Khám Hậu COVID – Khi nào bạn cần trợ giúp của cơ quan y tế?

Ths.BS. Nguyễn Tuấn Anh

06/05/2022

Bài viết này sẽ chỉ ra cho bạn những tình huống nào thì nên đi khám Hậu COVID, khám ở đâu và có thể nhận được gì sau khi khám.

Với những trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng - hãy gọi 115. Nếu được khuyên cần đến bệnh viện thì bạn nên đi ngay.

Sau khi bị COVID, phần lớn mọi người sẽ bình phục trong vòng vài ngày đến vài tuần. Với Hậu COVID thì các triệu chứng có thể không hết, kéo dài dai dẳng, đôi khi lại xuất hiện thêm những triệu chứng mới...

Các triệu chứng thường gặp: mệt mỏi, hụt hơi, mất ngủ…làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tác động trực tiếp đến công việc và các hoạt động sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Điều này làm cho chúng ta thấy rất lo ngại, muốn tìm nơi khám tốt và giải quyết vấn đề của mình ngay lập tức.

Những câu hỏi thường thấy là:

  • Khám Hậu COVID ở đâu tốt nhất?
  • Đi khám liệu có tìm ra bệnh không hay chỉ tốn tiền rồi nó cũng tự khỏi?
  • Triệu chứng kéo dài bao lâu thì nên đi khám Hậu COVID?
  • Các bệnh viện nơi bạn sống có biết cách điều trị Hậu COVID không?
  • Có chỗ nào khám ngoài giờ không?
  • Gói khám Hậu COVID-19 gồm có những gì?
  • Triệu chứng như thế nào thì nên đi khám?
  • ...

Thông tin chung

Một số người sẽ gặp vấn đề ngay trong hoặc sau khi bị COVID dẫn đến việc kéo dài thời gian hồi phục, ví dụ như có cục máu đông (huyết khối) ở phổi, đột quỵ hoặc đau tim...

Với những người cần nhập viện tại khoa điều trị tích cực, cần dùng máy móc để hỗ trợ hô hấp: thở oxy, máy thở... hay chúng ta quen gọi là ca COVID nặng thì thời gian hồi phục sẽ kéo dài hơn.

Tuy nhiên, một số trường hợp có các triệu chứng có thể tiếp tục sau bị COVID mặc dù họ không nhập viện.

Đa số mọi người sẽ hồi phục sau 12 tuần kể từ khi nhiễm bệnh, tuy nhiên một số người có thể kéo dài triệu chứng liên tục trong nhiều tháng.

Khi nào bạn cần đi khám hậu COVID?

Nhìn chung thì triệu chứng hậu COVID khác nhau cả về loại triệu chứng và mức độ, điều này tuỳ thuộc vào từng người.

Việc khám và điều trị Hậu COVID có thể bao gồm nhiều chuyên khoa khác nhau.

Với những người có triệu chứng nặng nề thì đương nhiên bạn phải đi khám ngay.

Tuy nhiên với những người bị triệu chứng nhẹ hơn hoặc vẫn còn đang băn khoăn, chúng tôi khuyên bạn nên đi khám nếu bạn thuộc 1 trong 2 trường hợp sau:

  1. Bạn thấy lo lắng về triệu chứng của mình ...hoặc...
  2. Sau hơn bốn tuần bị COVID, bạn thấy sức khoẻ của mình không cải thiện và không yên tâm với các triệu chứng mình đang có.

Đầu tiên, bạn nên liên hệ với bác sĩ quen (hoặc người đã từng điều trị cho bạn) hoặc cơ sở y tế tại địa phương. Họ có thể cung cấp cho bạn lời khuyên ban đầu, làm một số xét nghiệm để đánh giá, cung cấp cho bạn những biện pháp chăm sóc y tế cần thiết và sẽ hướng dẫn cho bạn các bước cần làm tiếp theo.

Khám Hậu COVID thì các bác sĩ sẽ làm gì?

Nếu bạn lo lắng về bất kỳ triệu chứng nào của mình, hãy liên hệ với y tế địa phương hoặc bác sĩ quen của bạn, họ sẽ tư vấn và hướng dẫn cho bạn về việc cần có cần thiết làm các xét nghiệm đánh giá hay chăm sóc y tế hay không.

Để chẩn đoán COVID kéo dài, các bác sĩ có thể hỏi tiền sử bệnh và đánh giá tất cả các triệu chứng COVID-19 từ khi bắt đầu nhiễm cho đến các triệu chứng hiện tại.

Họ có thể kiểm tra:

  • Huyết áp
  • Nhiệt độ cơ thể
  • Nhịp tim và nhịp thở
  • Phổi và chức năng hô hấp

Mặc dù không có xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán COVID kéo dài nhưng các bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng. Xét nghiệm sẽ khác nhau tùy thuộc vào các triệu chứng, có thể bao gồm như sau:

Xét nghiệm máu

  • Công thức máu toàn phần
  • Điện giải đồ
  • Chức năng thận
  • Chức năng gan
  • Troponin
  • Các yếu tố liên quan đến tình trạng viêm
  • Xét nghiệm đánh giá tổn thương cơ
  • D-dimer
  • Các xét nghiệm đánh giá chức năng tim mạch
  • Sắt

Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:

  • X-quang phổi
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Điện tâm đồ...

Tôi có thể nhận được gì ở cơ sở y tế địa phương?

Sau khi đánh giá, bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về những gì họ nghĩ đang xảy ra và thảo luận về cách xử lý tiếp theo nếu cần. Ví dụ: giới thiệu bạn đến một phòng khám chuyên về Hậu COVID hoặc chuyên khoa liên quan đến vấn đề cụ thể của bạn hoặc phục hồi chức năng...

Từ đầu cuối năm 2021 đến nay, các bệnh viện lớn tại Việt Nam đã có những phòng khám chuyên về Hậu COVID. Các phòng khám này tập hợp nhiều bác sĩ ở các chuyên khoa khác nhau như Hô hấp, Truyền nhiễm và Phục hồi chức năng... Mục đích là để đưa ra các đánh giá và giải pháp toàn diện hơn đối với các ảnh hưởng hậu COVID, cả về thể chất lẫn tinh thần. Hầu hết các vấn đề phổ biến sẽ được họ giải quyết, tuy nhiên nếu vấn đề của bạn thuộc chuyên khoa sâu thì bạn sẽ được họ giới thiệu đến để điều trị tiếp.

Nếu bạn có các triệu chứng sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như lo lắng hoặc chán nản, bạn có thể đi khám và đánh giá tại phòng khám chuyên khoa tâm thần. Các ảnh hưởng lên tâm thần của COVID gặp khá thường xuyên và bạn không nên coi thường nó.

Bên cạnh đó thì cũng có trường hợp triệu chứng của bạn không phải do COVID gây ra. Bạn sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm phù hợp hoặc giới thiệu đến chuyên khoa khác nếu cần.

Các triệu chứng mới

Đối với các triệu chứng mới nhẹ, hãy gọi y tế địa phương để được tư vấn tiếp.

Nếu tôi bị COVID nặng và có di chứng từ lúc điều trị ở bệnh viện thì thế nào?

Có một số bệnh lý thường gặp trong COVID cần phải được chăm sóc đặc biệt tại khoa Điều trị tích cực. Bên cạnh việc điều trị COVID, những bệnh lý này có thể cần chăm sóc đặc biệt và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa.

Các bệnh lý có thể bao gồm:

  • Tổn thương phổi.
  • Đau tim (nhồi máu cơ tim).
  • Suy tim.
  • Nhịp tim không đều.
  • Cục máu đông (Huyết khối).
  • Các vấn đề về thận.
  • Khó nuốt.
  • Tiếp tục cần sử dụng oxy.
  • Yếu tay hoặc chân.
  • Lo lắng, căng thẳng hoặc rối loạn tâm lý sau chấn thương.

Vậy có phải chúng ta đều bị ảnh hưởng Hậu COVID-19 giống nhau?

Di chứng hậu COVID có thể rất khác nhau tuỳ thuộc vào từng cá thể.

Một số người bị nhiễm COVID nhưng không có hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Đa số sẽ có các triệu chứng kéo dài trong thời gian ngắn (ví dụ như: ho, mệt mỏi, thay đổi khứu giác, đau nhức cơ...), sau đó cơ thể sẽ hồi phục dần trong vòng vài ngày đến 4 tuần.

Mỗi người sẽ hồi phục với những diễn biến triệu chứng khác nhau, thời gian kéo dài khác nhau và cần được chăm sóc y tế khác nhau.

Tóm lại thì tôi có thể đi khám ở đâu?

  • Lời khuyên đầu tiên cho bạn vẫn là bất cứ cơ sở y tế nào dễ tiếp cận nhất. Mặc dù ở các cơ sở y tế tại địa phương không có phòng khám chuyên khoa để giải quyết các vấn đề Hậu COVID nhưng họ vẫn có thể cho bạn những lời khuyên tốt và sẽ giới thiệu bạn tiếp tục đến khám ở các phòng khám chuyên khoa khác nếu cần.
  • Nếu tại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu không giải quyết được tình trạng bệnh hoặc bạn không tin tưởng thì bạn có thể đến các cơ sở y tế có phòng khám chuyên khoa Hậu COVID. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương đều đã thành lập phòng khám loại này. Bạn hãy chọn bệnh viện nào thuận tiện nhất để đi khám.
  • Hầu hết các bệnh viện đều phục vụ ngoài giờ, bạn có thể liên hệ trước để chọn thời gian phù hợp cho mình.
  • Một số bệnh viện tư lớn cũng thực hiện các gói khám Hậu COVID. Tuy nhanh, tiện nhưng chi phí có thể khá tốn kém.

COVID là một căn bệnh mới và y học đang cố gắng hết sức để đối phó với nó. Nếu bạn chưa hài lòng với cách giải quyết của đội ngũ chuyên gia y tế tại Việt Nam, xin bạn hãy thông cảm, thực tế là chúng ta chưa thể giải quyết được tất cả những hệ luỵ của bệnh COVID ngay lúc này.

Nếu bạn cần hỗ trợ hoặc có câu hỏi về Hậu COVID, xin hãy liên hệ với chúng tôi tại đây hoặc để lại bình luận bên dưới.

Chia sẻ bài viết
{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Đọc tiếp:

Phác đồ điều trị COVID nào là tốt nhất?

>