Hậu COVID bị ho gặp ở rất nhiều người. Thường là mọi người bị ho khan và nó đỡ dần sau một khoảng thời gian ngắn, một số khác có thể ho do đờm. Nếu ho nhiều thì sẽ rất mệt mỏi và khó chịu. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu một số biện pháp có thể giúp bạn làm sạch phổi và kiểm soát triệu chứng ho sau COVID-19.
Tại sao hết COVID nhưng vẫn ho?
- Ho là một phản xạ để làm sạch các dị vật khỏi phổi và phế quản, thường là do có đờm hoặc có thể do kích ứng.
- Ho khan hậu COVID-19 thường là không có nguyên nhân rõ ràng. Ho có đờm có thể là do nguyên nhân viêm nhiễm từ lúc bị COVID hoặc do bội nhiễm sau này.
- Ho nhiều thì sẽ gây kích ứng và gây viêm, điều này lại làm cho triệu chứng ho trở nên nặng hơn.
- Ho nhiều có thể làm cho bạn phải thở bằng miệng. Khi thở bằng miệng thì không khí đi vào không được làm ấm và làm ẩm ở khoang mũi, sẽ bị khô. Không khí khô vào phổi sẽ làm ảnh hưởng đến niêm mạc đường hô hấp và lại tiếp tục gây ho.
Cách kiểm soát cơn ho
Nguyên tắc ở đây là thở qua đường mũi, sử dụng cơ hoành (bụng) và chậm.
- Thở bụng là động tác thở sử dụng cơ hoành là chủ yếu (bụng sẽ lên xuống khi bạn hít vào và thở ra).
- Thở bằng mũi để không khí được làm ấm và ẩm.
- Thở chậm, nhẹ nhàng.
Bạn nên tập thường xuyên để nó trở thành thói quen. Tốt hơn nữa thì bạn nên kết hợp với các hình thức vận động nhẹ nhàng nếu có thể.
Một số biện pháp khác cũng giúp giảm ho như:
- Cố gắng ngậm miệng và nuốt.
- Nhẹ nhàng hít thở bằng mũi cho đến khi cơn ho biến mất.
- Uống nước thường xuyên từng ngụm nhỏ (nóng hoặc lạnh).
- Ngậm kẹo.
Kết hợp các biện pháp trên sẽ giúp giảm ho hiệu quả hơn, bạn có thể chọn cách nào phù hợp nhất với mình.
Nếu ho có đờm
Đờm là một phần của cơ chế bảo vệ bình thường của cơ thể, nó được tạo ra để tống ra ngoài, đây là cách làm thông thoáng phổi và đường thở.
Sau khi nhiễm COVID, có thể do viêm phổi nên bạn vẫn có đờm, hơi thở có thể nặng nề hơn bình thường và có thể kèm theo khó thở.
Lúc này, điều cần thiết nhất là tống khứ các chất dịch ở phổi và đường thở ra ngoài, nó sẽ giúp bạn giảm nguy cơ nhiễm trùng tái phát. Đường thở thông thoáng thì bạn sẽ bớt ho, dễ chịu hơn khi vận động.
Bài tập làm sạch đờm
Đầu tiên, bạn cần lưu ý là đừng quá gượng ép tống hết đờm ra và dành thời gian để nghỉ ngơi trong và sau khi tập.
Một chu kỳ bài tập làm sạch phổi như sau:
Bước 1
Ngồi thẳng lưng và thả lỏng cơ thể.
Bước 2
Hít vào từ từ, sâu bằng mũi và nín thở (đếm đến 3 nếu bạn có thể), sau đó nhẹ nhàng thở ra bằng miệng. Lặp lại 3-4 lần.
Bước 3
Thở nhẹ nhàng, thả lỏng cơ thể trong 20-30 giây.
Bước 4
Lặp lại bước 2 và bước 3 đến 3 lần.
Bước 5
Thở ra mạnh 2-3 lần: Hít sâu từ từ vào bằng mũi, sau đó thở nhanh không khí ra bằng miệng, giữ cho cổ họng mở (giống như động tác hà hơi trước gương hay hà hơi để lau kính).
Bạn có thể lặp lại 3-4 chu kỳ như vậy cho đến khi bạn cảm thấy sạch đờm.
Lưu ý:
- Trong khi tập, có thể bị chóng mặt, nếu tình trạng này tiếp diễn thì nên dừng lại.
- Nên làm chậm để kiểm soát nhịp thở.
- Động tác thở ra mạnh phải ngắn, nếu thở ra quá lâu sẽ mệt.
- Thực hiện bài tập này nhiều lần trong ngày nếu cần.
Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng có thể được áp dụng để làm sạch phổi như:
- Tư thế: cố gắng và giữ càng thẳng càng tốt. Nếu phổi có dịch và bạn được các bác sĩ hướng dẫn làm các biện pháp dẫn lưu tư thế, hãy làm theo hướng dẫn.
- Dùng thuốc kháng sinh và/hoặc thuốc chống viêm theo chỉ định.
- Dùng thuốc giãn phế quản nếu bạn được chỉ định.
- Uống đủ nước.
- Xông hơi.
- Tập thể dục và duy trì vận động
Lưu ý: Tập thể dục không được khuyến cáo trong trường hợp có kèm theo di chứng mệt mỏi hoặc khó thở.
Nếu tình trạng ho vẫn tiếp diễn kéo dài và áp dụng các biện pháp không đỡ, bạn nên đi khám và hỏi ý kiến của chuyên gia y tế.