Chóng mặt Hậu COVID: Nguyên nhân và giải pháp khắc phục

Ths.BS. Nguyễn Tuấn Anh

22/06/2022

Nhiều người vẫn đang phải vật lộn với tình trạng chóng mặt Hậu COVID. Ngay cả trước đại dịch COVID-19, người ta đã biết rằng virus có thể gây chóng mặt dai dẳng. Mặc dù không nguy hiểm nhưng chóng mặt có thể cực kỳ khó chịu và khó kiểm soát.

Một số người bị chóng mặt và các vấn đề về thăng bằng trong hoặc sau khi mắc COVID-19. Một số người khác có thể bị chóng mặt từ trước và thấy các triệu chứng này trở nên tồi tệ hơn sau khi bị COVID.

Tình trạng chóng mặt Hậu COVID thường cải thiện dần khi bạn hồi phục sau vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, có những người bị chóng mặt và mất thăng bằng trong một thời gian dài sau đó.

1. Triệu chứng chóng mặt Hậu COVID

Chóng mặt là triệu chứng thường thấy sau nhiễm virus, thường là do cơ thể yếu hoặc do virus gây ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình.

Nếu hệ thống tiền đình bị ảnh hưởng, bạn có thể thấy chóng mặt khi:

  • Di chuyển đầu.
  • Nhìn thấy nhiều chuyển động trước mắt
  • Thay đổi tư thế. Nó cũng có thể gây cả buồn nôn và mất thăng bằng.

Chóng mặt cũng có thể liên quan đến các triệu chứng khác như: ù tai, giảm thính lực, mỏi mắt và đau đầu.

Nó có thể xuất hiện rồi lại hết trong suốt cả ngày. Nếu triệu chứng này diễn ra liên tục hoặc rất dữ dội, bạn nên đi khám để loại trừ một số nguyên nhân khác.

2. Nguyên nhân gây ra chóng mặt Hậu COVID

Hiện nay chúng ta vẫn chưa hiểu rõ tại sao COVID lại ảnh hưởng đến hệ thống thăng bằng của cơ thể.

Hệ thống tiền đình của cơ thể chúng ta rất phức tạp. Hệ thống tiền đình (thăng bằng) lấy thông tin từ các cảm nhận về vị trí cơ thể để điều chỉnh hệ thống cơ, khớp, da và giữ cho cơ thể thăng bằng. Bạn cảm nhận được vị trí của mình trong không gian thông qua việc nhìn thấy các vật thể xung quanh, chuyển động của đầu, vị trí của các khớp và sự căng cơ ở phần trên cơ thể, cánh tay, lưng, bụng, mông và chân.

Chóng mặt có thể do các nguyên nhân phổ biến như:

  • Do mất nước
  • Do thuốc
  • Do hạ đường huyết
  • Do lo lắng hoặc căng thẳng
  • Do hạ huyết áp tư thế đứng (huyết áp giảm đột ngột khi đứng, hết khi ngồi hoặc nằm xuống).
  • Do thiếu máu
  • Do Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS)

Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS )

Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng là sự tăng nhịp tim bất thường, xảy ra sau khi ngồi dậy hoặc đứng. Một số triệu chứng điển hình gồm: chóng mặt, ngất xỉu, mệt mỏi và đánh trống ngực. Nó được chẩn đoán nếu nhịp tim của bạn tăng từ 30 nhịp/phút  trở lên (tăng 40 nhịp/phút ở những người từ 12 đến 19 tuổi) và nó thường diễn ra trong vòng 10 phút sau khi đứng.

Các triệu chứng của Nhịp tim nhanh tư thế đứng là gì?

  • Nhịp tim nhanh tư thế đứng có thể khởi phát đột ngột hoặc tăng dần dần.
  • Bạn có thể thấy các triệu chứng xảy ra gần như ngay lập tức, hoặc một vài phút sau khi ngồi dậy hoặc đứng. Nằm xuống có thể giúp làm giảm triệu chứng.

Bên cạnh tăng nhịp tim, các triệu chứng điển hình của POTS có thể bao gồm:

  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Ngất xỉu
  • Sương mù não: có vấn đề khi suy nghĩ, ghi nhớ và khó tập trung
  • Tim đập nhanh
  • Run, đổ mồ hôi
  • Suy nhược và mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Ngủ kém
  • Tức ngực
  • Khó thở

Một số người thấy khi ở trong môi trường nóng, ăn uống, tập thể dục nặng hoặc có kinh nguyệt có thể làm cho các triệu chứng chóng mặt của họ nặng hơn. Các triệu chứng này không đặc hiệu và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như thuốc hoặc huyết áp thấp. Trong trường hợp này tốt nhất là bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác.


3. Kiểm soát triệu chứng chóng mặt Hậu COVID

Kiểm soát chóng mặt cấp tính

  1. Đầu tiên, hãy để cho mình có thời gian cảm nhận các triệu chứng và sau đó bắt đầu bằng cách lập kế hoạch cho các hoạt động hàng ngày của bạn .
  2. Bạn có thể thấy việc ra khỏi giường khó khăn. Hãy ngồi ở mép giường trong một hoặc hai phút và đợi cơn chóng mặt qua đi trước khi cố gắng đứng dậy. Ban đầu, bạn có thể cần nhờ người khác hỗ trợ khi đứng dậy và đi lại.
  3. Đặt mục tiêu di chuyển một cách bình thường. Các chuyển động liên quan đến mắt, đầu và cơ thể của bạn đã được chứng minh là giúp giảm chóng mặt và cải thiện sự thăng bằng và mệt mỏi.
  4. Đảm bảo an toàn. Ví dụ: tập giữ thăng bằng trong góc, cạnh bàn làm việc, cạnh giường.. (những vị trí bạn có thể vịn, cầm nắm) và có người đi cùng nếu cần.
  5. Đừng quá gượng ép bản thân, hãy để cho mình có thời gian nghỉ ngơi và lập kế hoạch hoạt động cho các mục tiêu ngắn và dễ.
  6. Theo dõi các triệu chứng và điều chỉnh kế hoạch nếu cần.
  7. Ghi nhớ nguyên tắc quản lý mệt mỏi: Ưu tiên, lập Kế hoạch và Nhịp độ hoạt động.
  8. Khi bắt đầu tham gia hoạt động, hãy lưu ý đến tình trạng khó chịu sau gắng sức (PEM), thời gian phục hồi và đánh giá mức độ mệt mỏi.
  9. Bạn có thể cảm thấy chóng mặt nhẹ khi di chuyển. Hãy tự trấn an bản thân là mình không vấn đề gì nếu chỉ chóng mặt nhẹ và vẫn an toàn. Chóng mặt sẽ chấm dứt trong vòng 1-2 phút sau khi đứng yên.
  10. Cố gắng chủ động quan sát, di chuyển đầu để nhìn các đồ vật xung quanh. Đầu tiên hãy di chuyển nhẹ nhàng đầu và từ từ tăng tầm vận động và tốc độ nếu có thể.
  11. Cố gắng đừng tập trung vào việc bị chóng mặt khi đang luyện tập. Tập trung vào việc khác cùng lúc có thể giúp não bạn điều chỉnh nhanh hơn. Ví dụ, khi bạn đang đi bộ và di chuyển đầu, thử xem bạn có thể phát hiện ra các vật thể, đọc các biển báo hoặc quan sát mọi người hay không. Điều này sẽ cho phép bạn quay đầu tự nhiên hơn mà không bị chú ý về triệu chứng chóng mặt.
  12. Đặt mục tiêu tầm nhìn của bạn vào những thứ ở gần và xa theo nhiều hướng. Ví dụ, khi bạn đi bộ, nhìn vào các chi tiết trên đường, cây cối, hoa, lá... Di chuyển đầu nhiều hơn và tập nhìn sang hai bên. Đầu tiên hãy đi nhẹ nhàng và tăng dần tốc độ quay đầu theo thời gian, trong giới hạn kiểm soát của bạn.
  13. Quan sát chim trên bầu trời , chuyển động của các loài động vật, hạt mưa trên cửa sổ, hoặc quan sát một quả bóng khi bạn ném và bắt nó. Ghi nhớ các chi tiết và so sánh chúng vào lần tới khi bạn nhìn thấy chúng trên đường đi bộ của mình.
  14. Sử dụng máy trợ thính hoặc kính của bạn cho các hoạt động hàng ngày nếu bạn cần. Điều này được chứng minh là cải thiện sự ổn định và cân bằng tư thế.

Kiểm soát chóng mặt kéo dài

  1. Các bài tập phục hồi thăng bằng có thể giúp lấy lại thăng bằng, giảm chóng mặt và cải thiện sức mạnh, đặc biệt nếu trung tâm thăng bằng của bạn đang hoạt động kém hiệu quả.
  2. Bạn có thể bắt đầu với các chuyển động dưới đây và điều chỉnh tốc độ cũng như số lần lặp lại và thực hiện theo khả năng  của bạn. Cố gắng thực hiện các hoạt động 1-3 lần một ngày với tổng thời gian ít nhất 12 phút mỗi ngày trong giai đoạn cấp tính. Bạn có thể tăng dần lên đến 20 phút trong ngày nếu có thể.
  3. Quay đầu nhìn từ bên này sang bên kia. Cố gắng nhắm tầm nhìn của bạn vào các vật thể gần và xa, từ trái sang phải. Khi thấy dễ dàng hơn, hãy tăng dần tầm quay và tốc độ nếu có thể.
  4. Di chuyển đầu của bạn để nhìn lên trần nhà và sau đó nhìn xuống , cằm chạm vào ngực. Cố gắng nhắm mục tiêu tầm nhìn của bạn bằng cách nhìn vào thứ gì đó trên trần nhà và sàn nhà. Khi thấy dễ dàng hơn, hãy tăng dần  thời gian và tốc độ nếu khả năng cho phép.
  5. Ngồi xuống, cúi người về phía trước để đưa đầu và vai về phía đùi, sau đó trở lại tư thế thẳng đứng. Nếu cần bạn có thể vịn vào một vật cố định nào đó để đảm bảo an toàn. Khi cảm thấy thoải mái, hãy tăng dần thời gian và tốc độ trong khả năng của bạn.
  6. Tập nhắm mắt khi ngồi hoặc đứng yên với hai chân dạng. Tập trung vào việc cảm nhận trọng lượng được phân bổ qua hai bàn chân.
  7. Tập đứng bằng hai chân và lắc lư sang hai bên hoặc xoay phải và trái, buông lỏng cánh tay, mở hoặc nhắm mắt. Thực hiện trong giới hạn cho phép của bạn.
  8. Tập đứng lên và ngồi xuống với mắt mở và tiến tới thực hiện bằng cách nhắm mắt, không dùng tay nếu có thể. Nên làm điều này ở một nơi an toàn, ví dụ như trên giường của bạn. Lặp lại nếu có thể. Tăng cường khả năng chịu đựng của bạn dần dần và theo dõi tình trạng chóng mặt và mệt mỏi. Bạn nên biết là cảm giác hơi chóng mặt hoặc mất phương hướng khi nhắm mắt lại là điều bình thường.
  9. Đứng nhìn vào một mục tiêu cố định và di chuyển đầu của bạn từ bên này sang bên kia (quay đầu). Lặp lại trong 10 giây hoặc cho đến khi bạn cảm thấy chóng mặt. Làm điều này 1-3 lần mỗi ngày.
  10. Đứng nhìn vào mục tiêu cố định và di chuyển đầu của bạn lên và xuống nửa chừng (cúi ngửa đầu). Lặp lại trong 10 giây hoặc cho đến khi bạn cảm thấy chóng mặt. Làm điều này 1-3 lần mỗi ngày.
Bất kỳ cơn chóng mặt nào gây ra bởi những bài tập này sẽ giảm đi sau 1–2 phút.
Điều chỉnh các chuyển động bằng cách tăng hoặc giảm thời gian hoặc số lần lặp lại mà bạn thực hiện theo yêu cầu.
Thực hiện 7 ngày ở cùng một mức độ trước khi tăng thời gian hoặc lặp lại các giai đoạn nhỏ, dần dần.

4. Khi nào thì nên đi khám?

Nhìn chung, bác sỹ chuyên khoa về phục hồi chức năng tiền đình/thăng bằng hoặc bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng có thể giúp bạn nếu các triệu chứng chóng mặt Hậu COVID vẫn tiếp tục diễn ra.

Nếu bạn tiếp tục gặp những triệu chứng này hoặc nó trở nên xấu hơn thì bạn nên đi khám để được sự tư vấn hỗ trợ của các chuyên gia y tế.

Bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp nếu:

  • Bạn bị chóng mặt đột ngột kèm theo bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
  • Tức ngực.
  • Đánh trống ngực.
  • Khó thở.
  • Mất ý thức.
  • Yếu mặt, cánh tay hoặc chân hoặc bất kỳ dấu hiệu thần kinh nào như các vấn đề về nói và nuốt, lệch mặt.
  • Mất thính lực đột ngột mới xuất hiện.

5. Tóm lại

  • Chóng mặt là một biến chứng được ghi nhận sau khi nhiễm virus, bao gồm cả COVID-19.
  • Chóng mặt Hậu COVID sẽ cải thiện dần qua thời gian khi bạn hồi phục.
  • Tránh vận động, di chuyển do chóng mặt có thể làm chậm quá trình hồi phục.
  • Vận động có thể giúp giảm chóng mặt nhưng phải được thực hiện ở mức độ phù hợp với bạn.
  • Các triệu chứng chóng mặt thường cải thiện theo thời gian và các bài tập được đưa ra ở trên có thể hỗ trợ quá trình hồi phục tốt hơn.

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ với người khác và cho chúng tôi biết cảm nhận của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé!

Chia sẻ bài viết
{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Đọc tiếp:

Kiểm soát tâm trạng tiêu cực Hậu COVID và cách cực kỳ đơn giản mà hiệu quả để tăng cường sức khỏe tâm lý

>