Thức ăn là thuốc và thuốc là thức ăn: Đúng hay Sai?

PGS.TS. Nguyễn Văn Kình

18/11/2022

Cha đẻ của y học hiện đại, Hippocrates, từng nói: "Hãy để thức ăn là thuốc của bạn, và thuốc là thức ăn của bạn" với ngụ ý rằng những gì chúng ta ăn vào có thể ngăn ngừa và điều trị bệnh tật.

Hippocrates - thuốc là thức ăn, thức ăn là thuốc

Hiện nay, các chế độ ăn như thực dưỡng, healthy, keto... được truyền bá như một phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Đáng ngại hơn nữa là nó còn được người ta thổi phồng để áp dụng cho cả những bệnh hiểm nghèo như ung thư.

Vai trò của dinh dưỡng đối với sức khỏe hiển nhiên là rất quan trọng, nhưng liệu quan điểm "thức ăn là thuốc" này có thực sự đúng? Bài viết này sẽ cho bạn hiểu rõ hơn về những lợi ích và hạn chế của việc coi "thức ăn là thuốc".

1. Quan điểm "Thức ăn là thuốc"

Thức ăn là thuốc

“Thức ăn là thuốc” có thể là một khái niệm mới xuất hiện nhưng thực ra nó đã tồn tại nhiều thế kỷ và được coi như là nền tảng sức khỏe trong các nền văn hóa trên toàn cầu. Vấn đề nổi lên hiện nay là có sự so sánh giữa chế độ ăn uống so với y học truyền thống trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật. 

Sự thật là chế độ ăn uống có thể tác động đến sức khỏe đã được y học hiện đại trên toàn thế giới công nhận. Những người thực hiện được chế độ dinh dưỡng lành mạnh có hệ thống miễn dịch mạnh hơn, mang thai và sinh con an toàn hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch và sống lâu hơn.

Để giải thích cho điều này có vô số lý do, rất phức tạp và chưa được hiểu tường tận. Có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều đường, chất béo và muối có thể gây ra các tình trạng viêm mãn tính. Viêm là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn cho sự phát triển các bệnh tim mạch, tiểu đường type 2, tiêu hóa kém và các bệnh mãn tính khác.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ gần đây đã đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống và lối sống bao gồm: ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, sữa ít béo và protein có nguồn gốc thực vật hoặc thịt nạc để hỗ trợ sức khỏe tim mạch.

Các chuyên gia cho rằng chế độ ăn uống này hỗ trợ sức khỏe tốt do nó có khả năng làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như viêm nhiễm, mỡ máu cao, huyết áp cao và ngủ kém. Bên cạnh đó thì dinh dưỡng cũng liên quan đến sức khỏe của hệ miễn dịch.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng carotenoid (một loại chất chống oxy hóa có trong một số loại rau quả) có thể cải thiện các chỉ số chuyển hóa trong máu ở người bị bệnh gan.

Các khám phá khoa học trong nhiều thập kỷ trở lại đây đã cho thấy vai trò quan trọng của chế độ ăn uống trong chăm sóc sức khỏe.

2. Thức ăn là thuốc là gì?

Thức ăn là thuốc và thuốc là thức ăn: Đúng hay Sai?

Thức ăn là thuốc” là một cách thực hiện dựa trên việc cho rằng thực phẩm và chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và quản lý bệnh tật.

Hiện tại, khoa học không có định nghĩa rõ ràng về khái niệm "thức ăn là thuốc". Tuy nhiên, nó thường đề cập đến việc ưu tiên việc lựa chọn thức ăn, cách ăn để ngăn ngừa, giảm các triệu chứng hoặc đẩy lùi bệnh tật.

Cách thực hiện việc này tập trung vào việc bổ sung nhiều loại thực phẩm toàn phần, được chế biến tối thiểu từ thực vật và hạn chế thực phẩm chế biến giàu đường, chất béo và muối.

Thực phẩm được tuyên bố với những đặc tính y học (thường là do hàm lượng cao của một vi chất dinh dưỡng hay một chất cụ thể) được những người ủng hộ quan điểm "thức ăn là thuốc" đặc biệt quan tâm.

Các loại thực phẩm bao gồm nhiều loại thảo mộc và gia vị, các loại đậu, quả hạch và hạt, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả.

Cách tiếp cận “thực phẩm như thuốc” thách thức cách tiếp cận của y học truyền thống, chủ yếu quản lý sức khỏe và bệnh tật dựa vào tiến bộ công nghệ y học và thuốc.

Cần lưu ý rằng y học hiện đại có những chỉ định thay đổi chế độ ăn uống và lối sống như một phương pháp điều trị ưu tiên ban đầu đối với một số bệnh lý, ví dụ như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

3. Lợi ích của việc coi "thức ăn là thuốc"

Dưới đây là một số lợi ích của phương pháp chăm sóc sức khỏe “thức ăn là thuốc”.

Kiểm soát bệnh tật

Kiểm soát bệnh tiểu đường

Liệu pháp dinh dưỡng là một phần của y học thực chứng. Chế độ ăn uống và thực phẩm đã được công nhận vai trò của nó để hỗ trợ điều trị bệnh và trong kiểm soát các bệnh mãn tính.

Ví dụ, việc tăng cường chất xơ trong chế độ ăn có thể làm giảm lượng đường máu ở người tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường, giảm các tổn thương thần kinh và mạch máu liên quan đến lượng đường máu cao.

Cải thiện chất lượng chế độ ăn uống cũng có thể làm giảm các triệu chứng bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Một nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn Địa Trung Hải được điều chỉnh phù hợp có thể giảm đau, giảm mệt mỏi và khó chịu ở những người bị phù mỡ (tình trạng tích tụ mỡ bất thường ở chi dưới).

Tương tự như vậy, các nghiên cứu quan sát đã xác định rằng một chế độ ăn uống lành mạnh trong quá trình điều trị ung thư vú có thể làm giảm các tác dụng phụ do điều trị gây ra như buồn nôn, nôn và chán ăn.

Tiết kiệm chi phí

Tiết kiệm chi phí

Tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính đã gia tăng sẽ kéo theo gánh nặng về tài chính cho chăm sóc sức khỏe. Các chi phí này bao gồm cả từ chế độ an sinh xã hội và do người bệnh tự chi trả.

Sử dụng “thức ăn làm thuốc” có thể giảm chi phí chăm sóc sức khỏe do nó có khả năng làm giảm mức độ bệnh, giảm dùng thuốc và giảm số ca nhập viện.

4. Hạn chế của việc coi "thức ăn là thuốc"

Tuy vậy, việc coi "thức ăn là thuốc" vẫn có một số hạn chế của nó.

Nó không phải là một phương pháp chữa khỏi cho tất cả bệnh tật

“Thức ăn là thuốc” không phải là phương pháp áp dụng cho mọi tình trạng sức khỏe

Chế độ ăn không thể coi là một phương pháp chữa trị độc lập cho tất cả các tình trạng sức khỏe.

Các bệnh mãn tính vẫn liên tục phát triển một cách phức tạp và nó có thể do các nguyên nhân không liên quan đến chế độ ăn uống, ví dụ như: gen di truyền, phơi nhiễm chất độc từ môi trường, các rối loạn miễn dịch (bệnh tự miễn)...

Chính vì vậy, mặc dù thức ăn có thể hỗ trợ việc kiểm soát bệnh thông qua việc cải thiện triệu chứng và làm chậm sự tiến triển ở một số bệnh, nhưng nó không được sử dụng như một phương pháp điều trị độc lập mà phải kết hợp với liệu pháp y tế thích hợp.

Nó được tuyên truyền với thông tin sai lệch

Thông tin sai lệch

Mạng xã hội có thể là một kênh hiệu quả  để các tổ chức và chuyên gia y tế truyền thông tri thức. Tuy nhiên, nó cũng bao gồm rất nhiều thông tin sai lệch và thông tin không thể kiểm chứng được, đặc biệt là liên quan đến thực phẩm, thực phẩm chức năng hay các liệu pháp điều trị thay thế.

Tương tác thuốc - thức ăn

Vỉ thuốc

Một điều cần lưu tâm nữa là phải xem xét đến sự tương tác của thức ăn với thuốc. Thức ăn có thể tăng cường hoặc làm giảm tác dụng hoặc làm tăng tác dụng phụ của thuốc trong cơ thể. Đôi khi có thể dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng.

Ví dụ thường xuyên gặp nhất là nước ép bưởi, các bác sĩ thường khuyên nên tránh khi dùng một số loại thuốc như: thuốc huyết áp, thuốc giảm mỡ máu, thuốc điều trị bệnh tim, thuốc an thần...

Tóm lại

  • “Thức ăn là thuốc” không phải là khái niệm mới, y học từ lâu đã công nhận vai trò của chế độ ăn uống đối với sức khỏe.
  • Các chế độ ăn uống lành mạnh khác nhau với nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và hạt, protein và sữa ít béo có thể làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính như cả bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường type 2.
  • Tuy nhiên, chế độ ăn không phải là phương pháp thần kỳ để chữa trị và nó cần song hành với liệu pháp điều trị phù hợp.
Chia sẻ bài viết
{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Đọc tiếp:

S-Adenosyl Methionine (SAMe): Tác dụng, tính an toàn và cách sử dụng

>