COVID-19 kéo dài (Long COVID) hay thường quen gọi là Hậu COVID là trạng thái mà sau khi mắc COVID-19 một số người vẫn tiếp tục gặp các triệu chứng và không hồi phục hoàn toàn trong vài tuần hoặc vài tháng. Những tác động lâu dài này có thể bao gồm mệt mỏi, khó thở... và các triệu chứng thần kinh.
Trong đó, đau đầu Hậu COVID là một trong những triệu chứng thường gặp nhất. Nó có thể rất khó chịu và kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng sau khi mắc COVID-19.
1. Biểu hiện của đau đầu Hậu COVID
Đau đầu xảy ra do virus hay các bệnh nhiễm trùng không mới, nhưng tình trạng này được thấy nhiều hơn, với cường độ đau mạnh hơn ở một số người sau khi mắc COVID-19. Nó có thể kéo dài hàng tháng, kể cả với những người chỉ bị COVID-19 nhẹ.
Nếu trước kia bạn từng bị đau nửa đầu hay các loại đau đầu khác thì tình trạng này có thể nặng nề và kéo dài hơn sau khi mắc COVID-19.
Biểu hiện của đau đầu Hậu COVID có thể bao gồm:
- Cảm giác đau đầu lan tỏa khắp cổ, da đầu và trán. Một số khác bị đau sau gáy, vùng trán hoặc mắt.
- Cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói từng cơn.
- Đau đầu có thể trở nên tồi tệ hơn khi căng thẳng, mệt mỏi hoặc mất nước. Có thể một số cử động đầu, cổ hay thay đổi tư thế làm cơn đau nặng hơn.
- Đau đầu do Hậu COVID có thể xảy ra thường xuyên hơn ở những bệnh nhân có tiền sử đau đầu.
Ngoài ra, đau nửa đầu cũng là một loại đau đầu rất phổ biến và gây ra những cơn đau rất khó chịu.
- Nó có thể đi kèm với các triệu chứng khác như nhạy cảm với ánh sáng, chán ăn và thậm chí có thể buồn nôn hoặc nôn.
- Nhiễm virus có thể làm cho chứng đau nửa đầu tệ hơn: các cơn đau có thể thường xuyên hơn hoặc kéo dài hơn bình thường.
- Người bị đau nửa đầu cũng có nhiều khả năng bị đau đầu sau khi nhiễm virus.
2. Nguyên nhân gây đau đầu Hậu COVID
Đau đầu là một triệu chứng cực kỳ phổ biến. Nó có thể không liên quan đến COVID-19. Theo thống kê, cứ 4 người trưởng thành trên thế giới thì có 3 người sẽ phải đối mặt với chứng đau đầu vào một thời điểm nào đó trong năm nay.
Nó có thể do dị ứng… hoặc căng thẳng… hoặc thời tiết… hoặc thậm chí là một số loại thực phẩm và đồ uống.
Mặc dù được gọi chung một triệu chứng, các loại đau đầu khác nhau về cường độ, vị trí, tần suất và nguyên nhân. Y học hiện nay đã xác định hơn 150 loại đau đầu khác nhau.
Người mắc Hậu COVID có thể bị đau đầu do nhiều loại khác nhau, thậm chí có thể gặp nhiều loại đau đầu cùng một lúc.
Hiện chúng ta không rõ tại sao có người mắc Hậu COVID bị đau đầu kéo dài trong khi người khác lại không bị. Có một số giả thuyết về đau đầu Hậu COVID được đặt ra như: do bão cytokine gây viêm, các vấn đề về mạch máu thần kinh , rối loạn thần kinh thực vật... Tuy nhiên chúng mới dừng ở giả thuyết, chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu rõ về cơ chế gây ra đau đầu Hậu COVID.
Một số nguyên nhân phổ biến gây đau đầu có thể là:
- Viêm nhiễm
- Tổn thương liên quan đến mạch máu thần kinh
- Rối loạn thần kinh thực vật
- Các bệnh đường hô hấp
- Rối loạn tiền đình
- Các vấn đề liên quan đến mắt
- Có các yếu tố nguy cơ dẫn đến đau nửa đầu
- Lạm dụng thuốc giảm đau
- Thay đổi thói quen sống do COVID (Ví dụ: không bù đủ nước do thói quen đeo khẩu trang thường xuyên, dẫn đến đau đầu do mất nước)
- Caffeine, rượu và chất kích thích
- Căng thẳng
- Mất ngủ...
Vì có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra đau đầu nên không phải tất cả các phương pháp điều trị đều phù hợp với mọi người. Biết được nguyên nhân của chứng đau đầu là chìa khóa để lựa chọn kế hoạch điều trị tốt nhất.
3. Đau đầu sau khi mắc COVID kéo dài bao lâu?
Hầu hết bệnh nhân bị COVID báo cáo rằng chứng đau đầu của họ được cải thiện trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, đối với một số người, nó có thể kéo dài thêm một vài tuần.
4. Các giải pháp điều trị Đau đầu Hậu COVID
Việc điều trị đau đầu kéo dài Hậu COVID không dễ vì có thể khó xác định nguyên nhân rõ ràng đằng sau cơn đau.
Vấn đề phức tạp hơn là đau đầu thường chỉ là một trong nhiều triệu chứng của Hậu COVID-19. Nhiều người còn có các triệu chứng phổ biến kèm theo đau đầu như: mệt mỏi, khó thở, sương mù não...
Chính vì thế, đau đầu Hậu COVID có thể khó kiểm soát và điều trị.
Sau đây là một số phương pháp có thể cải thiện tình trạng đau đầu Hậu COVID:
Tuân thủ các phương pháp điều trị đau đầu trước đó
Nếu trước kia bạn từng bị đau đầu thì tốt nhất là nên làm theo các phương pháp bạn đã điều trị trước đó.
Tránh các tác nhân gây đau đầu
Nếu bạn đã xác định được những tác nhân gây ra cơn đau đầu (ví dụ do rượu, mất ngủ, căng thẳng...), thực hiện các biện pháp phòng tránh sẽ giúp giảm triệu chứng đau đầu.
Thuốc giảm đau
- Uống thuốc giảm đau cũng là một lựa chọn nhưng lý tưởng nhất là nên giới hạn dưới ba ngày một tuần. Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên hàng ngày có thể khiến bạn bị đau đầu. Cơ chế thuốc giảm đau gây đau đầu như thế nào hiện vẫn chưa được hiểu rõ. Cơn đau đầu thường giảm bớt khi ngừng thuốc giảm đau, nhưng quá trình này có thể mất thời gian vài tuần đến vài tháng.
- Nếu bạn cho rằng mình có thể bị đau đầu do lạm dụng thuốc, thì hãy cân nhắc bỏ thuốc giảm đau và cho bản thân nghỉ ít nhất một tháng để xem cơn đau đầu có giảm bớt hay không.
- Nếu không thể tránh được thuốc giảm đau thì sử dụng paracetamol và ibuprofen là tốt nhất. Nếu cơ đau đầu rất dữ dội thì rất có thể nó là chứng đau nửa đầu. Bạn cần trao đổi với các bác sĩ để tìm phương án điều trị thích hợp cho mình
Kiểm soát nhịp hoạt động
Thực hiện các biện pháp Kiểm soát nhịp độ hoạt động (một trong ba nguyên tắc bảo tồn năng lượng trong mệt mỏi Hậu COVID) sẽ giúp ích, đặc biệt khi bạn có các triệu chứng khác kèm theo như mệt mỏi, khó thở, sương mù não...
Lối sống lành mạnh
Việc ngủ đủ giấc, thực hiện các biện pháp thư giãn, giảm căng thẳng, ăn uống điều độ... sẽ tạo ra sự khác biệt và sẽ giúp nâng cao sức khỏe tổng thể cho bạn.
5. Đau đầu Hậu COVID - Khi nào cần đi khám?
- Bạn thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình.
- Đau đầu kéo dài, dai dẳng, dùng thuốc giảm đau thông thường không đỡ.
- Đau đầu dữ dội, khởi phát đột ngột hoặc kèm theo các triệu chứng: Sốt; Yếu tay chân, tê bì, méo miệng; Nôn, buồn nôn...
Các bài viết liên quan:
- Hậu COVID là gì?
- Nguyên nhân gây ra Hội chứng Hậu COVID-19
- Khắc phục Mệt mỏi Hậu COVID - 3 nguyên tắc giúp bạn bảo tồn năng lượng và hồi phục nhanh hơn
- Khó thở Hậu COVID: Làm gì để hồi phục nhanh?
- Bài tập Làm sạch phổi và kiểm soát triệu chứng Ho hậu COVID
- Kiểm soát di chứng Sương mù não Hậu COVID
- Khắc phục di chứng mất khứu giác Hậu COVID
- Nguyên nhân và Phương pháp điều trị Đau đầu Hậu COVID
- Giải pháp khắc phục di chứng Chóng mặt Hậu COVID
- Đau ngực Hậu COVID nên làm gì?
- Dinh dưỡng để sớm hồi phục Hậu COVID
- Sự thật về công dụng và tính an toàn của 25 loại Thực phẩm chức năng trong COVID và Hậu C0VID.
- Cải thiện giấc ngủ Hậu COVID không phức tạp như bạn nghĩ!
- Kiểm soát tâm trạng tiêu cực Hậu COVID và cách đơn giản mà hiệu quả để tăng cường sức khỏe tâm lý
- Khám Hậu COVID – Khi nào bạn cần trợ giúp của cơ quan y tế?
1. Why COVID headaches can be hard to shake — and when you should worry
2. Your COVID recovery - Headache
3. Headaches and COVID-19 Long-Haulers: What to Know
4. The Long Covid Self-Help Guide: Practical Ways to Manage Symptoms - 2022