Kiểm soát tâm trạng tiêu cực Hậu COVID và cách cực kỳ đơn giản mà hiệu quả để tăng cường sức khỏe tâm lý

Ths.BS. Nguyễn Tuấn Anh

24/06/2022

Tâm trạng tiêu cực bao gồm các cảm giác như bi quan, chán nản không muốn làm gì trong một khoảng thời gian nhất định... Nó là một tình trạng thường gặp trong sau khi bị COVID. Bài viết này chúng tôi giới thiệu một số biện pháp hiệu quả để giúp bạn khắc phục trạng thái tâm lý tiêu cực này.

1. Tâm trạng bi quan, chán nản Hậu COVID là gì?

Các dấu hiệu phổ biến bao gồm:

  • Cảm thấy buồn hoặc trống rỗng trong phần lớn thời gian (có thể cảm thấy tệ hơn vào buổi sáng).
  • Mau nước mắt hơn bình thường.
  • Cáu kỉnh và khó khoan dung với người khác.
  • Mất hứng thú với các hoạt động trước kia bạn thích.
  • Khó khăn trong việc ra quyết định.
  • Ít chú ý đến ngoại hình.
  • Có ý nghĩ làm hại bản thân.

Một số dấu hiệu thể chất khác có thể liên quan đến tâm trạng tiêu cực:

  • Di chuyển chậm hoặc nói chậm hơn bình thường.
  • Giảm (hoặc tăng) cảm giác thèm ăn.
  • Thiếu năng lượng.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Rối loạn giấc ngủ: khó đi vào giấc ngủ, thức dậy sớm hoặc ngủ chập chờn.

2. Điều gì xảy ra nếu tôi cảm thấy bi quan, chán nản HậuCOVID

Đầu tiên, bạn nên hiểu là tâm trạng bi quan, chán nản sau khi bị COVID không có gì đáng xấu hổ, nó cũng không phải là do bạn là người yếu đuối. Tâm trạng chán nản, bi quan này là do bệnh COVID-19 gây ra và nó không phải lỗi của bạn. Nếu giữ suy nghĩ như vậy thì nó có thể trở thành một vòng xoáy làm cho bạn cảm thấy tệ hơn.

Đôi khi những suy nghĩ cứ quanh quẩn trong đầu, chúng có thể dễ dàng bị bóp méo theo hướng tiêu cực mà chúng ta không nhận ra.

Bạn thử hình dung một người bạn của mình đã từng bị COVID phải nằm viện và giờ đang hồi phục tại nhà nhưng tình trạng Hậu COVID lại làm hạn chế các hoạt động của họ. Nếu người đó chia sẻ với bạn về tâm trạng tiêu cực của họ, liệu bạn có nghĩ rằng: "Đúng là một người yếu đuối!" hoặc "Có thế mà cũng kêu ca". Câu trả lời chắc là KHÔNG. Chúng ta thường cân bằng hơn khi nghĩ về người khác.

Đối với hầu hết mọi người, tâm trạng tiêu cực sẽ tự cải thiện, đặc biệt là khi bạn bắt đầu quay trở lại làm những việc bạn thích và nó sẽ đem lại cho bạn cảm giác hoàn thành công việc.

3. Chiến lược kiểm soát tâm trạng bi quan, chán nản Hậu COVID

Cách giải quyết vấn đề này là tập trung vào những việc bạn thích vào thời điểm phù hợp (khi thấy thư giãn), những việc mang lại thành quả hoặc những việc cho bạn cảm giác được kết nối với người khác.

Một số cách bạn có thể áp dụng là:

  1. Duy trì thói quen tốt: người đang có tâm trạng chán nản có thể dễ dàng hình thành thói quen ngủ xấu, thức khuya và ngủ ban ngày. Bạn hãy cố gắng dậy vào giờ bình thường và tuân thủ các thói quen trước kia càng nhiều càng tốt.
  2. Lập kế hoạch hàng ngày về những việc mà bạn yêu thích và mang lại cho bạn cảm giác hoàn thành.
  3. Duy trì mối quan hệ: Nói chuyện với người khác có thể giúp cải thiện tâm trạng. Bạn không có nhiều điều để nói thì hãy tập trung vào việc lắng nghe, hãy hỏi về cuộc sống của họ và họ có thể sẽ rất quan tâm đến việc phục hồi của bạn.
  4. Ăn uống điều độ: duy trì các bữa ăn lành mạnh thường xuyên trong ngày. Tham khảo thêm bài viết về dinh dưỡng trong phục hồi hậu COVID.
  5. Không lạm dụng rượu, bia: Khi buồn chán, rất có thể bạn sẽ uống nhiều hơn để quên đi hoặc che giấu những cảm xúc tiêu cực, hoặc để lấp đầy thời gian. Tuy nhiên, rượu bia không giúp bạn giải quyết vấn đề và có thể khiến tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn.
  6. Duy trì hoạt động thể chất: Đã có nhiều bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể giúp cải thiện tâm trạng. Nếu lâu rồi bạn chưa vận động, hãy bắt đầu nhẹ nhàng bằng cách đi bộ, hay đơn giản là đi dạo quanh khu nhà. Lưu ý là bạn cần thực hiện một cách phù hợp với điều kiện thể chất của mình, nếu có mệt mỏi, khó thở thì bạn nên cân nhắc hoặc làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.

4. Chia sẻ, nói chuyện cùng người thân sẽ giúp bạn lạc quan hơn

  • Phục hồi hậu COVID là một hành trình khó khăn, tâm trạng tiêu cực càng làm cho quá trình này trở nên khó khăn hơn nữa.
  • Những người có tâm trạng tiêu cực thường nghĩ rằng họ có thể giữ nó cho riêng mình và không chia sẻ với người khác. Khi được chia sẻ, nỗi buồn sẽ vơi đi và niềm vui sẽ nhân lên, điều này hoàn toàn đúng và bạn nên làm như vậy.
  • Tâm trạng của bạn sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Những người thân sẽ nhận thấy bạn không giống với bình thường, họ cũng có thể nhận thấy bạn nóng tính và hay cáu gắt hơn. Họ có thể nhận thấy rằng bạn không quan tâm nhiều đến những người khác và các hoạt động được chia sẻ. Và điều này ảnh hưởng không chỉ đến bản thân bạn mà còn đến cả những người xung quanh bạn.
  • Bạn nên chia sẻ, nói chuyện với người thân, cho họ biết bạn đang cảm thấy thế nào. Điều này giúp họ hiểu và loại bỏ mọi hiểu lầm khi họ nghĩ về bạn hay bản thân họ (ví dụ như: con cái của bạn có thể nghĩ mình đã làm sai điều gì đó và giờ bạn không quan tâm đến chúng).  Và chắc chắn là bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều khi không phải che giấu cảm xúc của mình.
  • Hãy thử dành 5-10 phút mỗi ngày để nói về cảm giác của bạn trong ngày. Bạn cũng không nên chỉ nói về mình, hãy hỏi người thân của mình xem họ cũng đang cảm thấy như thế nào.
  • Chia sẻ cùng người thân những điều tích cực xảy ra trong ngày hoặc điều gì đó làm bạn thấy mình nên tri ân cuộc sống.

5. Thực hành tri ân cuộc sống - cách đơn giản và hiệu quả để thấy cuộc sống vui vẻ hơn!

Bạn có biết là sự biết ơn sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn không? Và hơn nữa nó có thể giúp bạn thành công hơn? Nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi hình thức thực hành lòng biết ơn đều làm tăng mức độ hạnh phúc của con người.

Suy ngẫm về những điều bạn thấy biết ơn hàng ngày, cho dù chỉ là những điều cực kỳ đơn giản là một cách làm đơn giản và hiệu quả nhất để tăng cường sức khỏe tâm lý.

Tôi vẫn đang thực hiện điều này mỗi ngày và nó giúp cho tôi cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều với cuộc sống và công việc hiện tại mình đang làm.

Cách làm việc này rất đơn giản!

  • 1. Buổi tối, viết ra 3 điều mà bạn thấy biết ơn trong ngày hôm đó.
  • 2. Thêm lý do cho mỗi điều trên, ví dụ như:
    • Cám ơn bố mẹ vì vẫn khỏe mạnh để con có thể tập trung và công việc và gia đình nhỏ của mình...
    • Cám ơn những điều khiến tôi cười. Tôi biết ơn vì có những người vui tính xung quanh tôi.
    • Cám ơn vì tôi đã có 1 đồng nghiệp tuyệt vời, người đã luôn ở bên cạnh tôi ngay cả những lúc khó khăn như ngày hôm nay.
    • Cám ơn các con đã luôn ở bên cạnh động viên và chia sẻ. Được các con quan tâm là hạnh phúc và tự hào của bố mẹ.
    • Cám ơn vợ/chồng đã mua sắm, làm đồ ăn... để giúp anh/em tập trung hơn vào công việc.
  • 3. Mỗi sáng, hãy viết một điều chung chung mà bạn thấy biết ơn.
  • 4. Xem lại 3 điều của bạn trong ngày qua và chọn một việc để chia sẻ với người khác (hoặc trong phần bình luận của bài viết này nếu bạn muốn).

Những lời tri ân đơn giản này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn. Bạn hãy làm thử một vài lần rồi tự mình cảm nhận xem sao.

6. Khi nào thì bạn cần sự trợ giúp của y tế?

Nếu bạn thấy rằng tâm trạng của bạn vẫn rất tiêu cực sau một vài tuần, bạn nên đi khám để được tư vấn và điều trị.

Tham khảo thêm: Khi nào bạn cần sự trợ giúp của cơ quan y tế

7. Tóm lại

  • Tâm trạng tiêu cực Hậu COVID là chuyện bình thường, nó sẽ cải thiện dần thời gian.
  • Bạn có thể kiểm soát nó bằng những cách làm được nêu trong phần trên.
  • Thực hành Tri ân cuộc sống là một phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất cho sức khỏe tâm lý của bạn.

Hãy thử thực hành bài tập Tri ân cuộc sống và cho chúng tôi biết cảm nhận của bạn ở phần bình luận bên dưới.

Tham khảo: Your COVID recovery

Các bài viết liên quan:

Chia sẻ bài viết
{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Đọc tiếp:

Cải thiện giấc ngủ Hậu COVID không phức tạp như bạn nghĩ!

>