Hàng năm, tôi nhận được khá nhiều cuộc gọi từ những người mới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và người thân của họ. Hầu hết đều rất lo lắng, hoảng loạn, không biết bắt đầu từ đâu và phải làm gì khi bị ung thư.
Nhiều người trong số đó là những người thành công, có địa vị xã hội. Tuy nhiên, khi đối mặt với chẩn đoán ung thư, kể cả những người thông minh nhất cũng không biết mình nên làm gì.
Điều này hết sức bình thường, khi bạn đang sợ hãi thì bạn không thể đưa ra được quyết định sáng suốt được.

Bạn hãy bình tĩnh. Hít thở sâu: 1 lần, 2 lần, 3 lần, 4 lần, 5 lần... trước khi đọc tiếp!
Đối mặt với chẩn đoán ung thư là cực kỳ khó khăn. Hoảng loạn, choáng ngợp, cuộc sống sụp đổ, hoàn toàn mất kiểm soát là cảm giác luôn gặp ở những người mới mắc ung thư, bao gồm cả người thân của họ.
Mục đích của chúng tôi khi viết bài này là để giúp những người mới mắc bệnh ung thư và người thân bớt lo lắng và phần nào lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống cho mình.
Vậy, nếu bạn hay người thân mới được chẩn đoán ung thư, hãy làm theo Kế hoạch hành động 12 bước dành cho người mới mắc ung thư dưới đây. Nó sẽ giúp bạn tự tin và vững vàng hơn để bắt đầu hành trình chiến đấu với căn bệnh quái ác này.

1) Đầu tiên, hãy cho mình thời gian để bình tĩnh trở lại
Khi mới nghe tin mình bị ung thư, bạn sẽ trong tâm trạng lo sợ, khẩn trương muốn làm điều gì đó ngay lập tức. Tuy nhiên, bạn cần một khoảng thời gian để bình tĩnh trở lại.
Bên cạnh đó, có một người thân đi cùng bạn để trao đổi với bác sĩ sẽ tốt hơn, họ có thể giúp bạn lắng nghe, đặt câu hỏi, ghi chép và trao đổi với bác sĩ giúp bạn.
Điều đầu tiên bạn cần làm ngay là: không hoảng loạn, để cho mình có một khoảng thời gian và tìm người hỗ trợ cho những lần sau.

2) Thu thập dữ liệu chính xác về chẩn đoán và giai đoạn bệnh của mình
Bác sĩ thường sẽ cung cấp thông tin cho bạn, nhưng có thể trong lúc đang choáng ngợp, bạn không để ý đến những thông tin này. Hãy đặt một số câu hỏi cụ thể và tốt nhất là ghi chép lại:
- Chẩn đoán chính xác của tôi là bệnh ung thư gì?
- Bệnh của tôi hiện tại đang ở giai đoạn nào?
- Tôi có gì cần biết thêm để quyết định lựa chọn phương án điều trị cho mình, ví dụ như các xét nghiệm về dấu ấn sinh học ung thư hay xét nghiệm gen nào không? Nếu có thì cụ thể nó là gì? (các phương pháp điều trị ung thư hiện đại như điều trị đích hay điều trị miễn dịch... sẽ cần đến một vài xét nghiệm cụ thể nào đó để lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất cho bạn)

3) Chuẩn bị sẵn các câu hỏi trước cuộc hẹn tái khám để trao đổi với bác sĩ
- Dành thời gian để nghĩ về những điều bạn muốn bác sĩ điều trị biết rõ hơn về cá nhân bạn và mục tiêu sức khỏe của bạn khi tìm hiểu về các phương án điều trị cho mình.
- Ghi tất cả những điều băn khoăn của bạn ra giấy và nhớ mang theo nó trong lần hẹn khám lại.

4) Lựa chọn phương án điều trị theo mục tiêu của bạn
Một số câu hỏi bạn có thể đặt ra với bác sĩ như sau:
- Hiện có bao nhiêu phương pháp điều trị cho bệnh của tôi? Nếu có thì các lựa chọn khác nhau như thế nào?
- Mục tiêu của việc điều trị bệnh này là gì? Bệnh ung thư của tôi có chữa khỏi được không? Ở giai đoạn này thì chúng ta nhắm đến những mục tiêu gì?

5) Hiểu về rủi ro và lợi ích của liệu pháp điều trị
- Các liệu pháp điều trị hiện tại có hiệu quả như thế nào đối với bệnh ung thư của tôi?
- Các tác dụng phụ của việc điều trị là gì và nó có thể được kiểm soát bằng cách nào?
- Tiến trình điều trị: Tổng thời gian điều trị là bao lâu, bao nhiêu đợt điều trị, khởi đầu và kết thúc tiến trình điều trị sẽ như thế nào?

6) Bao lâu thì phải nhập viện điều trị một đợt?
- Thời gian mỗi đợt tôi phải nằm viện bao nhiêu ngày?
- Bảo hiểm y tế sẽ chi trả bao nhiêu?
- Tự chi trả bao nhiêu?

7) Hỏi bác sĩ xem bạn có bao nhiêu thời gian để ra quyết định và bắt đầu điều trị
Khi mới được chẩn đoán ung thư, bạn sẽ rất khẩn trương muốn tìm cách để giải quyết ngay lập tức. Điều này không nên, trong hầu hết các trường hợp bạn vẫn có đủ thời gian để quyết định về điều trị của mình.
Nó cho phép bạn có thời gian để:
- Nghiên cứu thêm về bệnh của mình
- Tham khảo ý kiến của chuyên gia
- Thảo luận thêm về các lựa chọn điều trị cũng như các mục tiêu và mong muốn của bạn.

8) Hỏi ý kiến từ bác sỹ điều trị khác
Với những người có điều kiện và hiểu biết, thường là họ sẽ tham vấn ý kiến từ bác sĩ ung thư khác hoặc từ cơ sở điều trị khác để biết thêm về các lựa chọn điều trị và những tiến bộ mới trong điều trị bệnh ung thư.

9) Hỏi xem liệu có nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng nào phù hợp với bạn không
Ở Việt Nam, mặc dù số lượng thử nghiệm thuốc ung thư mới không nhiều và rộng rãi như tại nước ngoài nhưng vẫn có ở các cơ sở điều trị ung thư lớn như Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ rẫy...
Lợi ích chính của việc tham gia thử nghiệm lâm sàng là bạn có cơ hội tiếp cận với một liệu pháp điều trị ung thư mới (đang cần đánh giá về tính hiệu quả và an toàn) và được hỗ trợ rất nhiều các chi phí liên quan đến điều trị.
Đa phần các nghiên cứu tại Việt Nam là ở giai đoạn 3b, tức là trước đó nó đã được công nhận về tính an toàn và hiệu quả ở các cơ sở nghiên cứu nước ngoài. Mục tiêu của các hãng dược khi thực hiện nghiên cứu tại Việt Nam là ngay sau khi được cấp phép lưu hành thuốc thì họ cũng được phép lưu hành tại thị trường Việt Nam (theo qui định thì BYT chỉ cấp phép nhập cho các thuốc đã lưu hành tại thị trường nước ngoài trên 5 năm)
Mọi người thường không biết là mình có thể tham gia ngay từ khi mới được chẩn đoán ung thư. Bạn nên hỏi bác sĩ hoặc các cơ sở thử nghiệm lâm sàng của các bệnh viện lớn ngay từ sớm. Nếu đã bắt đầu điều trị, bạn có thể không đủ điều kiện để tham gia thử nghiệm lâm sàng nữa.
Mọi người thường nghĩ là mình bị đem ra làm chuột bạch khi tham gia thử nghiệm lâm sàng, sự thật không phải thế.
Một số hiểu lầm thường gặp về thử nghiệm lâm sàng Ung thư
Hiểu nhầm
Sự thật
Hiểu nhầm
Sự thật
Hiểu nhầm
Sự thật

10) Dành thời gian để tìm hiểu về Bảo hiểm y tế
Hầu hết chúng ta đều không biết, không quan tâm đến quyền lợi của mình khi tham gia Bảo hiểm y tế cho đến khi gặp một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ví dụ như ung thư.
Hãy hỏi kỹ về chi trả của Bảo hiểm y tế cho bệnh của bạn, các chương trình hỗ trợ, quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Một số loại thuốc có thể không được bảo hiểm chi trả hoặc chỉ được chi trả một phần. Các hãng thuốc cũng có thể có những chương trình hỗ trợ thuốc, xét nghiệm cho bệnh nhân.
Hãy hỏi kỹ bác sĩ điều trị vì có thể chính sách bảo hiểm và các chương trình ở mỗi cơ sở điều trị sẽ khác nhau.

11) Yêu cầu được khám và hỗ trợ về cảm xúc và tinh thần
Tiếp nhận chẩn đoán ung thư có thể gây ra nhiều vấn đề stress như: chán nản, lo lắng, sợ hãi, mất phương hướng...
Điều này là hết sức bình thường, bất cứ ai khi tiếp nhận một tin xấu đều ít nhiều sẽ có phản ứng như vậy. Vấn đề này hiếm khi được bác sĩ chuyên khoa ung thư nước ta quan tâm, nhưng bạn nên biết rằng mình có quyền được yêu cầu hỗ trợ về việc này.
Bác sĩ chuyên khoa tâm lý sẽ hỗ trợ được cho bạn theo nhiều vấn đề như: hướng dẫn cách thông báo với người thân (vợ chồng, con cái), giảm áp lực trong công việc, gánh nặng tài chính hay đơn giản là có người để nói chuyện về những căng thẳng của căn bệnh ung thư.

12) Đừng nghĩ về điều trị ung thư giống như trước, giờ đây ở Việt Nam chúng ta đã có nhiều tiến bộ khoa học và nhiều loại thuốc điều trị mới, đầy tiềm năng
Chúng tôi đã và đang làm những công việc để đem lại những liệu pháp tân tiến có hiệu quả cho bệnh nhân ung thư. Trong hơn chục năm qua, chuyên ngành sinh học phân tử ung thư của chúng ta đã có nhiều bước tiến bộ ngoạn mục.
Hiện đã có nhiều phương pháp mới hơn, tốt hơn để chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Hãy hỏi bác sĩ điều trị của bạn về liệu pháp điều trị đích, liệu pháp miễn dịch và các liệu pháp mới khác có thể phù hợp với bạn.
Hãy vững vàng để chiến đấu với căn bệnh ung thư.
Nếu cần thêm thông tin hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với chúng tôi tại đây.
Tham khảo: Cancer Support Community