Thông tin cơ bản về COVID-19: 14 điều bạn cần biết

Ths.BS. Nguyễn Tuấn Anh

23/03/2022

1. COVID-19 là gì?

COVID-19 là tên của bệnh do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra.

COVID-19 là viết tắt của Coronavirus Disease 2019 (COVID-19).

SARS  là viết tắt của Severe Acute Respiratory Syndrome - Hội chứng hô hấp cấp tính nặng.

Trong trang web này, chúng tôi sẽ sử dụng chủ yếu là thuật ngữ COVID theo như cách gọi quen thuộc của mọi người khi đề cập bệnh COVID-19.


Xem nhanh các thông tin cơ bản về COVID-19


2. Thông tin cơ bản về COVID

COVID là một bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra và được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Bệnh này đã lây lan nhanh chóng ra khắp thế giới.

7 loại coronavirus gây bệnh ở người

  • Bốn loại gây cảm lạnh thông thường.
  • Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS).
  • Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS).
  • SARS-CoV-2: loại coronavirus gây ra bệnh COVID-19.

Tính đến hiện tại, có 5 loại biến thể SARS-CoV-2 được quan tâm: Alpha, Beta, Gamma, Delta và hiện tại là Omicron.

Tại Việt Nam và trên thế giới, chủng mới là Omicron đang chiếm ưu thế.

Các triệu chứng COVID có thể tiến triển và gây ra bệnh nặng như viêm phổi, suy hô hấp và có thể gây tử vong.

Bằng chứng hiện tại cho thấy SARS-CoV-2 thường lây truyền qua các giọt nhỏ được tạo ra khi ho và hắt hơi. COVID-19 cũng có thể được truyền khi chúng ta chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm và sau đó chạm vào mặt, mũi hoặc miệng.

Triệu chứng của COVID-19 là gì?

COVID thường gây ra các triệu chứng hô hấp, giống như cảm lạnh, cúm hay viêm phổi. Tuy nhiên, không giống với cảm cúm, viêm phổi thông thường, nó có thể tấn công các cơ quan khác trên toàn cơ thể.

  • Hầu hết mọi người bị COVID-19 có các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, một số có thể bị ảnh hưởng rất nặng nề, thậm chí tử vong.
  • Một số người, kể cả những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể bị Hội chứng Hậu COVID (còn gọi là: bệnh Hậu COVID, di chứng COVID, COVID kéo dài, Long COVID hay Post COVID)
  • Những người có tuổi hoặc có bệnh nền thì tỷ lệ mắc bệnh COVID nặng sẽ cao hơn.
  • Tính đến tháng 3/2022, Việt Nam đã có khoảng 42.000 người tử vong do COVID.
  • Vaxcin COVID-19 được coi là một phương pháp an toàn và hiệu quả trong việc phòng chống bệnh COVID-19.
  • SARS-CoV-2 lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí do ho và hắt hơi.

Các triệu chứng COVID-19 có thể xuất hiện từ 2-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus.

COVID-19 có thể biểu hiện tương tự với bệnh cúm như:

  • Sốt hoặc cảm thấy sốt/ớn lạnh
  • Ho
  • Thở nhanh hoặc khó thở
  • Mệt mỏi (uể oải)
  • Viêm/đau họng
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Đau cơ hoặc đau nhức người
  • Đau đầu
  • Nôn
  • Bệnh tiêu chảy
  • Thay đổi/mất vị giác hoặc khứu giác.
  • ......

Tuy nhiên, khác với bệnh cúm, COVID-19 có thể dẫn đến Hậu COVID với các triệu chứng kéo dài hằng tuần cho đến vài tháng sau khi nhiễm.

Hậu COVID có thể xảy ra với bất kỳ ai từng bị COVID-19, kể cả khi bệnh biển hiện nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Ca bệnh COVID-19 được xác định như thế nào?

Ngày 15/4/2022, Bộ Y tế Việt Nam ban hành Công văn số 1909/BYT-DP điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 như sau:

1.1. Ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) là một trong số các trường hợp sau:

a) Là người có yếu tố dịch tễ và có biểu hiện triệu chứng:

Sốt và ho hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở.

b) Là người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (trừ trường hợp nêu tại điểm b, c của mục 1.2).

c) Là trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARI), viêm phổi nặng nghi do vi rút (SVP) có chỉ định nhập viện.

Người có yếu tố dịch tễ: bao gồm người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định, người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học... với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền.

1.2. Ca bệnh xác định là một trong số các trường hợp sau:

a) Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (Realtime RT-PCR).

b) Là người có triệu chứng lâm sàng (nêu tại điểm a, điểm c của mục 1.1) và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

c) Là người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

1.3. Người tiếp xúc gần là một trong số các trường hợp sau:
Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định.
Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 1 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định.
Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 1 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định.
Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định.

Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định:

Đối với ca bệnh xác định có triệu chứng: thời kỳ lây truyền tính từ 2 ngày trước và 10 ngày sau khởi phát và thêm ít nhất 3 ngày sau khi hết triệu chứng (sốt và các triệu chứng đường hô hấp).

Đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng: thời kỳ lây truyền tính từ 2 ngày trước và 10 ngày sau khi lấy mẫu có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

3. Có phải có kháng thể nghĩa đã miễn dịch với COVID-19 không? Tôi có thể bị nhiễm COVID-19 nhiều lần không?

Hiện tại chúng ta chưa hiểu rõ sự hiện diện của các kháng thể có ý nghĩa gì. Nó không nhất định là bạn miễn dịch với coronavirus.

Khoa học vẫn chưa xác định được lượng kháng thể nào được cho là có khả năng miễn dịch hay khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu.

Kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính không có nhiều ý nghĩa. Trong thời gian chờ đến khi có thông tin chắc chắn hơn, chúng ta nên giả định là mình vẫn có thể bị mắc COVID-19 kể cả khi đã có kháng thể.

Bạn có thể bị tái nhiễm COVID-19, thực tế cho thấy có những người bị tái nhiễm chỉ trong thời gian rất ngắn sau khi bị COVID-19 lần đầu.

Nhìn chung, tái nhiễm hiếm khi xảy ra trong vòng 3 tháng sau khi nhiễm lần đầu và khả năng miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian.

Người được tiêm chủng sau khi hồi phục COVID-19 có thể giảm hơn 50% nguy cơ tái nhiễm.

4. Hiện tại có các phương pháp điều trị COVID-19 gì?

Remdesivir (tên biệt dược Veklury) và liệu pháp kháng thể đơn dòng hiện đang được sử dụng kiểm soát lượng virus và dexamethasone được sử dụng để kiểm soát phản ứng miễn dịch. Những phương pháp điều trị này hỗ trợ hồi phục cho những người nhiễm COVID-19. Những loại thuốc này cho thấy hiệu quả hơn so với việc sử dụng máy thở (sử dụng máy thở đôi khi làm cho tình trạng viêm phổi trở nên trầm trọng hơn).

Paxlovid (thuốc do Pfizer sản xuất) và Molnupriavir (thuốc do Merck sản xuất) đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép khẩn cấp để điều trị. Cả hai loại này chỉ được dùng cho bệnh nhân điều trị ngoại trú và không dùng cho các trường hợp cần nhập viện.

  • Paxlovid (thuốc do Pfizer sản xuất) là sản phẩm đầu tiên được cấp phép vào tháng 12 năm 2021.
    Thuốc này để điều trị COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Những người có nguy cơ cao bị COVID-19 nặng.
    Thuốc này nên được uống trong vòng năm ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng.
  • Molnupriavir (thuốc do Merck sản xuất) được sử dụng để điều trị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình ở người lớn có nguy cơ cao phát triển COVID-19 nặng.
    Thuốc này không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi.
    Thuốc này cũng nên được uống trong vòng năm ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam đã chính thức cấp phép và công bố giá bán các loại thuốc Molnupiravir như sau:

  1. Thuốc Molnupiravir (400 mg) dạng viên nang cứng do Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất có giá là 11.500 đồng/viên. Dạng hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ.
  2. Giá của thuốc Molnupiravir (200 mg) dạng viên nang của Công ty Cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar có giá 8.675 đồng/viên. Dạng hộp 10 vỉ x 10 viên.
  3. Đơn vị thứ 3 được Cục Quản lý Dược Bộ Y tế công bố giá bán là Công ty TNHH liên doanh Stellapharm chi nhánh 1 có giá 12.500 đồng/viên (dạng viên nang cứng), mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên.

Để mua những thuốc này tại các hiệu thuốc bán lẻ thì bạn cần phải có đơn thuốc từ cơ quan y tế.

5. Tôi đã được tiêm phòng nhưng cảm thấy không khoẻ, tôi có nên đi xét nghiệm COVID hay không?

Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể có các triệu chứng COVID-19, hãy làm xét nghiệm kiểm tra (có thể làm test nhanh tại nhà) cho dù bạn đã tiêm chủng hay chưa.

Các triệu chứng của COVID-19 có thể giống với triệu chứng cảm cúm thông thường. Để xác định có phải COVID hay không thì chúng ta phải xét nghiệm.

Một điều cần lưu ý là Vaccine COVID-19 không có hiệu lực đầy đủ cho đến 2 tuần sau khi tiêm, bạn có thể mắc bệnh do Vaccine chưa có hiệu lực trong khoảng thời gian 2 tuần này.

Người được tiêm chủng đủ ít có khả năng bị mắc bệnh hơn so với những người không được tiêm chủng. Ngoài ra, Vaccine cũng làm giảm nguy cơ lây lan COVID-19.

Mặc dù vậy, các loại Vaccine đòi hỏi người tiêm có hệ thống miễn dịch hoạt động tốt để có hiệu lực. Chính vì thế, những người bị suy giảm miễn dịch hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch có thể không được Vaccine bảo vệ tốt như những người khoẻ.

Đặc biệt lưu ý: với những người chưa được tiêm phòng có các triệu chứng COVID-19 thì cần phải đi xét nghiệm vì những người này có thể lây lan virus dễ dàng hơn những người đã được tiêm chủng.

6. Có phải các nhà khoa học đang nghiên cứu nước thải để tìm coronavirus không?

CDC Hoa Kỳ thu thập dữ liệu nước thải từ khoảng 650 cống - đại diện cho khoảng một phần tư dân số Hoa Kỳ - để nghiên cứu xem có bao nhiêu coronavirus trong khu vực.

CDC Hoa Kỳ cho biết: Nước thải có thể phát hiện sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh từ 4 đến 6 ngày trước khi chúng ta có thể thấy sự gia tăng các ca xét nghiệm dương tính. Những người bị nhiễm SARS-CoV-2 có thể thải virus theo phân của họ, ngay cả khi họ không có triệu chứng.

Nếu vi rút được phát hiện trong nước thải, điều này có thể cho biết có sự hiện diện của SARS-CoV-2 ở những người có hoặc không có triệu chứng.

Tình trạng nước thải có thể là coi là một cảnh báo sớm về việc COVID-19 đang lây lan trong cộng đồng.

7. Bao giờ thì đại dịch này kết thúc?

Ngày 16/03/2022, Tổng giám đốc WHO cho biết: "Đại dịch vẫn chưa kết thúc".

Sau vài tuần giảm, các ca nhiễm COVID-19 một lần nữa đang tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Sự gia tăng này vẫn đang diễn ra mặc dù số lượng xét nghiệm giảm, điều đó có nghĩa là những ca mắc chúng ta đang thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Biến thể Omicron tàng hình BA.2: Biến thể phụ này được phát hiện tại Nam Phi, Australia và Canada hồi tháng 12/2021. Sở dĩ nó được gọi là biến chủng Omicron tàng hình bởi nó thiếu một biến đổi di truyền làm cho không phát hiện bằng phương pháp RT-PCR thông thường.

Ở Anh, số ca mắc mới tăng 45% trong một tuần - với số ca nhập viện do COVID-19 tăng 17% trong cùng thời gian.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết một số yếu tố đang thúc đẩy sự gia tăng ở Anh có thể là:

  • Biến thể phụ BA.2 Omicron dễ lây lan hơn Omicron ban đầu.
  • Nới lỏng các hoạt động xã hội.
  • Khả năng miễn dịch có được do tiêm chủng hoặc bị nhiễm trước đó hiện đã suy giảm.

Ở Anh, BA.2 đã trở thành biến thể chiếm ưu thế.

Tại Hoa Kỳ, BA.2 ước tính chiếm khoảng 23% các trường hợp COVID-19 mới tính đến ngày 12 tháng 3.

Tại Việt Nam, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua sàng lọc ngẫu nhiên, TP.HCM phát hiện 64% mẫu dương tính với biến chủng BA.2. Tại Hà Nội, Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã; trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron.

Bài viết liên quan: Đại dịch COVID-19 đến bao giờ mới kết thúc?

8. Tôi nên làm gì nếu có tiếp xúc với người đang bị nhiễm COVID-19?

Theo CDC Hoa Kỳ: Điều này phụ thuộc vào việc bạn có được tiêm chủng đầy đủ và có tiêm mũi tăng cường (thường là mũi thứ 3) hay không.

Đối với bất kỳ ai đã tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, tốt hơn hết là nên đi xét nghiệm hoặc tự làm test nhanh tại nhà sau 5 ngày tiếp xúc.

Nếu xuất hiện các triệu chứng thì bạn nên cách ly ngay lập tức cho đến khi xác nhận bằng kết quả âm tính với COVID.

9. Tôi có thể bị cúm và COVID cùng lúc không?

Bạn có thể bị cúm và COVID-19 cùng một lúc.

Thực tế là khi bạn bị nhiễm cúm hoặc một loại virus nào đó, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ yếu đi. Và khi cơ thể đang yếu như vậy, rất có thể bạn bị nhiễm thêm cả COVID.

Điều đáng nói là nếu bị cúm và COVID cùng lúc rất nguy hiểm vì cả COVID-19 và cúm đều có thể tấn công phổi, có khả năng gây viêm phổi nặng, tràn dịch trong phổi hoặc suy hô hấp.

Hai bệnh kết hợp với nhau chắc chắn có thể gây tổn thương phổi nhiều hơn và gây suy hô hấp nhiều hơn.

Và cũng giống như COVID-19, ngay cả những người trẻ, khỏe mạnh cũng có thể chết vì cúm.

Cách dễ nhất để giúp tránh bị cúm và COVID-19 cùng lúc là nên tiêm cả hai loại vaccine.

10. Tôi nên làm gì nếu tôi nghĩ mình bị mắc COVID-19?

Nếu bạn mắc COVID-19 hoặc nghĩ rằng bạn có thể mắc bệnh này:

  • Hãy ở nhà. Hầu hết những người bị COVID-19 hiện nay đều là thể nhẹ hoặc không có triệu chứng và có thể tự phục hồi tại nhà mà không cần chăm sóc y tế. Đừng rời khỏi nhà của bạn, ngoại trừ để được chăm sóc y tế. Không đến các khu vực công cộng. Thực hiện nghiêm túc 5K theo lời khuyên của Bộ Y tế.
  • Chăm sóc bản thân. Nghỉ ngơi, uống đủ nước. Uống thuốc giảm đau hạ sốt như paracetamol nếu cần, nó sẽ giúp bạn thấy dễ chịu hơn.
  • Giữ liên lạc với đội ngũ y tế. Thông báo cho y tế địa phương. Đến bệnh viện ngay nếu bạn khó thở hay có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp nào khác.
  • Tránh sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đi chung xe hoặc taxi.
  • Trong thời gian chờ xét nghiệm COVID-19, giữ khoảng cách với các thành viên khác trong gia đình.

11. Tại sao nhân viên y tế vẫn bị bệnh hoặc tử vong do COVID mặc dù họ dùng đồ bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân?

Một số trường hợp, nhân viên y tế không có đủ đồ bảo hộ để xử lý khối lượng bệnh nhân COVID-19.

Một số bệnh viện đã phải dùng khử trùng rồi tái sử dụng đồ bảo hộ như khẩu trang, một số còn phải sử dụng găng tay thực phẩm thay cho găng tay y tế.

Tuy nhiên, không chỉ do thiếu đồ bảo hộ lao động mà còn do số lượng vi rút mà họ tiếp xúc nhiều làm cho các nhân viên y tế có nguy cơ cao hơn.

Tải lượng vi rút cũng có liên quan đến mức độ nặng của bệnh COVID, nhân viên y tế tiếp xúc với COVID-19 nhiều hơn do đặc thù công việc nên họ có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng hơn.

12. Tôi cần làm gì để bảo vệ mình và gia đình khi chăm sóc người mắc COVID-19?

Nếu người thân của bạn được chẩn đoán mắc COVID-19 và đang điều trị tại nhà, bạn nên làm những điều sau để giúp họ, bảo vệ bản thân mình và những người khác trong gia đình:

  • Theo dõi sát sao sức khỏe của bạn. Liên hệ cơ quan y tế địa phương ngay nếu bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng nghi mắc COVID-19.
  • Tiêm vaccine COVID-19.
  • Hiểu rõ các hướng dẫn y tế. Bạn có thể tham khảo tại drkinh.com, chúng tôi cung cấp đủ thông tin để bạn có thể xử lý các tình huống xảy ra.
  • Giúp người bệnh nghỉ ngơi tại nhà. Giúp họ làm các nhu cầu sinh hoạt cơ bản hàng ngày như ăn uống, thuốc và các nhu cầu cá nhân khác.
  • Theo dõi triệu chứng của người bệnh. Nếu người thân của bạn ốm nặng hơn, hãy liên hệ ngay với cơ quan y tế.
  • Trường hợp khẩn cấp , gọi 115. Thông báo cho họ biết có thể người thân của bạn mắc COVID-19.
  • Giữ khoảng cách với người bệnh càng xa càng tốt. Các thành viên trong gia đình nên sinh hoạt tại một phòng khác nếu có thể. Đóng cửa phòng người bệnh. Sử dụng phòng tắm riêng nếu có thể. Hạn chế tối đa việc đến thăm, nói chuyện với người bệnh.
  • Luôn đeo khẩu trang khi ở cùng phòng người bệnh. Đeo khẩu trang và găng tay dùng một lần khi bạn tiếp xúc với các chất dịch cơ thể của người bệnh như nước bọt, đờm, nhầy ở mũi, chất nôn, nước tiểu, máu và phân. Vứt khẩu trang và găng tay ngay sau khi sử dụng.
  • Đảm bảo lưu thông khí trong nhà. Mở cửa sổ, cửa ra vào để làm loãng ngồng độ virus trong không khí.
  • Rửa tay thường xuyên. Sử dụng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Hoặc sử dụng nước sát khuẩn tay có ít nhất 60% cồn. Tốt nhất vẫn là xà phòng và nước.
  • Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng. Đừng bao giờ chạm vào mặt bằng tay chưa rửa.
  • Tránh dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh. Bao gồm bát đĩa, khăn tắm, chăn ga gối... Làm sạch kỹ các bề mặt người bệnh đã chạm vào.
  • Làm sạch tất cả các bề mặt tiếp xúc nhiều lần hàng ngày. Ví dụ như tay nắm cửa, mặt bàn, đồ đạc trong phòng tắm, nhà vệ sinh, điện thoại/máy tính bảng, bàn phím...
  • Đeo găng tay dùng một lần khi xử lý đồ giặt và các đồ bẩn khác của người bệnh. Rửa tay ngay sau khi tháo găng tay.

Nhìn chung, khi chăm sóc người bệnh COVID-19 bạn cần chú ý rất nhiều việc để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và người khác.

Vừa lo sinh hoạt trong gia đình, vừa làm việc để kiếm sống, vừa phải chăm người thân bị ốm là rất mệt mỏi. Hãy nhớ dành thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân, sức khoẻ và tinh thần của bạn cũng rất quan trọng.

Đôi khi vì bất khả kháng, chúng ta không thể tránh được vì không đủ điều kiện và không thể thực hiện nghiêm ngặt những điều trên.

Hãy biết là bạn đã làm những điều tốt nhất có thể cho mình và gia đình.

13. Sau khi mắc COVID-19, tôi nên làm gì khi đã thấy khoẻ hơn?

Hầu hết mọi người sẽ khoẻ hơn trong vòng hai hoặc ba tuần kể từ khi nhiễm COVID-19.

Bạn có thể ngừng cách ly sau 10 ngày kể từ khi các triệu chứng xuất hiện và bạn không còn các triệu chứng nữa. Các bằng chứng cho thấy thời gian này hầu hết mọi người không còn khả năng lây nhiễm cho người khác.

Hiện tại, chúng ta chưa hiểu hết về các ảnh hưởng lâu dài của SARS-CoV-2 có thể gây ra. Những người có các triệu chứng COVID-19 kéo dài còn được được gọi là những người mắc bệnh Hậu COVID. Các triệu chứng này có thể mới xuất hiện và kéo dài hàng tuần đến vài tháng, xảy ra trên cả những người không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

14. 11 thuật ngữ nên biết để đọc các bài viết về COVID-19

1. COVID không triệu chứng

COVID không triệu chứng là người không có biểu hiện gì về bệnh (KHÔNG sốt, ho, đau họng, khó thở, đau nhức cơ thể hay các triệu chứng thông thường khác) nhưng vẫn có thể truyền bệnh cho người khác.

Khi một người bị COVID-19 nhưng không có triệu chứng, bản thân họ có thể không biết mình bị bệnh, dẫn đến nguy cơ làm lây truyền COVID cho người khác.

2. Liều tăng cường 

Liều tăng cường là liều Vaccine được tiêm khi đáp ứng miễn dịch của những liều chính (thường là 2 lần) có thể đã suy yếu theo thời gian.

Theo hướng dẫn của CDC Hoa Kỳ thì:

  • Vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech: Người từ 16 tuổi trở lên nên tiêm một liều nhắc lại sáu tháng sau khi tiêm mũi thứ hai.
  • Vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson: người trưởng thành có thể tiêm nhắc lại hai tháng sau liều ban đầu. 
  • Vaccine COVID-19 của Moderna: Người trưởng thành nên tiêm một liều nhắc lại sáu tháng sau khi tiêm mũi thứ hai.

3. Liều bổ sung

Khác với liều tăng cường, Liều bổ sung Vaccine được coi là một phần của liều chính, được sử dụng khi đáp ứng miễn dịch ban đầu của liều chính có khả năng chưa đủ.

Liều này cần thiết cho những người bị suy giảm miễn dịch từ trung bình đến nặng và không được bảo vệ đầy đủ sau loạt thuốc chính.

Liều bổ sung này có thể ngăn ngừa tình trạng COVID-19 nặng có thể dẫn đến đe dọa tính mạng ở những người suy giảm miễn dịch.

4. Nhiễm trùng đột phá

Nhiễm trùng đột phá (Breakthrough infection) là trường hợp một người được tiêm đầy đủ vaxcin nhưng vẫn bị mắc bệnh. Nói một cách đơn giản có nghĩa là Vaccine thất bại trong việc tạo ra khả năng miễn dịch chống lại bệnh.

Nhiễm trùng đột phá không chỉ xảy ra với Vaccine COVID, chúng ta đã thấy nó ở nhiều loại vaxcin khác như Quai bị, Thuỷ đậu, Cúm...

Thông thường thì người đã được tiêm Vaccine khi mắc bệnh sẽ có triệu chứng nhẹ và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với những trường hợp chưa hoặc không tiêm.

Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng đột phá có thể do bảo quản Vaccine không đúng cách hoặc do virus đột biến tạo ra các biến thể khác nhau.

Việc này là hết sức bình thường, hiếm có loại Vaccine nào có hiệu quả 100%.

Tóm lại thì, người được tiêm chủng đầy đủ mà vẫn bị COVID-19, y học gọi là nhiễm đột phá.

Thuật ngữ thì có vẻ lạ lẫm chứ chúng ta rất quen thuộc trong thực tế.

5. Thử nghiệm lâm sàng

Để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các thuốc mới hay tác dụng mới trên COVID-19 của các phương pháp cũ thì người ta phải tiến hành các thử nghiệm lâm sàng.

Các thuốc mới hoặc chỉ định mới của thuốc cũ sẽ được chấp thuận cho sử dụng rộng rãi nếu thông qua các nghiên thử nghiệm lâm sàng được đánh giá là có hiệu lực và an toàn.

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thường bao gồm 4 giai đoạn. Nếu qua được giai đoạn 3 nghĩa là nó đảm bảo được tính an toàn và hiệu quả, có thể lưu hành trên thị trường. Các nghiên cứu giai đoạn 4 được gọi là nghiên cứu hậu thị trường.

Ở Việt Nam, ví dụ phổ biến mọi người đều biết đó chính là thử nghiệm lâm sàng Vaxcin COVID, có loại không đạt được tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả đã phải ngừng nghiên cứu.

5. Truy vết

Công tác này để xác định và theo dõi những người có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm COVID-19. Nó có thể giúp làm chậm sự lây lan và kiểm soát sự gia tăng các ca COVID-19. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đã không thấy rõ hiệu quả của nó do số lượng ca bệnh quá nhiều.

6. Các biến thể của Coronavirus

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) định nghĩa một biến thể là một bộ gen của virus có chứa một hoặc nhiều đột biến. Cũng có thể có trường hợp một nhóm biến thể có những biến đổi gen tương tự nhau, đó là một dòng hoặc một nhóm dòng họ.

Một số biến thể phổ biến nhất được biết đến là Delta và Omicron.

7. Tiêm phòng đủ

Thời điểm được coi là tiêm phòng đủ là sau khi tiêm liều thứ hai được hai tuần (trong một loạt hai liều như Vaccine mRNA của Pfizer-BioNTech và Moderna). Nếu một người đã chủng ngừa Johnson & Johnson, họ được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ sau một liều duy nhất.

Một số người bị suy giảm miễn dịch cần phải tiêm thêm 1 liều bổ sung mới coi là hoàn thành loạt tiêm đầu tiên.

Nếu không đáp ứng các yêu cầu này thì được coi là chưa được tiêm chủng đủ.

8. Miễn dịch cộng đồng

Miễn dịch cộng đồng đạt được khi chúng ta có một phần lớn dân số được miễn dịch với bệnh truyền nhiễm, điều này sẽ hạn chế bệnh lây lan thêm.

Đối với những người chưa có miễn dịch, họ sẽ được bảo vệ gián tiếp vì dịch bệnh sẽ diễn ra rất nhỏ.

9. Tiêm trộn Vaccine

Tiêm trộn là hình thức tiêm kết hợp giữa các loại Vaccine khác nhau đối với các loại được cho phép theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

10. Hội chứng Hậu COVID

Hội chứng hậu COVID - COVID kéo dài hay bệnh Hậu COVID là một loạt các vấn đề sức khỏe chúng ta có thể gặp phải và nó kéo dài hơn bốn tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

Những người ở thể không triệu chứng vẫn có thể bị COVID kéo dài.

Các triệu chứng biểu hiện dưới nhiều mức độ, có thể kết hợp cách triệu chứng khác nhau và kéo dài theo thời gian.

11. Miễn dịch tự nhiên

Miễn dịch tự nhiên sẽ có được khi bị bệnh COVID. Các bằng chứng hiện tại cho thấy rằng việc tái nhiễm virus gây ra COVID-19 thường là không phổ biến trong 90 ngày sau khi nhiễm lần đầu.

Tuy nhiên, với tình hình các biến thể như hiện tại, chúng ta không biết chắc chắn sự bảo vệ này kéo dài bao lâu. 

Miễn dịch có được do tiêm Vaccine có thể có hiệu quả tốt hơn miễn dịch tự nhiên cho nên những người đã từng mắc COVID-19 vẫn được khuyến cáo nên tiêm phòng.

Chia sẻ bài viết
{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Đọc tiếp:

>