về nhịp tim và thậm chí tử vong.
  • Vitamin D có thể tương tác với một số loại thuốc như orlistat (được sử dụng để giảm cân), statin (được sử dụng để giảm mỡ máu), thuốc lợi tiểu thiazide (được sử dụng cho bệnh cao huyết áp) và steroid (thuốc chống viêm, ức chế miễn dịch).

14. Vitamin E

Vitamin E (còn được gọi là alpha-tocopherol) là một chất dinh dưỡng thiết yếu được tìm thấy trong các loại hạt, dầu thực vật và các loại rau xanh.

Công dụng

  • Nó có tác dụng như một chất chống oxy hóa và giúp hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường.
  • Một số nghiên cứu cho rằng bổ sung vitamin E giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên, nhưng một số khác thì không

TRONG COVID-19:

  • Người ta vẫn chưa biết liệu vitamin E có làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 hay làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh hay không. 

  • Một số thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để xem xét liệu vitamin E cùng với các vitamin và khoáng chất khác có giúp giảm mức độ triệu chứng của COVID-19 hay khả năng nhập viện hay không, nhưng hiện tại vẫn chưa có kết quả. 

Tính An toàn

  • Vitamin E trong thực phẩm an toàn với bất kỳ lượng bổ sung nào. Trong các loại thuốc bổ sung, vitamin E an toàn ở mức bổ sung từ 200 đến 800 mg/ngày ở trẻ em và lên đến 1.000 mg/ngày cho người lớn. 
  • Lượng bổ sung cao hơn có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và đột quỵ.
  • Các chất bổ sung vitamin E có thể tương tác với thuốc chống đông máu và có thể làm giảm hiệu quả của xạ trị và hóa trị.

15. Kẽm

Kẽm là một chất dinh dưỡng thiết yếu được tìm thấy trong hải sản, thịt, đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa.

Công dụng

  • Nó đóng vai trò quan trọng để xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh, tạo ra protein và DNA, chữa lành vết thương.

TRONG COVID-19:

  • Viên ngậm kẽm có thể giúp rút ngắn số ngày cảm lạnh thông thường. 

  • Khoa học hiện tại không rõ liệu kẽm có giúp bảo vệ khỏi COVID-19 hay không. Một số nghiên cứu cho thấy có sự liên quan nồng độ kẽm thấp với nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn và bệnh nặng hơn.

  • Một số thử nghiệm lâm sàng khác đang được tiến hành để xem liệu kẽm có giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19 hay giúp giảm các triệu chứng ở những người bị COVID-19, nhưng hiện tại vẫn chưa có kết quả.

Tính An toàn

  • Kẽm an toàn ở mức tiêu thụ hàng ngày lên đến 4 đến 34 mg/ngày cho trẻ em và lên đến 40 mg/ngày cho người lớn.
  • Lượng bổ sung nhiều hơn có thể gây buồn nôn, nôn, chán ăn, co thắt dạ dày, tiêu chảy và đau đầu.
  • Việc dung nạp nhiều kẽm trong thời gian dài có thể gây giảm chức năng miễn dịch và lượng đồng trong máu thấp.
  • Kẽm có thể tương tác với thuốc kháng sinh, penicillamine (được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp) và thuốc lợi tiểu thiazide (được sử dụng để điều trị cao huyết áp).

16. Sâm Bố Chính (Abelmoschus sagittifolius)

Sâm bố chính là cây bản địa của Việt Nam. Cách đây khoảng 300 năm, thảo dược này đã được tìm thấy ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Bộ phận dùng: Rễ là bộ phận được dùng để bào chế thuốc

Thành phần: Phytosterol, Coumarin, Acid béo, Acid hữu cơ, Đường khử. Hợp chất uronic 3,96% lipid, chủ yếu là các chất acid myrisric, acid myrisric hay acid oleic,… 0,23g % protein toàn phần, 1,26% protein, 15,14% tinh bột, 18,92% chất nhày bao gồm D-glucose, L-rhamnose, 11 loại acid amin cùng nhiều loại khoáng chất như canxi, magie, natri, sắt, mangan, đồng, photpho, nhôm, zirconi…

Gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện trong sâm bố chính có các chất như Acyl hibiscone B, (R)-de-O-methyllasiodiplodin hay hibiscone B. Đáng lưu ý, hợp chất Acyl hibiscone B trong loại sâm này còn thể hiện tác dụng chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư.

Công dụng

  • Sâm bố chính có công dụng bổ tỳ vị, thanh nhiệt, dưỡng ẩm, bổ máu, nhuận phế, trợ tiêu hóa, sinh tân dịch. Chủ trị suy nhược cơ thể, mất ngủ, suy dinh dưỡng, rối loạn kinh nguyệt, lao phổi ở trẻ em, hen suyễn, ho, sốt, thiếu máu, trầm cảm, ra nhiều mồ hôi, mỏi lưng, động kinh, tiêu hóa trì trệ, suy giảm sinh lý…
  • Thí nghiệm trên chuột cho thấy cao cồn sâm bố chính khi được sử dụng theo đường uống hoặc đường tiêm phúc mạc có thể làm giảm khả năng hoạt động tự nhiên của loài động vật này.
  • Ngoài ra, cao bố chính còn làm tăng tác dụng gây ngủ của thuốc barbituric, kéo dài giấc ngủ. Đồng thời có tác dụng chống co giật ở chuột khi được cho sử dụng pentetrazol. Những thử nghiệm này cho thấy sâm bố chính có thể tác dụng an thần và ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

Tính An toàn

  • Hiện không có thông tin rõ ràng về tính an toàn. Nhìn chung, Sâm bố chính có thể an toàn ở mức bổ sung 12-20g nguyên liệu mỗi ngày,

17. Sâm Ấn Độ ( Ashwagandha)

Sâm Ấn Độ, là một loại thảo mộc được sử dụng trong y học cổ truyền của Ấn Độ. Rễ của nó có mùi ngựa và được cho là mang lại sức mạnh và sự dũng mãnh của ngựa. Trong tiếng Phạn, ashwa có nghĩa là “ngựa” và gandha có nghĩa là “mùi”.

Các bộ phận khác nhau của cây đều được sử dụng, nhưng dạng bổ sung phổ biến nhất là chiết xuất từ rễ của nó.

Công dụng

  • Các thử nghiệm gần đây đã chứng minh hiệu quả của nó trong việc giảm lo lắng, căng thẳng, cải thiện sức mạnh cơ bắp và giảm các triệu chứng mệt mỏi ở bệnh nhân có bệnh mạn tính.
  • Nó được biết đến nhiều nhất với tác dụng giải lo âu và giảm căng thẳng.
  • Ngoài ra, có nhiều bằng chứng ủng hộ hiệu quả của Sâm Ấn Độ trong việc cải thiện tổng thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ.
  • Người chơi thể thao quan tâm đến Sâm Ấn Độ vì có kết quả nghiên cứu cho thấy nó cải thiện VO2 max, và bằng chứng sơ bộ cho thấy rằng nó cải thiện sức mạnh cơ bắp và khả năng phục hồi của cơ thể. 
  • Sâm Ấn Độ cũng có thể cải thiện các thông số chất lượng tinh trùng ở nam giới có vấn đề về khả năng sinh sản.

TRONG COVID-19:

  • Một báo cáo gần đây cho thấy Sâm Ấn Độ là một sản phẩm có thể khắc phục được các triệu chứng của hậu COVID. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm hàng nghìn năm sử sụng các loại dược liệu như Đẳng sâm, Sâm bố chính để chữa các chứng ho dai dẳng, nâng cao thể lực và giải lo âu. Sự kết hợp giữa các vị thuốc vừa có tác dụng ngăn chặn virus vừa giảm stress, lo âu, giảm sự mỏi mệt sẽ đem lại cho người bệnh những lợi ích đáng kể sau khi bị chấn thương bởi Covid-19.

  • Hiện tại, một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để theo dõi hiệu quả của việc điều trị Ashwagandha đang được tiến hành trên 2000 người ở Anh. Nghiên cứu này do Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London (Anh) và Viện Y học cổ truyền (Ấn Độ) hợp tác triển khai.
    Thử nghiệm này sẽ diễn ra trong một năm và thu tuyển khoảng 2.000 người sống ở Anh bị ảnh hưởng Hậu COVID. Trong đó, 1.000 người tham gia thử nghiệm sẽ dùng 500mg Ashwagandha 2 lần/ngày trong 3 tháng, trong khi 1.000 người khác sẽ được dùng giả dược. Đây là nghiên cứu mù đôi, nghĩa là cả bệnh nhân và các nhà nghiên cứu đều không biết ai là người dùng Ashwagandha hay ai là người dùng giả dược.

    Ashwagandha đã được chứng minh là giảm các triệu chứng khác tương tự như Hậu COVID vì vậy các nhà nghiên cứu hy vọng nó sẽ là một cách hiệu quả để chống lại tình trạng này.

Tính An toàn

  • Liều sử dụng phổ biến nhất là 600 mg/ngày, chia 2 liều, một liều uống vào buổi sáng cùng với bữa sáng và liều còn lại vào buổi tối. Bằng chứng cho thấy rằng 600 mg/ngày là tốt hơn so với liều thấp hơn để cải thiện giấc ngủ.
  • Hiện không rõ Sâm Ấn Độ có mất tác dụng khi sử dụng lâu dài hay không, nhưng do tác dụng giống như thuốc dẫn truyền thần kinh, không thể loại trừ giả thuyết này. Chúng ta cũng không rõ liệu việc nghỉ cách quãng ashwagandha hay uống cách ngày có ảnh hưởng đến hiệu quả của nó hay không. 
  • Sâm Ấn Độ có vẻ là an toàn, nhưng cần có thêm nghiên cứu dài hạn để đánh giá.
  • Nó có thể gây buồn ngủ nhẹ và tác dụng an thần ở một số người.

18. Đẳng Sâm (Codonopsis pilosula)

Tên gọi khác: Bạch đảng sâm, Đảng sâm, Lộ đảng sâm, Tây đảng sâm, Điều đảng sâm, Đông đảm sâm.

Thành phần: inulin, glucose, alkaloid, tangshenoside, choline, fructose, sucrose, đường, tinh bột, saponin,…

Công dụng

  • Chống mệt mỏi và khả năng thích nghi của cơ thể đối với môi trường.
  • Dịch của dược liệu có tác dụng tăng cường độ co bóp, tăng trương lực và bảo vệ các niêm mạc bị loét ở dạ dày.
  • Tăng cường độ co bóp của tim, tăng áp và lưu lượng máu cho nội tạng, các chi, não.
  • Tác dụng giảm số lượng bạch cầu, tăng hồng cầu và đường huyết. Tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, giảm ho, kháng viêm và long đờm.
  • Làm hưng phấn tử cung, tăng nồng độ cortisone trong huyết tương và kháng lại trực khuẩn lao, trực khuẩn bạch hầu, phó trực khuẩn đại tràng, não mô cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn vàng,…

Tính An toàn

  • Hiện không có thông tin rõ ràng về tính an toàn của Đẳng sâm.

19. Keo ong (Propolis)

Keo ong, một vật liệu nhựa do ong mật sản xuất từ dịch tiết thực vật, từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền và được bán rộng rãi như một chất hỗ trợ sức khỏe và tăng cường hệ thống miễn dịch.

Công dụng

  • Trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, keo ong thúc đẩy quá trình điều hòa miễn dịch của các cytokine tiền viêm, làm giảm IL-6, IL-1β và TNF-α. Quá trình điều hòa miễn dịch này liên quan đến các tế bào đơn nhân và đại thực bào, cũng như các con đường Jak2 / STAT3, NF-kB, các yếu tố viêm, làm giảm nguy cơ mắc hội chứng bão cytokine (yếu tố gây tử vong chủ yếu trong các ca COVID-19 nặng). 

TRONG COVID-19:

  • Keo ong cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh nền ở bệnh nhân COVID-19, bao gồm các bệnh về đường hô hấp, tăng huyết áp, tiểu đường và ung thư.
  • Có một số bằng chứng cho thấy keo ong có thể làm giảm và giảm bớt các triệu chứng của các bệnh viêm nhiễm thông qua việc tác động đến các chu kỳ trao đổi chất khác nhau.
  • Gần đây, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất keo ong và một số thành phần của nó có tác dụng chống lại một số mục tiêu quan trọng trong sinh lý bệnh của SARS-CoV-2, chẳng hạn như giảm biểu hiện TMPRSS2 và giảm sự neo giữ ACE2.

Tính An toàn

  • Trong số các lựa chọn thay thế thuốc tự nhiên, keo ong đã được nghiên cứu rộng rãi và đã được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều quốc gia, điều này cho thấy nó khá an toàn.

20. Sài Hồ Nam (Pluchea pteropoda Hemsl)

Sài Hồ Nam có tên khác là Lức, Hài Sài. Nó có tên khoa học Pluchea pteropoda Hemsl thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Thành phần: chủ yếu là tinh dầu, saikosaponine. Phần trên mặt đất của cây chứa các chất triterpenoid như taraxasteryl acetat. Còn chiết từ rễ thu được Hop ‐ 17 (21) ‐en ‐ 3β ‐ yl acetate, 2- (pent-1,3-diynyl) -5- (3,4-dihidroxybut-1- ynyl) -tiophene.

Công dụng

  • Người ta nghiên cứu thấy các hoạt chất trong Sài hồ nam có tác dụng ức chế 1 số loại vi khuẩn thường gây bệnh ở người như Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Proteus mirabilis và Proteus vulgaris.
  • Theo Y học cổ truyền, cây có vị đắng, tính hơi lạnh. Có công năng phát tán phong nhiệt, giải uất, lợi tiểu, điều kinh. Tức là tác dụng với trường hợp cảm nắng, cảm do nhiệt nóng. Khi cơ thể thường cáu gắt tức giận là khí huyết vận hành không thông. Hoặc hoạt động các tạng phủ không điều hòa, ức chế lẫn nhau.Rễ thường được dùng chữa cảm phong nhiệt, phát nóng, nhức đầu, khát nước, tức ngực, khó chịu. Lá làm toát mồ hôi.
  • Các kết quả hiện tại chỉ ra rằng saikosaponin B2 (có trong Sài Hồ Nam) có hoạt tính kháng virus mạnh và phương thức hoạt động của nó có thể liên quan đến sự can thiệp vào giai đoạn đầu của quá trình nhân lên của virus, chẳng hạn như sự hấp thụ và xâm nhập của virus.
  • Hiện chưa có nghiên cứu về Sài Hồ Nam trong COVID-19. Một số nhà khoa học tin rằng Saikosaponin là ứng cử viên điều trị COVID-19 do nó có tác dụng chống viêm, điều hòa miễn dịch và kháng virus.  

Tính An toàn

  • Hiện không có thông tin rõ ràng về tính an toàn của Sài Hồ Nam.

21. Kim Ngân Hoa ( Flos Lonicerae)

Là nụ hoa và hoa đã nở của cây Kim ngân (Lonicera japonica Thunb), họ Kim ngân (Caprifoliaceae).

Kim ngân là loại dây leo bằng thân quấn. Kim ngân mọc hoang hay được trồng nhiều ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh,

Bộ phận dùng làm thuốc: chủ yếu là hoa mới chớm nở, ít dùng lá và dây.

Thành phần hóa học: Hoa kim ngân chứa flavonoid, tinh dầu và một số thành phần khác

Công dụng

  • Kháng khuẩn, kháng viêm, kháng virus
  • Tác dụng chống lao, tác dụng trên đường huyết,…
  • Ngoài ra, dùng kim ngân hoa còn có tác dụng tốt với mắt, giúp chuyển hóa lipid, làm hạ cholesterol trong máu, tăng khả năng chuyển hóa chất béo, lợi tiểu,…

Tính An toàn

  • Hiện tại, không có không có dữ liệu nào cho thấy việc dùng Kim ngân hoa với liều lượng quy định (6-15g/ngày) có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Dùng quá liều hoặc lâu dài có thể gây ra các phản ứng phụ như khó chịu ở dạ dày và chán ăn.
  • Một số tác dụng phụ có thể xảy ra là: Kích ứng da, Phát ban, dị ứng.

22. Hoàng Kỳ (Astragalus membranaceus)

Hoàng kỳ tên khoa học là Astragalus membranaceus (Fisch) Bunge, thuộc họ Đậu (Fabaceae), là một loài cây mọc hoang dại ở Trung Quốc. Nó là một vị thuốc quý được sử dụng từ lâu đời trong Đông y với tác dụng bổ khí, chữa chứng suy nhược cơ thể, mệt mỏi, kém ăn, yếu sức.

Bộ phận dùng là rễ của cây, phơi khô hay bào chế.

Thành phần: Trong Hoàng kỳ có polysaccarid: astragaloside, saccarose, glucose, tinh bột, chất nhầy, gôm. Trong đó Astragaloside IV là hợp chất có hoạt tính sinh học chính.

Công dụng

  • Tăng cường miễn dịch: do nó có khả năng kích hoạt các tế bào lympho T-
  • Lợi tiểu: Hoàng kỳ có thể có tác dụng lợi tiểu khi uống (0,3g/kg) ở người khỏe mạnh.
  • Giảm nhẹ nghẹt mũi và một số triệu chứng ù tai
  • Trong đột quỵ, tác dụng của nó không rõ rệt nhưng có thể mang lại một số tác dụng bảo vệ và thúc đẩy nhận thức sau đột quỵ cấp tính.
  • Chức năng thận: Mặc dù bằng chứng yếu về mặt thống kê, các nghiên cứu ca bệnh cho thấy tác dụng cải thiện chức năng thận
  • Hoàng kỳ là một vị thuốc dùng trong Đông y làm thuốc bổ khí, trừ mụn độc, lợi tiểu, làm hết đau, hút mủ, là thuốc quan trọng chữa bệnh nhọt độc khó vỡ, chữa nhiều bệnh của trẻ con, phụ nữ có máu xấu không ra hết, đàn ông hư tổn.
  • Hoàng kỳ có tác dụng bổ cho chức năng tiêu hoá, giúp chữa bệnh trong trường hợp trẻ con và người lớn biếng ăn, cơ thể suy nhược, gầy yếu, tiêu chảy lâu ngày, hay ra mồ hôi.

TRONG COVID-19:

  • Theo một nghiên cứu trên tạp chí Frontier in Pharmacology Astragaloside IV trong Hoàng kỳ có thể là một ứng cử viên mới để làm giảm tình trạng tăng viêm ở bệnh nhân COVID-19.

Tính An toàn

  • Hoàng Kỳ thường được dùng kết hợp với các thảo dược khác (như Đương quy). Khi được sử dụng thích hợp, Hoàng kỳ rất an toàn và ít tác dụng phụ.
  • Liều rất cao có thể ức chế hệ thống miễn dịch, nên tránh sử dụng xương cựa nếu đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.Không nên dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Không nên sử dụng khi có các bệnh tự miễn như như bệnh xơ cứng bì toàn thể, lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc một bệnh tự miễn dịch khác.
  • Ngoài ra, nó có thể ức chế CYP3A4 (một enzym chuyển hóa thuốc) nên có thể làm giảm tác dụng của các thuốc chuyển hoá qua enzym này

23. Cát Cánh (Platycodon Grandiflorum)

Cây Cát cánh mọc nhiều ở các tỉnh An Huy, Giang Tô và Sơn Đông của Trung Quốc. Sau khi đào rễ về rửa sạch, bỏ tua rễ, bỏ vỏ ngoài hoặc không bỏ vỏ phơi khô, tẩm nước cắt lát dùng. Chích Cát cánh là Cát cánh chế mật sao vàng.

Thành phần: Platycodin A, C, D; Platycodigenin (C30H48O7); α – Spinasterol; β–D–Glucosid; Stigmasterol; Betulin; Platycodonin; Platycogenic acid A, B, C; Glucose; inulin.

Công dụng

  • Cát cánh chủ yếu được sử dụng làm thuốc long đờm, có tác dụng đáng kể trong điều trị ho, long đờm, tức ngực, viêm họng và các rối loạn khác.
  • Theo Y học cổ truyền: Cát cánh có tác dụng  ôn hóa hàn đàm, trừ mủ, lợi hầu họng. Chủ trị: Ho đờm nhiều, ngực tức, họng đau, tiếng khàn, áp xe phổi, tiêu mủ, mụn nhọt.

TRONG COVID-19:

Trong COVID: Theo một nghiên cứu Platycodin D (một thành phần của Cát cánh) có thể ngăn ngừa nhiễm SARS-CoV-2, tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

Tính An toàn

  • Trong thực hành lâm sàng của y học Trung Quốc, tác dụng của Cát Cánh khá rõ ràng và ít tác dụng phụ nên việc sử dụng nó rất phổ biến.

24. Cam Thảo (Glycyrrhiza glabra)

Cam thảo, tên gọi khoa học là Glycyrrhiza glabra, thuộc thực vật họ Đậu Fabaceae.

Cam thảo có nguồn gốc từ Tây Á và Nam Âu, được sử dụng để tạo nên hương vị trong bánh kẹo, thuốc lá phổ biến nhất ở một số nước châu Âu và khu vực Tây Á.

Công dụng

  • Cam thảo không chỉ được sử dụng nhiều trong công nghệ thực phẩm nhờ hương thơm và vị ngọt đặc trưng mà còn được sử dụng trong y học nhờ có một số tác dụng tích cực đến sức khỏe như: Hỗ trợ điều trị các bệnh về da.
  • Nhờ chứa hơn 300 hợp chất, trong đó có một số chất có khả năng chống viêm, kháng khuẩn và kháng cả vi rút mạnh mẽ, rễ cây cam thảo có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về da hiệu quả.
  • Giảm khó tiêu và trào ngược axit: Chiết xuất từ rễ cam thảo có thể giảm đi các triệu chứng khó tiêu và trào ngược dạ dày thực quản (GERD) - gồm ợ chua, trào ngược axit và đau bụng.
  • Điều trị loét dạ dày tá tràng: Các vết loét dạ dày, thực quản dưới và ruột non thường do vi khuẩn H.pylori gây viêm. Chiết xuất từ rễ cam thảo và hợp chất glycyrrhizin có thể giúp điều trị các vết loét này hiệu quả.
  • Có đặc tính chống ung thư: Chiết xuất rễ cam thảo có tác dụng chống lại một số bệnh ung thư nhờ các hợp chất thực vật có khả năng chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư.
  • Làm dịu các tình trạng hô hấp: Chiết xuất rễ cam thảo như chất glycyrrhizin giúp làm dịu đi những cơn hen suyễn và được bổ sung vào các phương pháp điều trị bệnh này. Kết quả này  dựa trên các nghiên cứu tiến hành ở động vật.
  • Kháng virus: Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy tác dụng kháng virus chống lại HIV-1, coronavirus, vi-rút hợp bào hô hấp...

TRONG COVID-19:

Tính An toàn

  • Glabridin trong Cam thảo ức chế mạnh CYP3A4 (một emzym chuyển hoá thuốc) nên có khả năng xảy ra tương tác bất lợi với các thuốc có liên quan đến CYP3A4

25. Linh chi (Ganoderma lucidum)

Linh chi (hay còn gọi là nấm linh chi), thường được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Sự phổ biến của nó mở rộng sang y học Nhật Bản và Hàn Quốc, và nó đã được tiến về phía tây. 

Nấm linh chi có một lượng lớn các hợp chất tự nhiên và không có thành phần nào có thể khẳng định là thành phần mang hoạt tính sinh học chính.

Công dụng

  • Linh chi có tác dụng chống oxy hóa. Nó cũng có tác dụng điều trị kháng insulin, giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và có thể giúp điều trị các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa.
  • Nấm linh chi nổi tiếng với tác dụng chống ung thư. Nó có thể kích hoạt, tăng hoạt động của các tế bào NK (một loại tế bào miễn dịch) và có khả năng chống lại khối u. Bổ sung Linh chi có thể làm giảm khả năng di căn.
  • Linh chi có tác dụng điều hoà miễn dịch thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Nó có thể làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch khi bị kích thích quá mức và tăng cường hệ thống miễn dịch khi bị suy giảm.
  • Nó đã được chứng minh là một liệu pháp hỗ trợ hiệu quả, có nghĩa là nó cải thiện sức khỏe khi dùng cùng với các loại thuốc khác trong điều trị ung thư vú, viêm gan, hội chứng mệt mỏi và ung thư tuyến tiền liệt. Một số tác dụng không thể hiện ngay lập tức sau khi bổ sung. Ví dụ như khả năng cải thiện giấc ngủ có thể thấy sau 3 ngày, khả năng hỗ trợ điều trị mệt mỏi mãn tính có thể mất hơn 4 tuần. 

Tính An toàn

  • Liều tiêu chuẩn của Linh chi phụ thuộc vào hình thức bổ sung. Dịch chiết từ Ganoderma lucidum bao gồm các thành phần trộn lẫn triterpenoit và polysaccharid, có thể chiết bằng nước hoặc bằng cồn.
  •  Liều tiêu chuẩn cho dịch chiết cơ bản là 1,44g - 5,2g. Liều phổ biến nhất là 5,2g/ngày, uống 1,8g/lần x 3 lần/ngày. Nếu bạn bị bệnh tự miễn (bệnh do hệ thống miễn dịch của chính bạn gây ra rối loạn chức năng trong cơ thể) không sử dụng nấm linh chi; tăng hiệu lực của hệ thống miễn dịch của bạn là một ý tưởng tồi nếu hệ thống miễn dịch của bạn đang tấn công bạn
  • Không sử dụng Linh chi nếu đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, nó có thể gây cản trở liệu pháp ức chế miễn dịch

Tóm lại

Để làm chủ được sức khoẻ của mình trong thời kỳ COVID-19 này, bạn cần:

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ với người khác và cho chúng tôi biết cảm nhận của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé!

Chia sẻ bài viết
{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Đọc tiếp:

Diệp lục tố (CHLOROPHYLL) có thể coi là một hoạt chất chống ung thư?

>