1. Hậu COVID là gì?
Hậu COVID hay COVID kéo dài (Long COVID) là trạng thái mà sau khi mắc COVID-19 một số người vẫn tiếp tục gặp các triệu chứng và không hồi phục hoàn toàn trong vài tuần hoặc vài tháng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giải thích rằng một số người có thể bị ảnh hưởng lâu dài của COVID-19, cho dù lúc mắc bệnh họ có cần nhập viện hay không. Những tác động lâu dài này có thể bao gồm mệt mỏi, các triệu chứng hô hấp và các triệu chứng thần kinh.
Các thuật ngữ khác cho hậu COVID bao gồm COVID sau (post-COVID) , COVID cấp sau (post-acute COVID), COVID đuôi dài (long-tail COVID) và COVID đường dài (long-haul COVID).
Một số nghiên cứu cho thấy những người bị COVID-19 nhẹ thường hồi phục trong vòng 1-2 tuần kể từ khi nhiễm SARS-CoV-2 ban đầu.
Đối với các trường hợp COVID nặng, quá trình hồi phục có thể mất 6 tuần hoặc lâu hơn.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu có thể định nghĩa:
- COVID-19 sau cấp tính là các triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần kể từ khi khởi phát.
- COVID-19 mạn tính là các triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần kể từ khi khởi phát.
- Một số nhà nghiên cứu khác gọi COVID kéo dài là các triệu chứng COVID-19 kéo dài hơn 2 tháng
2. Tỷ lệ mắc Hậu COVID có nhiều không?
Mặc dù vẫn chưa rõ có bao nhiêu người đã trải qua COVID kéo dài, nhưng dữ liệu từ một số nghiên cứu cho thấy cứ 10 người mắc bệnh thì có 1 người trải qua các triệu chứng trong 3 tuần hoặc lâu hơn.
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh cũng cho kết quả tương tự, với khoảng 1/10 người được hỏi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 có các triệu chứng kéo dài trong khoảng thời gian 12 tuần hoặc lâu hơn. Điều này có nghĩa là trên toàn thế giới, có thể có hơn 50 triệu ca mắc Hậu COVID.
Ước tính theo con số này, tính đến tháng 4/2022, Việt Nam chúng ta có thể có đến 1 triệu người bị ảnh hưởng bởi Hậu COVID.
Cũng xin lưu ý rằng những người có biểu hiện nhiều hơn năm triệu chứng trong tuần đầu tiên của bệnh thì cũng có nhiều khả năng bị COVID kéo dài.
Một số bằng chứng cũng cho thấy rằng nhiều người bị COVID kéo dài là nhân viên y tế.
3. Các triệu chứng của Hậu COVID là gì?
Các triệu chứng mà mọi người thường gặp nhất là:
Mọi người cũng có thể gặp:
- Sương mù não: cảm thấy khó khăn hơn để suy nghĩ một cách mạch lạc, rõ ràng và khó tập trung
- Trầm cảm
- Đau cơ
- Đau đầu
- Sốt, có thể đến và biến mất.
- Tim đập nhanh hoặc cảm giác tim đập mạnh
Mọi người cũng có thể phát triển các biến chứng lâu dài ảnh hưởng đến các cơ quan. Những biến chứng này ít phổ biến hơn nhưng có thể bao gồm:
- Viêm cơ tim
- Chức năng phổi bất thường
- Tổn thương thận
- Phát ban
- Rụng tóc
- Rối loạn về vị giác, khứu giác
- Rối loạn giấc ngủ: khó vào giấc, ngủ chập chờn, dậy sớm và không ngủ lại được, ngủ đủ thời gian nhưng vẫn cảm thấy uể oải.
- Suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung
- Lo âu
- Thay đổi tâm trạng
- ...
4. Nguyên nhân gây ra Hậu COVID là gì?
Một số nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng Hậu COVID có thể là:
- Giảm hoặc thiếu đáp ứng từ hệ thống miễn dịch
- Tái phát hoặc tái nhiễm virus
- Viêm hoặc phản ứng từ hệ thống miễn dịch
- Suy giảm chất lượng sống: do sự thay đổi chức năng thể chất do nằm phải nằm trên giường bệnh hoặc không hoạt động
- Căng thẳng sau chấn thương
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các vấn đề liên quan đến COVID-19 kéo dài có thể là kết quả của sự tổn thương nhiều cơ quan, bao gồm phổi, tim và não.
COVID-19 cũng có thể gây ra các thay đổi lâu dài đối với hệ thống miễn dịch, có thể ảnh hưởng đến các cơ quan này. Những thay đổi này, đặc biệt ở phổi, có thể kéo dài hơn thời gian cơ thể loại bỏ virus.
Hơn nữa, nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ ghi nhận khả năng các triệu chứng mà mọi người mô tả có thể là do một số hội chứng khác nhau. Chúng có thể bao gồm:
- Hội chứng sau chăm sóc đặc biệt tại khoa điều trị tích cực
- Hội chứng mệt mỏi sau nhiễm virus
- Hội chứng COVID-19 kéo dài.
Một số người có thể gặp phải nhiều hội chứng cùng một lúc.
5. Đi khám Hậu COVID thì các bác sĩ có thể làm gì?
Nếu bạn đang mắc các triệu chứng COVID kéo dài, có thể bạn đã nhận được chẩn đoán COVID-19 từ trước nếu có làm các xét nghiệm.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 có thể không cần thiết.
Để chẩn đoán COVID kéo dài, các bác sĩ có thể hỏi tiền sử bệnh và đánh giá tất cả các triệu chứng COVID-19 từ khi bắt đầu nhiễm cho đến các triệu chứng hiện tại.
Họ có thể kiểm tra:
- Huyết áp
- Nhiệt độ cơ thể
- Nhịp tim và nhịp thở
- Phổi và chức năng thở
Mặc dù không có xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán COVID kéo dài nhưng các bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng. Xét nghiệm sẽ khác nhau tùy thuộc vào các triệu chứng, có thể bao gồm như sau:
Xét nghiệm máu
- Công thức máu toàn phần
- Điện giải đồ
- Chức năng thận
- Chức năng gan
- Troponin
- Các yếu tố liên quan đến tình trạng viêm
- Tổn thương cơ
- D-dimer
- Các xét nghiệm đánh giá chức năng tim mạch
- Sắt
Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:
- X-quang phổi
- Xét nghiệm nước tiểu
- Điện tâm đồ...
6. Khắc phục di chứng Hậu COVID bằng cách nào?
Các biện pháp khắc phục triệu chứng COVID kéo dài tại nhà có thể bao gồm:
- Dùng thuốc giảm đau (ví dụ như acetaminophen) để giảm các triệu chứng đau hoặc sốt
- Nghỉ ngơi và thư giãn
- Thiết lập các mục tiêu có thể đạt được để thực hiện
Việc chăm sóc sức khỏe chung cũng rất quan trọng. Điều này có thể liên quan đến:
- Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh
- Có giấc ngủ chất lượng
- Hạn chế uống rượu
- Hạn chế lượng caffeine
- Không hút thuốc
Tuy nhiên, vì các triệu chứng của COVID kéo dài có thể dao động và khác nhau, mỗi người có thể cần các kế hoạch phục hồi chức năng khác nhau.
Không có một mô hình tiếp cận nào là phù hợp với tất cả mọi người.
Những kế hoạch này có thể liên quan đến việc thay đổi nhiều hoặc lâu dài về lối sống.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng bác sĩ nên lắng nghe bệnh nhân, ghi nhận lại các triệu chứng của họ, hiểu cách cuộc sống họ đang thay đổi, chú ý các triệu chứng mới và cung cấp dịch vụ chăm sóc thích hợp.
Bạn có thể thảo luận về kế hoạch điều trị với bác sĩ của mình. Thực hiện các hành động để tự chăm sóc sức khỏe và tinh thần của bạn, ví dụ như: ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi nhiều và tập thể dục nhẹ nhàng... để có thể giúp ích cho việc kiểm soát các triệu chứng COVID kéo dài.
7. Trẻ em có bị di chứng Hậu COVID-19 không?
Không chỉ các cháu bị COVID nhẹ, ngay cả những trường hợp không có triệu chứng với COVID-19 cũng có thể bị Hậu COVID hay (còn gọi là COVID kéo dài).
Tỷ lệ trẻ em bị COVID kéo dài thấp hơn so với người lớn.
Vaccine được chứng minh là có thể ngăn ngừa COVID kéo dài. Các chuyên gia y tế khuyến khích các cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng nếu đủ điều kiện.
Cách bảo vệ tốt nhất tiếp theo cho trẻ là đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
8. Nguy cơ bị Hậu COVID sẽ như thế nào nếu tôi đã tiêm vaccine?
Nguy cơ bị các triệu chứng Hậu COVID-19 có thể sẽ ít hơn nếu bạn đã tiêm Vaccine.
Nhiễm đột phá (mắc bệnh ở những người đã tiêm vaccine) ở những người được tiêm chủng đủ chỉ xảy ra ở một tỷ lệ nhỏ, hơn nữa là kể cả khi bị nhiễm những người được tiêm chủng đủ thường là mắc bệnh nhẹ hơn so với người không tiêm.
9. Tại sao chúng ta lại mắc các triệu chứng Hậu COVID?
Khoa học hiện nay chưa rõ về điều này.
Đa số người có các triệu chứng Hậu COVID đều cho kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.
Chúng ta không có phương pháp cụ thể nào để kiểm tra người bị các triệu chứng kéo dài sau mắc COVID-19.
Nó cũng không có gì khác biệt ở những người mắc các biến thể khác nhau như Omicron hay Delta.
Một giả thuyết phổ biến về những bệnh nhân Hậu COVID là virus có thể vẫn còn trong cơ thể họ. Một giả thuyết khác là hệ thống miễn dịch vẫn tiếp tục có những phản ứng quá mức ngay cả khi tình trạng nhiễm trùng đã hết.