Omicron, Delta: Cơ chế hình thành các biến thể COVID-19 và các câu hỏi thường gặp

Ths.BS. Nguyễn Tuấn Anh

13/05/2022

Biến thể Omicron của COVID-19 đã trở thành chủng vi rút chiếm ưu thế lưu hành ở Việt Nam và trên thế giới. Nó dễ lây lan hơn các chủng trước vì nó có nhiều đột biến hơn các biến thể khác. Nó có nhiều đột biến nằm trong protein gai, làm phần gắn của virus với tế bào người.

Omicron có nhiều loại biến thể khác nhau như: BA.1, BA.2, BA.3 và gần đây có báo cáo về chủng mới BA.4, BA. 5 ở Nam Phi và một biến thể phụ của BA.2 là BA.2.12.1 đang gia tăng nhanh chóng ở Mỹ.


Nội dung bài viết


1. Cơ chế hình thành các biến thể của virus

Virus tồn tại bằng cách tự nhân lên. Nó chiếm quyền kiểm soát tế bào của chúng ta và sử dụng một số bộ máy trong tế bào đó để tự tạo ra nhiều bản sao hơn. Những bản sao này sẽ lây lan sang các tế bào khác và quá trình này lặp lại.

Virus không tạo ra các bản sao chính xác như nó ban đầu và điều đó dẫn đến các thay đổi về thông tin di truyền (hay còn gọi là đột biến).

Một số đột biến sẽ làm ảnh hưởng đến cơ hội tồn tại và nhân lên của nó, những đột biến này thường không được truyền cho các thế hệ sau.

Các đột biến giúp virus tồn tại, nhân bản và lây lan sang các vật chủ khác rất có thể dẫn đến việc tạo ra một biến thể mới chiếm ưu thế

Virus làm việc này dễ nhất nếu nó ở trong người càng lâu càng tốt. “Có thể nói, đó là ít công việc hơn, trái ngược với việc nhảy sang một máy chủ khác.” Điều này cũng có lợi cho việc vi rút trở nên dễ lây nhiễm hơn: Càng nhiều vật chủ mà vi rút có thể tự thành lập thì cơ hội sống sót và phát triển càng cao.

Tuy nhiên, có một yếu tố khác. Virus cũng cần phải tiến hóa để tránh các cuộc tấn công của hệ miễn dịch. Và đây là những điều đang xảy ra với các biến thể mới của SARS-CoV-2. Các biến thể mới này có các đột biến trên phần protein bám và tế bào người, các kháng thể chúng ta tạo ra nhờ vaccine hoặc nhiễm bệnh từ trước có thể không ngăn chặn được virus vì nó đã biến đổi cấu trúc.

Cuộc chiến giữa con người và COVID-19 vẫn còn tiếp diễn. Virus vẫn đang tiến hoá và sinh ra các biến thể mới.

Rất có thể chúng ta sẽ nhiễm chủng mới hoặc tái nhiễm nhiều lần nữa. Ngoài ra, nó cũng có thể gây ra các di chứng Hậu COVID-19

Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan trong lúc này.

Bài viết này chúng tôi tổng hợp một số thông tin liên quan đến biến thể này từ trước đến nay để mọi người biết thêm thông tin.

2. Nhiều biến thể mới như vậy thì đại dịch đến bao giờ mới kết thúc?

Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều đại dịch toàn cầu, nhưng tất cả đều đã kết thúc.

Lý do rất đơn giản : Bất kỳ tác nhân gây dịch là gì (vi khuẩn, virus hay tác nhân nào khác) đều tiến triển theo 2 hướng: Một là tăng độc tính, gây bệnh nặng hơn, tử vong cao hơn. Hai là giảm độc tính, gây bệnh ít hơn và dần dần trở thành một bệnh lưu hành thông thường.

Đối với Covid-19 cũng vậy, nó cũng xảy ra theo xu hướng tương tự như vậy.

  • Nếu trong tương lai, SARS-CoV-2 đột biến và có thể sinh ra các biến thể độc tính rất cao, khả năng gây bệnh lớn và tỷ lệ tử vong rất cao thì DỊCH NÀY cũng vẫn kết thúc. Lý do rất đơn giản: Vì Virus có độc lực cao gây tử vong nhiều thì trong một thời gian ngắn virus sẽ không còn đối tượng để xâm nhập thì chúng phải DIỆT VONG. Đó là quy luật tất yếu trong đấu tranh sinh tồn. Vì thế, chúng ta đừng quá lo lắng về lý do bất lợi này. 
  • Còn trong trường hợp thứ hai , tức là virus giảm độc tính, ít gây bệnh nguy hiểm (như Sars-CoV2 hiện nay) thì chúng ta chung sống an toàn với nó và coi nó như một bệnh thông thường.

Như vậy, con người luôn chủ động trong phòng chống dịch và luôn thành công. Nói đến đây, chắc chúng ta đều thở phào nhẹ nhõm vì trước sau chúng ta cũng dẹp được đại dịch nguy hiểm nhất hành tinh này là COVID-19.

3. Biến thể Omicron tàng hình BA.2 là gì? Nó có dễ lây lan hay nguy hiểm hơn Omicron không? Vaccine hay điều trị bằng kháng thể đơn dòng có tác dụng trên biến thể BA.2 không?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một báo cáo ngày 15 tháng 2: “Các bằng chứng ban đầu từ một số nghiên cứu cho thấy BA.2 dễ lây truyền hơn so với BA.1”. Ước tính về tốc độ tăng trưởng ở Đan Mạch, WHO cho biết “BA.2 có khả năng lây truyền cao hơn BA.1 là 30%”.

Tại Việt Nam, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua sàng lọc ngẫu nhiên, TP.HCM phát hiện 64% mẫu dương tính với biến chủng BA.2. Tại Hà Nội, Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã; trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron.

Nghiên cứu trong phòng lab ở Nhật cho thấy ngoài việc có vẻ dễ lây lan hơn, BA.2 cũng có thể gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với phiên bản gốc của Omicron. Nghiên cứu cho thấy BA.2 có thể tự sao chép trong tế bào nhanh hơn so với Omicron ban đầu. Khi nghiên cứu trên chuột lang, mẫu mô phổi của chuột lang nhiễm BA.2 tổn thương nhiều hơn phổi của chuột nhiễm BA.1.

Tuy nhiên dữ liệu thực tế về mức độ nghiêm trọng của BA.2 lại cho thấy “không có sự khác biệt về nguy cơ nhập viện giữa những người bị nhiễm BA.2 và những người bị nhiễm BA.1” (theo WHO)

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy BA.2 có khả năng chống lại các kháng thể của những người đã bị nhiễm các biến thể trước đó như Alpha và Delta.

Và BA.2 gần như kháng hoàn toàn với một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng.

Theo báo cáo của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho thấy hai liều Vaccine có hiệu quả khoảng 13% trong việc chống lại các triệu chứng từ BA.2. Nhưng hiệu quả đó đã tăng lên khoảng 70% trong hai tuần sau khi tiêm thuốc tăng cường.

Điều đó có nghĩa là hai mũi Vaccine tiêu chuẩn không có hiệu quả lắm với biến thể BA.2. Tuy nhiên, nếu được tiêm một mũi tiêm nhắc lại, hiệu quả bảo vệ có thể tăng lên khoảng 70%.

4. Hiện tại có những phương pháp điều trị nào cho biến thể Omicron?

FDA Hoa Kỳ đã hạn chế việc sử dụng một số phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng cho COVID-19 vì dữ liệu thu thập được cho thấy những phương pháp điều trị này hầu như không có tác dụng chống lại biến thể Omicron.

Các phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng bao gồm bamlanivimab + etesevimab của Eli Lilly và casirivimab + imdevimab của Regeneron.

FDA Hoa Kỳ quyết định hạn chế việc chỉ định các phương pháp điều trị này: chỉ dành cho các bệnh nhân có khả năng đã bị nhiễm hoặc tiếp xúc với một biến thể nhạy cảm với kháng thể đơn dòng.

Vào tháng 12/2021, FDA cho biết sotrovimab là phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng duy nhất còn hiệu quả chống lại biến thể Omicron.

Tuy nhiên, FDA cũng cho biết có một số liệu pháp khác như Paxlovid (chứa nirmatrelvir và ritonavir), sotrovimab, Veklury (remdesivir) và Molnupiravir có thể có tác dụng chống lại biến thể Omicron và được phê duyệt để điều trị bệnh nhân bị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình. Người có nguy cơ cao tiến triển thành bệnh nặng, cần nhập viện hoặc tử vong.

5. Biến thể mới (Omicron) có dễ lây hơn bao nhiêu so với biến thể Delta? Omicron lan truyền nhanh đến mức nào?

Tháng 1/2022, CDC Hoa Kỳ cho biết biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao gấp 3 lần so với biến thể Delta. Theo CDC chỉ trong bốn tuần, số ca mắc Omicron đã ước tính tăng từ 8% ca nhiễm COVID-19 mới lên 95% ca nhiễm mới.

sự lây lan toàn cầu của chủng Omicron không giống bất kỳ chủng nào khác trong đại dịch này. Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Omicron đang lây lan với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy với bất kỳ biến thể nào trước đây”.

Tại Việt Nam, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua sàng lọc ngẫu nhiên, TP.HCM phát hiện 64% mẫu dương tính với biến chủng BA.2. Tại Hà Nội, Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã; trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron.

6. Điều gì khiến biến thể Omicron trở nên khác biệt so với các biến thể khác?

Khi virus tiếp tục lây lan, các đột biến mới và các biến thể mới sẽ xuất hiện.

Nhưng biến thể Omicron mới có số lượng đột biến cao bất thường, bao gồm hàng chục đột biến trên protein gai - là cấu trúc được vi rút sử dụng để bám và xâm nhập vào bên trong các tế bào, nó cũng là đích nhắm của các Vaccine COVID-19.

Biến thể Omicron chứa rất nhiều đột biến, khoảng hơn 50 và hơn 30 đột biến trong số đó là ở protein gai.

Hiện tại, các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu xem biến thể Omicron có thể né tránh các kháng thể được tạo ra từ tiêm chủng hoặc nhiễm tự nhiên đến mức nào. Rất có thể nếu protein gai có cấu trúc khác thì các kháng thể không thể gắn với vi rút để tiêu diệt nó.

Tuy nhiên, theo quan sát từ các biến thể trước đó, mặc dù cũng có sự khác biệt về protein gai nhưng chúng đều có phản ứng với Vaccine, đặc biệt là liều tăng cường.

7. Những người đã được tiêm Vaccine có thể bị nhiễm biến thể Omicron không?

Có thể.

Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy nếu đã được tiêm đủ liều thì khả năng bị bệnh nặng do biến thể Omicron sẽ thấp.

Ở Nam Phi, nơi biến thể Omicron chiếm ưu thế, một nghiên cứu cho thấy hai liều Vaccine Pfizer có khả năng bảo vệ chống lại nhiễm COVID là 33% nhưng vẫn có hiệu quả đến 70% trong việc ngăn ngừa ca bệnh nặng.

Những người không được tiêm phòng vẫn là những người dễ bị mắc bệnh nhất.

8. Nếu đã từng mắc COVID-19, liệu tôi có thể bị nhiễm biến thể Omicron không?

Có, bạn vẫn có thể bị tái nhiễm. Virus vẫn luôn sinh ra các biến thể mới và do cả khả năng miễn dịch của chúng ta sau khi nhiễm sẽ suy giảm dần theo thời gian.

9. Tôi cần cách ly bao lâu nếu tôi nhiễm biến thể Omicron?

Nếu bạn mắc COVID-19 hoặc nghĩ rằng bạn có thể mắc bệnh này:

  • Hãy ở nhà. Hầu hết những người bị COVID-19 hiện nay đều là thể nhẹ hoặc không có triệu chứng và có thể tự phục hồi tại nhà mà không cần chăm sóc y tế. Đừng rời khỏi nhà của bạn, ngoại trừ để được chăm sóc y tế. Không đến các khu vực công cộng. Thực hiện nghiêm túc 5K theo lời khuyên của Bộ Y tế.
  • Chăm sóc bản thân. Nghỉ ngơi, uống đủ nước. Uống thuốc giảm đau hạ sốt như paracetamol nếu cần, nó sẽ giúp bạn thấy dễ chịu hơn.
  • Giữ liên lạc với đội ngũ y tế. Thông báo cho y tế địa phương. Đến bệnh viện ngay nếu bạn khó thở hay có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp nào khác.

Với biến thể Omicron, xu hướng hiện nay trên thế giới là rút ngắn thời gian cách ly.

Theo CDC Hoa Kỳ thì họ rút ngắn thời gian cách ly được khuyến nghị từ 10 ngày đối với những người mắc COVID-19 xuống còn 5 ngày, nếu không có triệu chứng, sau đó là đeo khẩu trang trong 5 ngày để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Sở dĩ CDC Hoa Kỳ quyết định việc này là do kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết sự lây lan của COVID-19 xảy ra sớm trong quá trình bệnh, thường là trong 1-2 ngày trước khi bắt đầu các triệu chứng và 2-3 ngày sau đó. CD Hoa Kỳ khuyến nghị thực hiện test nhanh vào thời điểm sau 5 ngày cách ly.

  • Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, tiếp tục cách ly cho đến 10 ngày sau khi bắt đầu có triệu chứng.
  • Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính thì có thể ngừng cách ly nhưng cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người xung quanh cho đến ngày thứ 10.

10. Có vẻ Omicron không gây ra bệnh nặng, tại sao chúng ta không nên chủ quan?

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về biến thể mới, vì vậy, còn quá sớm để nói chắc chắn liệu Omicron có gây ra bệnh nhẹ hơn trên quy mô rộng hay không.

Điều dễ nhận thấy là Omicron rất dễ lây lan và kể cả khi Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn, số ca mắc bệnh tăng có thể làm quá tải hệ thống y tế của chúng ta.

Và điều đó có thể là thảm họa đối với các khu vực tại Việt Nam như ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong trong đợt bùng phát COVID-19.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa rõ Omicron có thể ảnh hưởng đến các di chứng Hậu COVID như thế nào, dù sao thì nó cũng là biến thể mới được phát hiện từ tháng 11/2021.

11. Biến thể Omicron lấy tên như thế nào?

Tổ chức Y tế Thế giới đã gán các chữ cái Hy Lạp cho các biến thể chính, đáng được quan tâm.

Các chữ cái Hy Lạp theo thứ tự là: Alpha, Beta, Gamma, Delta, Epsilon, Zeta, Eta, Theta, Iota, Kappa, Lambda, Mu. Nu, Xi, Omicron, Pi, Rho, Sigma, Tau, Upsilon, Phi, Chi, Psi, Omega

Trước Omicron, hai biến thể cuối cùng được quan tâm gọi là Lambda và Mu. Chữ cái tiếp theo trong bảng chữ cái Hy Lạp là Nu, sau đó là Xi.

Nhưng WHO đã bỏ qua Nu, Xi và đến thẳng Omicron để tìm tên cho biến thể mới nhất được quan tâm. Các nhà khoa học gọi nó là B.1.1.529.

Nguyên nhân là:

  • Nu quá dễ bị nhầm lẫn với "new"
  • Xi không được sử dụng vì đó là họ phổ biến của người gốc Trung Quốc.

Cách đặt tên này của WHO là để tránh gây nhầm lẫn và xúc phạm đến bất kỳ nhóm văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực, nghề nghiệp hay dân tộc nào.

12. Triệu chứng của chủng mới (biến thể Omicron) có khác với các biến thể khác không?

Tất cả các biến thể, bao gồm cả Delta và Omicron, đều gây ra các triệu chứng COVID-19 tương tự nhau, bao gồm ho, sốt và mệt mỏi.

Có một số bằng chứng cho thấy người nhiễm omicron ít bị mất vị giác và khứu giác hơn.

Omicron cũng ít có khả năng gây ra bệnh nặng như viêm phổi dẫn đến phải nhập viện điều trị.

Ở những người được tiêm chủng đầy đủ, các triệu chứng omicron có xu hướng nhẹ hơn. Ở những người chưa được tiêm chủng, các triệu chứng có thể khá nặng, có thể dẫn đến nhập viện hoặc thậm chí tử vong.

Omicron cũng có nhiều khả năng gây ra các triệu chứng hơn khi bạn bị tái nhiễm.

13. Các triệu chứng của biến thể mới Omicron kéo dài bao lâu?

Hầu hết những người mắc bất kỳ biến chủng nào của COVID-19 thường có triệu chứng trong vài tuần.

Một số người có thể có các triệu chứng COVID-19 kéo dài (Hậu COVID) hàng tuần cho đến hàng tháng.

14. Biến thể omicron có thể lây lan dễ dàng hơn so với các chủng COVID-19 khác không?

Omicron có khả năng lây lan dễ dàng hơn chủng virus gốc. Nó có vẻ dễ lây hơn nhiều so với biến thể delta.

Hiện nay, nó là biến thể chiếm ưu thế ở Việt Nam và trên thế giới. Mọi người vẫn có thể lan truyền Omicron cho người khác kể cả khi họ đã tiêm phòng hoặc không có triệu chứng.

15. Biến thể Omicron có gây ra nhiều ca nặng hơn so với các chủng COVID-19 khác?

Omicron có nhiều khả năng gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể khác.
Dữ liệu ban đầu cho thấy rằng nhiễm Omicron dẫn đến nhập viện chỉ bằng một nửa tỷ lệ so với nhiễm biến thể delta.

Với mức độ lây nhiễm của omicron, quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm việc tiêm phòng và thực hiện 5K

16. Vaccine COVID-19 có hiệu quả trong việc bảo vệ chống lại omicron không?

Vì biến thể Omicron còn mới nên các chuyên gia y tế không rõ hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh. Có khả năng là vaccine COVID-19 có thể không hiệu quả với các biến thể mới.
Tuy nhiên, một người càng có nhiều kháng thể thì càng được bảo vệ tốt hơn. Đó là lý do tại sao mọi người được khuyến khích tiêm mũi tăng cường COVID-19 khi bạn đủ điều kiện.

Bằng chứng sơ bộ cho thấy rằng vaccine kém hiệu quả hơn trong việc chống lại sự lây lan của Omicron so với Delta. Tuy nhiên, vaccine vẫn có hiệu quả làm giảm nguy cơ bệnh nặng cần nhập viện.

17. Test nhanh có phát hiện chủng mới Omicron được không?

Test nhanh COVID tại nhà (còn được gọi là xét nghiệm kháng nguyên nhanh) rất hữu ích vì nó cho kết quả nhanh chóng. Bạn có thể mua mà không cần đơn của bác sĩ và nó có sẵn tại các hiệu thuốc.

Nếu bạn đã tiếp xúc với một người nào đó mắc COVID-19, các xét nghiệm nhanh này có thể cho bạn biết rõ mình có bị nhiễm hay không. Nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ COVID-19 và kết quả xét nghiệm dương tính, bạn có thể tin tưởng vào kết quả dương tính. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm nhanh dương tính, bạn không cần thiết phải làm xét nghiệm PCR để xác nhận lại.

Tuy nhiên, nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ COVID-19 và kết quả xét nghiệm nhanh âm tính thì có thể là âm tính giả. Bạn vẫn có thể mắc COVID-19 và nên tránh tiếp xúc với người khác. Nếu cần thiết, bạn có thể làm xét nghiệm PCR để kiểm tra lại.

18. Nếu Omicron không gây ra bệnh nặng, tôi có cần phải biết liệu mình có bị nhiễm COVID-19 hay không ?

Có cần thiết. Bạn cần phải biết mình có bị COVID-19 hay không.

Có ba lý do:

  • Nếu không may căn bệnh trở nặng, bạn cần biết để có thể tận dụng các phương pháp điều trị COVID-19.
  • Bạn cần biết có nên cách ly hay không để có thể giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác, đặc biệt là những người có nguy cơ bị COVID-19 nặng.
  • Bạn cần thông báo cho những người có tiếp xúc gần với mình, để họ chú ý theo dõi các triệu chứng của họ và đi xét nghiệm nếu cần.

19. Nếu tôi đã tiêm Vaccine và không có triệu chứng, nhưng tôi nghĩ mình đã tiếp xúc với người mắc COVID-19, tôi có nên xét nghiệm không?

Nên.

Omicron rất dễ lây lan. Những người được tiêm chủng đủ, kể cả đã tiêm mũi tăng cường (mũi 3) vẫn có thể mắc bệnh.

Nếu bạn biết mình đã tiếp xúc với người bị bệnh, nhất là trong tình huống có nguy cơ cao như ở trong không gian kín một thời gian dài và không đeo khẩu trang thì bạn nên xét nghiệm để kiểm tra.

Bạn cũng nên cách ly, chú ý theo dõi các triệu chứng COVID-19, giữ khoảng cách với người khác trong nhà và đeo khẩu trang thường xuyên.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải thực hiện các biện pháp cách lý, phòng chống theo qui định.

Trong trường hợp bạn tiếp xúc ở không gian mở, thoáng khí, có đeo khẩu trang và ở giữ khoảng cách, nguy cơ lây nhiễm sẽ thấp hơn nhiều. Tình huống này không cần thiết phải đi xét nghiệm ngay lập tức, bạn có thể tự theo dõi các triệu chứng COVID-19 và đi xét nghiệm nếu có dấu hiệu nghi ngờ.

20. Thời điểm tôi có thể bị lây nhiễm Omicron là bao lâu trước khi xuất hiện triệu chứng?

Thời gian này khác nhau ở mỗi người nhưng đa số thường bị lây nhiễm trong khoảng từ 1-3 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện.

21. Các biến thể Omicron cho chúng ta biết gì về các chủng COVID-19 trong tương lai?

Càng nhiều người bị nhiễm thì càng có nhiều khả năng xuất hiện các biến thể mới.

Các chuyên gia y tế khuyên tất cả mọi người đều nên tiêm vaccine COVID-19.

Mỗi khi có người bị COVID-19, virus lại có cơ hội xảy ra các đột biến, điều này có thể dẫn đến xuất hiện một biến thể mới.

Đừng chủ quan và hãy tiêm phòng nếu bạn chưa tiêm.

22. Biến thể Delta là gì?

Biến thể Delta là một chủng của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Ấn Độ, nó bắt đầu lan truyền nhanh chóng và được quan tâm từ giữa tháng 6 năm 2021. Hiện nay, biến thể Omicron đã thay thế và thành chủng chiếm ưu thế của COVID-19.

Mặc dù biến thể Omicron có khả năng lây lan cao hơn nhưng nó thường gây ra các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta.

23. Sự khác biệt giữa các biến thể Delta và Delta Plus là gì?

Biến thể Delta Plus (B.1.617.2.1) là một nhánh mới hơn và có một chút thay đổi về vật chất di truyền so với biến thể Delta (B.1.617.2).

Tất cả các biến thể đều mang các đột biến gen.
Delta Plus khác với Delta vì nó có thêm một đột biến được gọi là K417N. Đột biến đó ảnh hưởng đến protein gai, chính là phần gắn vào tế bào người của virus.

Trước đây, các nhà khoa học quan ngại về biến thể Delta Plus này vì quan sát ban đầu tại Ấn độ cho thấy nó có thể làm tăng khả năng lây lan, gắn mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và khả năng giảm phản ứng kháng thể.

Hiện nay thì biến thể Omicron (chủng mới) được nhắc đến nhiều bởi tốc độ lây lan nhanh hơn so với Delta.

Tại Việt Nam, hiện nay hầu hết các ca mắc COVID là do biến thể Omicron. Trong đó, biến thể phụ BA.2 (hay còn gọi là "Omicron tàng hình") đang chiếm ưu thế.

Chia sẻ bài viết
{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Đọc tiếp:

Thông tin cơ bản về Hậu COVID

>