Khi nào thì tôi cần đi xét nghiệm COVID-19?
Nhìn chung, xét nghiệm được khuyến nghị nếu bạn có các triệu chứng COVID-19 hoặc đã tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính trong thời gian gần đây.
Bạn cần lưu ý rằng rằng xét nghiệm COVID-19 chỉ cho bạn biết tình trạng của bạn tại thời điểm bạn thực hiện xét nghiệm.
Ví dụ: bạn có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 vài giờ trước khi xét nghiệm thì lúc này số lượng vius chưa đủ để có thể được phát hiện bằng xét nghiệm COVID-19.
CDC Hoa Kỳ khuyến nghị những người đã tiêm vaccine:
- KHÔNG xét nghiệm cho đến ít nhất 5 ngày sau lần tiếp xúc cuối cùng của bạn với người dương tính COVID-19.
- Ở nhà và tránh xa những người khác trong 5 ngày đó (ngày 0 đến ngày 5) sau lần tiếp xúc.
- Đeo khẩu trang tại nhà khi ở cùng người khác.
- Trong 10 ngày sau lần tiếp xúc gần nhất với người nhiễm COVID-19, hãy theo dõi sốt, ho, khó thở hoặc các triệu chứng COVID-19 khác.
- Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng, hãy đi xét nghiệm ngay và cách ly cho đến khi bạn nhận được kết quả.
- Nếu bạn có kết quả dương tính, hãy cách ly theo đúng qui định.
Bạn có thể liên hệ với cơ quan y tế tại địa phương để có lời khuyên cụ thể về việc này nếu cần.
Tôi đã tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 nhưng tôi không có triệu chứng, vậy có nên xét nghiệm không?
Theo CDC Hoa Kỳ, nếu bạn đã tiêm chủng đầy đủ HOẶC đã từng mắc COVID-19 trong vòng 90 ngày và hiện tại bạn không có các triệu chứng COVID-19:
- Bạn không cần phải cách ly.
- Đi xét nghiệm ít nhất 5 ngày sau khi bạn tiếp xúc gần gũi với người có COVID-19, ngay cả khi bạn không phát triển các triệu chứng.
- Theo dõi sốt, ho, khó thở hoặc các triệu chứng COVID-19 khác trong 10 ngày sau khi bạn tiếp xúc.
- Cách ly ngay lập tức và đi xét nghiệm nếu bạn xuất hiện các triệu chứng.
- Đeo khẩu trang trong 10 ngày khi ở gần người khác (trong nhà và nơi công cộng).
Nếu bạn chưa được tiêm chủng đầy đủ và không có triệu chứng:
- Ở nhà và cách ly ít nhất 5 ngày.
- Đeo khẩu trang khi ở gần người khác.
- Xét nghiệm sau ít nhất 5 ngày bạn có tiếp xúc với người mắc COVID-19, kể cả khi không có triệu chứng.
- Theo dõi sốt, ho, khó thở hoặc các triệu chứng COVID-19 khác trong 10 ngày sau khi bạn tiếp xúc.
- Cách ly ngay lập tức và đi xét nghiệm nếu bạn xuất hiện các triệu chứng.
- Đeo khẩu trang trong 10 ngày khi ở gần người khác (trong nhà và nơi công cộng).
Có gì khác nhau giữa các loại xét nghiệm COVID?
Xét nghiệm chẩn đoán, được gọi là xét nghiệm PCR cho phép xác định các gen cụ thể của vi rút SARS-CoV-2 gây ra COVID-19.
Mẫu bệnh phẩm được lấy bằng cách sử dụng một tăm bông dài đưa vào lối đi giữa mũi và phía sau cổ họng. Các xét nghiệm PCR gần như chính xác 100% trong việc chẩn đoán COVID-19, nhưng nhược điểm là mất nhiều thời gian hơn để có kết quả.
Các xét nghiệm kháng nguyên nhanh (Test nhanh) để tìm protein của vi rút. Các test nhanh này rẻ tiền hơn, tiện hơn và cho thời gian trả kết quả nhanh hơn (trong vòng 15 -30 phút) Tuy nhiên, nó ít chính xác hơn vì nếu chưa đạt đủ lượng virus hoặc do bạn lấy mẫu chưa đạt, nó có thể cho kết quả âm tính giả.
Xét nghiệm kháng thể là xét nghiệm nhằm tìm kiếm bằng chứng về phản ứng miễn dịch của cơ thể với virus. Các kháng thể được phát hiện trong máu sau khi bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết đầy đủ về ý nghĩa của các kháng thể này.
Ngoài ra, để phân biệt các biến thể khác nhau của SARS-CoV-2 thì người ta có thể làm các xét nghiệm giải trình tự gen để xác định.
Tôi nên làm xét nghiệm COVID-19 nào?
Để xác định bạn nên làm xét nghiệm nào, cần cân nhắc lý do tại sao bạn muốn làm xét nghiệm.
Nếu có sẵn Test hoặc thực hiện nó tiện hơn thì bạn nên chọn loại này. Nếu nó cho kết quả dương tính, bạn có thể tin gần như chắc chắn là bạn đã bị nhiếm COVID-19.
Trong trường hợp bạn nghi mình bị nhiễm COVID-19 mà xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính, tốt nhất bạn nên làm xét nghiệm PCR để kiểm tra lại vì xét nghiệm này nhạy hơn. Xét nghiệm PCR có thể sử dụng để xét nghiệm cho các trường hợp không triệu chứng hoặc để xác nhận test nhanh. Nó cũng được sử dụng để kiểm tra trước khi bệnh nhân làm thủ thuật hoặc nhập viện.
Tại bệnh viện, xét nghiệm PCR thường được sử dụng để đưa ra các quyết định lâm sàng.
Cần lưu ý là với bất cứ loại xét nghiệm gì thì việc tuân thủ hướng dẫn thực hiện là rất quan trọng, đặc biệt là khi lấy mẫu.
Ví dụ: nếu que lấy mẫu không đủ sâu trong mũi thì có thể nó sẽ cho kết quả âm tính giả.
Tại sao không có triệu chứng vẫn nên làm xét nghiệm?
Điều này nghĩa là thực hiện xét nghiệm khi bạn không có bất kỳ triệu chứng COVID-19 nào và bạn vẫn thấy mình khoẻ.
Nghe có vẻ vô nghĩa nhưng xét nghiệm không có triệu chứng là một chiến lược quan trọng trong việc giải quyết đại dịch. Nó có thể xác định những người đang làm lây lan trong cộng đồng mà chính bản thân họ không biết mình đã bị nhiễm.
Đặc biệt nếu bạn chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19, bạn nên xét nghiệm COVID-19 ngay cả khi bạn không có triệu chứng.
Xét nghiệm khi không có triệu chứng có thể là bắt buộc khi bạn tham gia một sự kiện nào đó.
Ngay cả khi bạn đã được tiêm vắc xin COVID-19, các chuyên gia vẫn khuyên bạn nên xét nghiệm không triệu chứng. Tuy nhiên việc xét nghiệm khi không có triệu chứng có thể gây lãng phí không cần thiết cho dù là xét nghiệm rẻ tiền như test nhanh.
Khuyến cáo vẫn là bạn nên xét nghiệm nếu bạn có các triệu chứng COVID-19 hoặc đã tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính trong thời gian gần đây.
Độ chính xác của Test nhanh COVID như thế nào?
Các xét nghiệm kháng nguyên nhanh tìm mẩu protein từ virus và được biết là ít nhạy hơn các xét nghiệm PCR.
Các xét nghiệm này phù hợp nhất là cho những người trong giai đoạn đầu của nhiễm COVID-19, khi tải lượng vi rút là cao nhất.
Chúng ta biết là không có xét nghiệm nào là chính xác 100%. Nghĩa là một số trường hợp sẽ bị bỏ sót (âm tính giả) và một số trường hợp sẽ bị chẩn đoán nhầm trong khi họ không mắc bệnh (dương tính giả).
Kết quả xét nghiệm nhanh dương tính thường là chính xác, nhưng các kết quả âm tính vẫn cần thận trọng và theo dõi thêm.
Ở những người không có triệu chứng, độ nhạy của test nhanh có thể được cải thiện bằng cách xét nghiệm lặp lại trong 36 đến 48 giờ.
Kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính có phải là tôi đã có miễn dịch với COVID-19 không?
Hiện tại, khoa học chưa rõ về ý nghĩa của kháng thể COVID-19. Nó không nhất định là bạn đã miễn dịch với virus.
Khoa học vẫn chưa xác định lượng kháng thể thế nào được coi là có đủ khả năng miễn dịch hay khả năng miễn dịch kéo dài được bao lâu.
Kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính cho thấy bạn đã từng bị nhiễm hoặc đã tiêm phòng nhưng nó có thể không tương ứng với khả năng miễn dịch.
Test nhanh COVID-19 có kiểm tra được biến thể Omicron không?
Xét nghiệm kháng nguyên nhanh không có khác biệt trong việc phát hiện biến thể Omicron so với các biến thể COVID-19 khác.
Sở dĩ như vậy là do các xét nghiệm kháng nguyên nhanh này nhắm vào các protein không có khả năng thay đổi của vius cho dù có các đột biến gen ở các chủng khác nhau.
Bạn có thể yên tâm dùng test nhanh để kiểm tra đối với chủng mới Omicron giống như với các chủng khác.
PCR hoặc Test nhanh có thể cho biết loại biến thể COVID-19 không?
Không.
Các xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm PCR và test nhanh có thể giúp phát hiện xem bạn có bị nhiễm COVID-19 hay không. Nhưng nó không thể cho bạn biết chính xác bạn bị nhiễm biến thể nào.
Để xác định chính xác là biến thể nào, chúng ta cần làm xét nghiệm giải trình tự gen.
Tôi nên làm gì nếu không thể làm xét nghiệm COVID-19 trước khi gặp người khác?
Câu trả lời là bạn cần cân nhắc về độ rủi ro cho những người mình gặp gỡ để bảo vệ cho họ và chính mình.
Những người không thể làm xét nghiệm nên cân nhắc nếu người bạn gặp là những người dễ bị tổn thương như:
- Người chưa được tiêm Vaccine.
- Người trên 65 tuổi, cho dù đã tiêm chủng hay chưa vì người lớn tuổi có hệ miễn dịch không hoàn toàn khoẻ mạnh và có thể đáp ứng miễn dịch với Vaccine chưa đủ.
- Người mắc các bệnh nền như: tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, ung thư, hen suyễn...
- Trẻ sơ sinh, vì chúng ta chưa rõ COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến các cháu như thế nào, đặc biệt là với biến thể Omicron mới.
Các gia đình có trẻ chưa được tiêm chủng, không thể đi xét nghiệm kịp thời cũng nên xem xét lại việc gặp gỡ với những người thân, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương như ở trên, vì những đứa trẻ đó có thể bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng.
Đương nhiên là kể cả đã xét nghiệm cũng không đảm bảo an toàn tuyệt đối, chúng tôi khuyên bạn nên tuân thủ 5K nếu bạn quyết định gặp nhóm người dễ bị tổn thương như ở trên.