Hậu COVID bị khó thở: Làm gì để hồi phục nhanh?

Ths.BS. Nguyễn Tuấn Anh

10/05/2022

Chúng ta biết là COVID-19 có thể gây khó thở. Người mắc COVID-19 có thể thấy khó thở cả trong giai đoạn cấp tính và trong khi đang hồi phục. Có nhiều lý do dẫn đến khó thở nhưng nó thường làm cho chúng ta thấy sợ hãi, lo lắng, thậm chí là hoảng loạn và làm hạn chế các hoạt động thường ngày. Bài viết này sẽ chỉ cho bạn cách nhận biết, đánh giá mức độ khó thở và các biện pháp khắc phục.

Khó thở hậu COVID-19 biểu hiện thế nào trong sinh hoạt hàng ngày?

  • Khó thở khi đi lên và xuống cầu thang.
  • Khó khăn khi đi bộ và tiếp tục phải dừng lại để lấy lại hơi thở.
  • Hít thở trở nên khó khăn và vai cử động lên xuống khi thở.
  • Thấy căng thẳng và cần vịn vào thứ gì đó để giúp bớt khó thở hơn.
  • Tức ngực.

Mô tả của các bạn bị di chứng này thường là:

Em là F0 khỏi bệnh đã hai tháng nhưng làm nặng 1 tý là lại khó thở giống như lúc bệnh vậy
Sau khi nhiễm covid một tháng em hay bị hụt hơi, khó thở, với lại rất dễ mệt
Hậu COVID thật đáng sợ, có ai mà về đêm bị khó thở như em không? Kiểu như là có đờm hay thứ gì đó chẹt vào cổ họng không thể thở nổi.
Em người lúc nào cũng mệt mệt, đi lại nhiều thì hay hụt hơi.
Trước em chạy vù vù ko sao. Giờ đi bộ 1 chút là thở hì hục cả nhà ạ
Mình khỏi COVID-19 rồi, trước không sao mà giờ lại bị khó thở nhiều, hụt hơi, ngủ được 1-2 phút lại có cơn khó thở, phải thở gấp thấy mệt mỏi quá.

Nguyên nhân gây ra khó thở hậu COVID

Trong  giai đoạn cấp tính của COVID-19, sự kết hợp phức tạp của các yếu tố có thể dẫn đến khó thở:

  • Phổi xơ, có dịch hoặc tiết dịch làm tăng nhịp thở
  • Trình trạng ít/không vận động gây yếu cơ và suy giảm chức năng hô hấp
  • Thiếu oxy hoặc tăng CO2
  • Lo lắng vì COVID-19, đặc biệt là trong môi trường điều trị tại đơn vị Điều trị tích cực.

giai đoạn phục hồi, khó thở có thể do:

  • Tình trạng ít/không vận động gây yếu cơ và suy giảm chức năng hô hấp
  • Giảm oxy xảy ra khi gắng sức
  • Xơ phổi
  • Lo âu
  • Rối loạn kiểu thở do tăng thông khí thời gian dài

Khó thở hậu COVID gây ảnh hưởng gì?

1. Tạo vòng xoáy tiếp tục gây khó thở

Ngoài những ảnh hưởng về tâm lý và thể chất trực tiếp do khó thở, triệu chứng này có thể khiến bạn mắc kẹt trong một vòng xoáy luẩn quẩn như sau:

Hậu COVID bị khó thở: Làm gì để hồi phục nhanh?

2. Ảnh hưởng đến dinh dưỡng

Bên cạnh đó, khó thở còn có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống của bạn.

Bình thường trong lúc nuốt chúng ta phải nín thở, điều này có thể gây triệu chứng khó thở khi ăn uống. Bạn nên uống từng ngụm nhỏ và với tốc độ chậm. Những người từng điều trị COVID-19 tại bệnh viện, đặc biệt là đã đặt nội khí quản có  nguy cơ mắc phải vấn đề này nhiều hơn.

Khó thở có thể dẫn đến việc ăn ít hơn, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng, tụt cân, teo cơ.

Bạn nên biết là trong giai đoạn hồi phục sau COVID-19, dinh dưỡng rất có giá trị giúp cho cơ thể phục hồi.

Cách đánh giá mức độ khó thở hậu COVID-19

Lý do bạn cần đánh giá mức độ khó thở

  • Để tự điều chỉnh nhịp độ khi vận động, làm việc hay tập thể dục.
  • Để thiết lập ngưỡng tập thể dục an toàn và hiệu quả.
  • Để theo dõi tiến triển khó thở trong quá trình phục hồi.
  • Để tự nhận thức về mức độ khó thở.

Các biện pháp đánh giá khó thở

Có nhiều cách khác nhau để đo mức độ khó thở của một người, bao gồm một loạt các thang đánh giá và kiểm tra bằng vận động. Nó dùng để đánh giá định kỳ hoặc dùng để theo dõi tiến triển của triệu chứng.

Các thang này đánh giá dựa trên cảm nhận chủ quan của từng người. Bạn chỉ cần chọn một cách đơn giản nhất và phù hợp với mình để tự theo dõi.

Đa số mọi người thấy thang đánh giá bằng số (NRS) và thang đánh giá mMRS dễ sử dụng nhất.

Khó thở là một triệu chứng chủ quan (giống như đau), nó có thể bị ảnh hưởng bởi nhận thức hoặc tâm trạng của bạn. Có nhiều công cụ để đánh giá mức độ khó thở: Thang điểm đánh giá trực quan (VAS), Thang điểm đánh giá bằng số (NRS), thang điểm Borg, thang điểm mMRC hoặc Bảng câu hỏi về bệnh hô hấp mãn tính (CRQ)...

Thang đánh giá trực quan và bằng số

Thang đánh giá trực quan (VAS - Visual analogue scale): Bạn chọn một điểm trên đường kẻ ngang để tự đánh giá. VAS đặc biệt thích hợp để đánh giá xu hướng khó thở theo thời gian trên cùng một người.

Với thang đo bằng số (NRS - Numerical rating scale): Bạn chọn một số trên đường kẻ ngang để tự đánh giá. NRS cho phép đánh giá mức độ khó thở từ 0 đến 10, với 0 là không có khó thở và 10 là khó thở nặng nhất có thể. NRS có thể là dễ sử dụng hơn cho mọi người.

Hậu COVID bị khó thở: Làm gì để hồi phục nhanh?

Thang đánh giá mMRC

Thang điểm này đánh giá tình trạng khó thở theo năm mức liên quan đến hoạt động thể chất: từ không có (Mức độ 1) đến gần như mất khả năng hoàn toàn (Mức độ 5).

Bạn chọn mô tả mô tả đúng nhất về tình trạng của mình và ghi lại điểm tương ứng.

Điểm

Mức độ khó thở liên quan đến các hoạt động

1

Không bị khó thở trừ khi tập thể dục gắng sức

2

Khó thở khi đi nhanh hoặc đi lên dốc

3

Đi bộ chậm hơn người cùng độ tuổi vì khó thở

4

Dừng lại để thở sau khi đi bộ khoảng 100 mét hoặc sau vài phút trên đường bằng

5

Khó thở đến mức không thể ra khỏi nhà hoặc khó thở khi thay quần áo

Thang đánh giá Borg

Thang đánh giá Borg có 2 loại: một loại dùng để đánh giá khó thở, một loại để đánh giá gắng sức.

Thang đo mức độ khó thở Borg

Thang này cho phép bạn tự đánh giá tình trạng khó thở của mình tại những thời điểm cụ thể, khi nghỉ ngơi, vận động hay tập thể dục theo thang điểm từ 0-10.

Để sử dụng thang đo mức độ khó thở Borg, bạn dùng cảm nhận chủ quan của mình khi vận động và chọn mô tả mô tả chính xác nhất tình trạng khó thở của bạn tại thời điểm đó.

Sử dụng con số tương ứng để ghi lại mức độ khó thở của bạn trong hoạt động cụ thể.

Thang này tương tự như thang đánh giá bằng số (NRS) nhưng dùng các từ mô tả như: ít, vừa , nhiều, rất nhiều...

Điểm

Mức độ khó thở

0

Không khó thở

0,5

Rất, rất nhẹ

1

Rất nhẹ (có thể đi chậm một cách dễ dàng)

2

Nhẹ

3

Vừa

4

Hơi nặng (cảm thấy hơi khó thở nhưng vẫn có thể tiếp tục)

5

Nặng (khó thở)

6

7

Rất nặng (cảm thấy rất khó thở)

8

9

Rất, rất nặng

10

Mức tối đa (khó thở quá mức, không thể tiếp tục hoạt động)

Thang đo gắng sức Borg

Thang này đánh giá bằng số nằm trong khoảng từ 6 đến 20, trong đó 6 có nghĩa là 'không gắng sức chút nào' và 20 có nghĩa là 'gắng sức tối đa'.

Các số này khi nhân với 10 dùng để ước lượng nhịp tim.

Cảm nhận gắng sức dựa trên tăng nhịp tim, tăng tiết mồ hôi và mỏi cơ.

Đánh giá ở đây dựa trên cảm giác chung chứ không phải tập trung vào một chỉ số cụ thể.

Điểm

Mức độ gắng sức

6

Không gắng sức: không vận động hoặc đang nghỉ ngơi

7,5

Gắng sức rất nhẹ: nhịp tim tăng nhẹ

9

Gắng sức rất nhẹ: đi bộ chậm

11

Gắng sức nhẹ: cần nhiều năng lượng hơn để tiếp tục vận động

13

Hơi gắng sức: vận động trở nên khó khăn hơn nhưng vẫn kiểm soát được

15

Gắng sức nhiều: vận động trở nên khó khăn hơn nhiều

17

Gắng sức rất nhiều: có thể duy trì cường độ vận động nếu ép buộc bản thân, cảm thấy rất mệt

20

Gắng sức tối đa: kiệt sức hoàn toàn

Các nghiệm pháp đánh giá khác

Ngoài những biện pháp trên thì các bác sĩ có thể dùng các thang đánh giá gắng sức như: nghiệm pháp đi bộ 6 phút, nghiệm pháp đi bộ con thoi, Bảng câu hỏi về bệnh hô hấp mãn tính (CRQ)... Tuy nhiên, các đánh giá này cần có sự tham gia của nhân viên y tế nên chúng ta không cần đi vào chi tiết ở đây.

Làm gì để bớt khó thở khi làm việc và nghỉ ngơi?

Một số mẹo bạn có thể áp dụng để giúp kiểm soát tình trạng khó thở bao gồm:

  • Kiểm soát nhịp độ và lập kế hoạch cho các hoạt động của bạn, tránh các hoạt động nặng, tốc độ nhanh hoặc kéo dài. Cố gắng tiết kiệm năng lượng và cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi. Lên kế hoạch trước và chọn thời gian phù hợp nhất trong ngày để thực hiện một số hoạt động nhất định, cân nhắc về những việc thực sự cần thiết phải làm.
  • Bạn có thể chia các việc lớn thành các việc nhỏ hơn cho dễ thực hiện: chia thành các thời gian làm việc rải rác trong ngày/tuần và xen kẽ các việc nhẹ với việc nặng.
  • Nghỉ ngơi trước, trong và sau khi hoàn thành công việc. Các khoảng nghỉ ngơi ngắn thường xuyên sẽ tốt hơn những khoảng nghỉ dài hơn với tần suất ít. Thực hành việc nghỉ ngơi trước khi bạn trở nên mệt mỏi/kiệt sức rất hiệu quả trong việc tiết kiệm năng lượng.
Tham khảo thêm: Bảo tồn năng lượng trong mệt mỏi Hậu COVID
  • Đừng đánh giá quá cao những gì bạn có thể thực hiện. Đầu tiên, hãy thử các bài tập thể dục nhẹ, ngắn và tăng từ từ.
  • Đừng ngừng làm những việc làm bạn cảm thấy khó thở. Điều này có thể làm khó thở trở nên tồi tệ hơn vì ít vận động sẽ dẫn đến tình trạng yếu cơ.
  • Nếu bạn đang sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đi bộ (ví dụ như gậy hoặc khung hỗ trợ), hãy nghiêng người về phía trước khi bạn cảm thấy khó thở. Việc này giúp giảm tải cho phần trên cơ thể và giúp phục hồi hơi thở về bình thường nhanh hơn.
  • Dùng khăn ướt làm mát khuôn mặt, đặc biệt là xung quanh mũi, thường có thể giúp giảm cảm giác khó thở.
  • Đừng quá gượng ép bản thân, sẽ có một số ngày tốt hơn hoặc tệ hơn những ngày khác. Không phải lúc nào bạn cũng có tiến triển đều đều. Cứ từ từ rồi mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Các kỹ thuật giúp kiểm soát triệu chứng khó thở

Có nhiều biện pháp có thể giúp bạn kiểm soát khó thở, bao gồm:

  • Tư thế
  • Kỹ thuật thở: mũi, cơ hoành, hình chữ nhật, theo bàn tay...
  • Vận động
  • Thư giãn
Tham khảo bài viết về Tập thở cho bệnh nhân COVID.

TÓM LẠI

  • Khó thở là triệu chứng gây ra do sự kết hợp của phổi bị tổn thương và yếu tố tâm lý.
  • Sức khỏe của bạn có thể bị kẹt trong một vòng luẩn quẩn tiếp tục gây khó thở, có thể làm giảm khả năng hoặc ham muốn hoạt động, dẫn đến mất tự tin và thể lực.
  • Khi đánh giá khó thở, bạn nên tập trung vào trải nghiệm của chính mình.
  • Các thang đo như thang  VAS, NRS, mMRC và Borg có thể được sử dụng để điều chỉnh nhịp độ khi vận động hoặc tập thể dục.
  • Vận động có thể giúp phá vỡ vòng xoáy gây ra bởi khó thở và ít vận động.
  • Một số tư thế, kỹ thuật thở và thư giãn có thể giúp ích trong việc bảo tồn năng lượng, tăng cường sức khỏe và kiểm soát triệu chứng khó thở Hậu COVID.

Bây giờ, đến lượt bạn!

Thử áp dụng một vài thứ ở trên và chia sẻ cảm nhận của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé.

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho những người khác.

Chia sẻ bài viết
{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Đọc tiếp:

Vượt qua nỗi đau mất mát người thân do COVID

>