Nếu bạn có người thân bị COVID và có thể họ đang điều trị tại nhà hoặc nhập viện, đây sẽ là khoảng thời gian rất căng thẳng đối với bạn cũng như đối với họ. Dưới đây là một số chuyện bạn nên làm khi có người thân bị COVID, đặc biệt là khi họ phải nằm viện điều trị.
1. Hãy cố gắng hiểu trải nghiệm của người bị COVID

Chắc hẳn đã có lúc bạn cảm thấy rất lo lắng và sợ hãi điều tồi tệ nhất sẽ tới vì bị hạn chế bởi việc cách ly tại bệnh viện và không thể gặp người thân để động viên, chăm sóc họ.
Nằm viện điều trị COVID là một trải nghiệm rất đáng sợ. Những bệnh nhân điều trị tại Đơn vị Điều trị tích cực (ICU) sẽ phải trải qua những trải nghiệm rất căng thẳng trong môi trường bệnh viện xung quanh toàn máy móc và bệnh nhân nặng.
Bệnh nhân ICU thường có những trải nghiệm bất thường như ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những thứ không có ở đó) hoặc ảo tưởng (niềm tin kỳ lạ về những gì đang diễn ra trong bệnh viện). Họ có thể gặp khó khăn trong việc nhận biết đâu là thật và đâu là giả. Điều này là do sự nhầm lẫn hoặc mê sảng do bệnh tật gây ra, do khu vực ICU luôn ồn ào và có thể do loại thuốc họ đã sử dụng.
Họ có thể nhìn, nghe thấy những câu chuyện đau buồn trong thời gian nằm viện và có thể không muốn nói về nó.
Với người nằm viện, các triệu chứng như lú lẫn, ảo giác và mê sảng thường là những tác dụng phụ tạm thời. Điều đó không có nghĩa là tâm trí của họ có vấn đề, nhưng khi nói chuyện có thể làm bạn thấy khó nghe và hiểu.
2. Những điều cần biết khi chăm sóc người thân ở giai đoạn hồi phục sau COVID

Người thân của bạn có thể vẫn gặp khó khăn về thể chất và tâm lý khi họ về nhà hoặc trong thời gian hồi phục tại nhà, cho dù không phải nhập viện.
Về sức khoẻ thể chất, họ vẫn có thể bị khó thở, cảm thấy rất yếu do chán ăn, cứng khớp hoặc mệt mỏi nhiều. Một số người có thể chán nản, lo lắng hoặc cáu kỉnh trong thời gian hồi phục, suy giảm nhận thức, khó ngủ, gặp ác mộng về trải nghiệm trong bệnh viện của họ. Họ có thể rất lo lắng về khả năng hồi phục của mình.
Bạn có thể thấy rằng trong thời gian này, họ cần bạn thông cảm và hỗ trợ nhiều hơn bình thường. Đây có thể là khoảng thời gian hết sức khó khăn cho người ốm, họ thường là lo lắng về việc liệu họ có thể tự phục vụ được hay không. Sự hỗ trợ và động viên của bạn sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phục hồi của họ.
Nói chuyện để giúp họ thấy được mặt tích cực trong quá trình hồi phục. Một số người cảm thấy khó chấp nhận rằng họ đã sống sót sau COVID và hiện có thể bắt đầu hồi phục.
Người thân và bạn bè có thể bị căng thẳng nhiều hơn chính những bệnh nhân mắc COVID nặng. Bạn có thể lo sợ điều tồi tệ nhất, cảm thấy bất lực, mệt mỏi, lo lắng hoặc buồn bã. Nếu rời vào trường hợp như vậy, xin bạn tham khảo bài viết: Kiểm soát tâm trạng tiêu cực Hậu COVID, trong đó chúng tôi có chia sẻ một cách làm cực kỳ đơn giản có thể áp dụng chung cho tất cả mọi người, không riêng chỉ người bệnh COVID-19.
3. Bạn cũng cần tự chăm sóc bản thân

Để hỗ trợ người thân hoặc bạn bè của bạn bị ốm, bạn cũng cần phải chăm sóc bản thân thật tốt. Mọi người trong gia đình phải chịu rất nhiều căng thẳng khi có người thân ốm tại nhà hayc điều trị ở bệnh viện. Đôi khi mối quan hệ giữa bạn và người ốm trở nên căng thẳng vì người ốm có thể không nhận ra bạn bị áp lực như thế nào.
Người ốm có thể thấy thất vọng vì những hạn chế của chính họ như các triệu chứng thể chất hoặc tâm lý, hay là khả năng tập trung, trí nhớ và cảm xúc của họ. Họ cần có thời gian để điều chỉnh về trạng thái "bình thường mới". Và tất cả điều này đều ảnh hưởng đến bạn.
Điều tốt nhất bạn có thể làm cho mình và người thân là:
- Nhận biết tác động của việc hỗ trợ người thân của bạn đối với bạn.
- Đừng tự trách mình, bạn cũng là con người!
- Dành thời gian để làm những việc cho bản thân.
- Nói chuyện với ai đó nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc hàng ngày và trách nhiệm chăm sóc người thân.
Cách tự chăm sóc:
- Đảm bảo mình ăn và ngủ tốt.
- Thường xuyên nghỉ ngơi, dành cho mình thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn.
- Dành thời gian với bạn bè (nếu không gặp trực tiếp thì hãy gọi điện thoại hoặc gọi video).
- Đi dạo, tập thể dục sẽ tốt cho cả về thể chất lẫn tinh thần.
- Tâm sự với bạn bè hoặc người thân về cảm xúc của bạn để cùng chia sẻ vui buồn. Nỗi buồn được chia sẻ sẽ vơi đi một nửa.
- Yêu cầu giúp đỡ: Bạn không cần phải làm mọi thứ một mình. Nhờ gia đình, bạn bè, người quen hỗ trợ nếu cần.
4. Trò chuyện với gia đình, bạn bè và người thân bị COVID-19

- Cho mọi người biết cảm nhận của bạn.
- Đôi khi việc bạn cần làm chỉ là ngồi và lắng nghe. Lắng nghe để hiểu người bệnh muốn bạn giúp họ theo cách nào.
- Có thể bạn muốn hỗ trợ nhiều cho người bệnh nhưng tốt hơn hết là để họ tự làm những việc có thể.
- Tôn trọng mong muốn của người bệnh.
- Người bệnh có thể khó chấp nhận các thay đổi xảy ra với họ trong thời gian này. Họ có thể phản ứng không theo ý của bạn, chuyện đó hết sức bình thường.
- Bạn có thể phải thay đổi sinh hoạt khác đi trong một thời gian và một số việc có thể sẽ chậm hơn.
- Lập danh sách hoặc đặt lời nhắc trên điện thoại để dành thời gian giao tiếp với người bệnh.
- Ở bên cạnh hỗ trợ, trấn an họ khi cần.
- Để người bệnh có không gian riêng tư.
- Đọc thông tin trong trang web này sẽ có ích cho cả bạn và người bệnh.
Nếu chồng/vợ của bạn là người mắc COVID-19

Nếu người chồng/vợ bị mắc COVID-19, mối quan hệ trong gia đình có thể trở nên nặng nề hơn.
Có nhiều việc bạn phải làm: chăm sóc người ốm, chăm con, làm việc nhà, làm các công việc khác thay cho người ốm... Quá nhiều việc có thể làm bạn bị áp lực và rất có thể nó làm mối quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng hơn.
Người bị bệnh cũng có thể có những bất ổn về cảm xúc. Điều này có thể làm bạn thấy thất vọng, tức giận và khó chịu. Bạn cứ bình tĩnh, kiên nhẫn một chút, mọi thứ sẽ tốt dần lên ở giai đoạn hồi phục.
Bạn nên làm gì nếu thấy quá tải

- Hãy ưu tiên những thứ quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại.
- Lập kế hoạch sử dụng thời gian trong ngày/tuần. Đừng để bản thân quá tải.
- Cho phép mình có thời gian để nghỉ ngơi.
- Cùng nhau giải quyết vấn đề để hỗ trợ nhau trong quá trình phục hồi.
- Chấp nhận để người mắc COVID-19 làm việc theo cách và tốc độ phù hợp với họ. Điều này có thể kéo dài một thời gian.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan y tế hoặc các phòng khám chuyên khoa tâm thần nếu cần.
Cảm nhận thực tế của bạn khi chăm sóc người thân bị COVID-19 như thế nào? Hãy chia sẻ cho mọi người về cảm nhận và kinh nghiệm của bạn bằng cách Bình luận bên dưới nhé.
Nguồn: Your COVID Recovery