Nếu tôi có kết quả test dương tính, tôi nên làm gì để phòng tránh COVID-19 cho gia đình và cộng đồng?
Ở nhà, trừ khi bạn cần đến chăm sóc của cơ quan y tế. Nghỉ ở nhà, và tránh những nơi công cộng khác, bao gồm cả cửa hàng. Nếu phải di chuyển, tránh các phương tiện giao thông công cộng hoặc đi chung xe. Tránh xa người khác (giữ khoảng cách 2m trở lên). Luôn đeo khẩu trang và vệ sinh tay thường xuyên.
Gọi điện trước. Nếu bạn có hẹn khám, gọi điện cho cơ quan y tế, cho họ biết rằng bạn có thể nhiễm COVID-19 và làm theo hướng dẫn của họ.
Tránh xa những người khác trong nhà. Sinh hoạt trong phòng riêng, giữ khoảng cách với người khác càng nhiều càng tốt. Sử dụng phòng tắm riêng nếu bạn có thể. Làm sạch các bề mặt mà bạn chạm vào.
Đeo khẩu trang. Nếu ở gần người khác, bạn phải đeo khẩu trang. Nếu bạn không thể đeo khẩu trang vì lý do nào đó (ví dụ như là bạn có bệnh lý khác làm khó thở) thì mọi người không nên ở cùng phòng với bạn.
Che miệng khi ho và hắt hơi. Sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay của bạn. Vứt khăn giấy ngay lập tức và vệ sinh tay của bạn.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Sử dụng nước sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn. Đặc biệt lưu ý rửa tay sạch sau khi xì mũi, ho, hắt hơi, đi vệ sinh và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn. Rửa bằng xà phòng và nước là tốt nhất.
Tránh dùng chung đồ cá nhân với người khác, ví dụ như bát đĩa, khăn tắm, chăn ga gối...
Không chăm sóc thú cưng hoặc các động vật khác khi bị bệnh.
Tiêm vaccine COVID-19. Khi bạn đã khỏi bệnh cấp tính và không còn phải cách ly, các chuyên gia khuyên bạn nên tiêm vaccine COVID-19. Bạn nên đợi khoảng 90 ngày sau khi khỏi bệnh.
Tôi nghe nói chúng ta có thể nhiễm COVID-19 qua đường niêm mạc mắt, vậy có nên đeo kính bảo hộ không?
Đeo kính bảo vệ mắt (cùng với khẩu trang) có thể giúp ích cho một số người, nhưng không cần thiết cho tất cả.
Nếu bạn là nhân viên chăm sóc sức khỏe hoặc đang chăm sóc ai đó tại nhà bị nhiễm COVID, thì việc đeo kính bảo vệ mắt là chuyện nên làm.
Lưu ý: Kính thông thường hoặc kính râm là không đủ để bảo vệ vì có quá nhiều khoảng hở quanh mắt.
Nhưng nếu bạn đã tiêm phòng hoặc không ở trong trường hợp có nguy cơ cao thì việc đeo kính bảo hộ là không cần thiết. Mặc dù vẫn có thể nhiễm COVID-19 qua mắt, nhưng trường hợp đó ít xảy ra hơn là qua đường mũi hoặc đường miệng.
Chúng ta có nên đeo tấm chắn giọt bắn thay cho khẩu trang để phòng tránh COVID-19 không?
CDC Hoa Kỳ không khuyến nghị sử dụng tấm chắn giọt bắn cho các hoạt động hàng ngày hoặc thay thế cho khẩu trang. Trừ một số trường hợp ngoại lệ như là những người khiếm thính (phụ thuộc vào việc đọc khẩu hình) hoặc những người có tình trạng sức khỏe không phù hợp với đeo khẩu trang.
Các tấm che mặt được đeo cùng khẩu trang có thể cung cấp thêm một lớp bảo vệ và cũng có thể giúp mọi người không chạm vào khuôn mặt của họ.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tấm che mặt bằng nhựa có khả năng bảo vệ kém hơn so với khẩu trang.
Nếu đã mua và sử dụng, bạn vẫn nên đeo cùng khẩu trang để phòng lây nhiễm hiệu quả.
Khẩu trang vải có dùng được không? Với biến thể Omicron dễ lây lan hơn, tôi nên đeo khẩu trang vải, khẩu trang y tế, KN95 hay N95?
Khuyến cáo chung là bạn nên đeo khẩu trang bảo vệ tốt nhất có thể, loại vừa vặn, phù hợp với bạn để có thể thoải mái khi đeo thường xuyên.
Các khẩu trang bằng vải dệt thưa cho khả năng bảo vệ kém nhất, các loại dệt mịn nhiều lớp thì cho khả năng bảo vệ tốt hơn.
Khẩu trang y tế và KN95 cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn và khẩu trang N95 cho mức độ bảo vệ cao nhất.
Trong Hướng dẫn cập nhật ngày 14/01/2022, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo: không nên chỉ đeo khẩu trang vải, ít nhất là phải dùng khẩu trang y tế. Ở nơi đông người thì bạn nên đeo khẩu trang KN95 hoặc N95. Chúng bao gồm các vật liệu như sợi polypropylene hoạt động như các rào cản cơ học và tĩnh điện để giúp ngăn chặn sự phát tán của các hạt nhỏ.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm cho thấy khi nói chuyện, đeo khẩu trang có thể giảm đến một nửa khoảng cách các giọt bắn di chuyển (hoặc nhiều hơn, tùy thuộc vào loại khẩu trang).
- Không có khẩu trang: các giọt nước và giọt bắn có thể di chuyển đến khoảng 4 feet (khoảng 1,2 mét) khi nói chuyện.
- Khẩu trang vải một lớp có thể giảm khoảng cách đó xuống còn khoảng 2 feet (0,6 mét).
- Khẩu trang y tế 3 lớp dùng một lần làm giảm khoảng cách của giọt bắn xuống còn 0,5 feet (15 cm).
- Nghiên cứu này không bao gồm khẩu trang KN95 và N95.
Cho dù thế nào đi nữa thì bất kỳ loại khẩu trang nào cũng tốt hơn là không có. Chúng tôi khuyến khích tất cả mọi người đeo khẩu trang phù hợp để bảo vệ bản thân và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Lưu ý là bạn có thể không có triệu chứng và không biết mình bị nhiễm nhưng vẫn có thể lây lan COVID-19 cho cộng đồng. Đeo khẩu trang trong những trường hợp này sẽ giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương mà bạn có thể vô tình lây cho họ.
Tôi đã tiêm phòng đủ liều, vậy có cần quan tâm đến việc tiêm phòng của người khác không?
Việc tránh tiêm phòng có thể gây hại cho những người khác và dẫn đến nguy cơ tạo ra các biến thể dễ lây hơn hoặc nguy hiểm hơn cho mọi người.
Tiêm phòng đủ làm giảm nguy cơ nhiễm và lây lan Coronavirus.
Hiện tại, các đối tượng như trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng và những người bị suy giảm miễn dịch phụ thuộc vào việc tiêm chủng của người khác để bảo vệ họ.
Bên cạnh đó thì việc tiêm phòng cũng rất quan trọng để giúp ngăn ngừa hình thành các biến thể mới dễ lây hơn hoặc nguy hiểm hơn. Nếu tiếp tục để cho vi rút lây lan, điều đó sẽ tạo ra các biến thể mới.
Vi rút thường xuyên đột biến khi chúng nhân lên ở người bị nhiễm bệnh, và rất có thể nó tạo ra một biến thể dễ lây lan hơn.
Khi các đột biến này mang lại lợi thế cho vi rút, ví dụ như khả năng sao chép nhanh hơn hoặc trốn tránh được hệ thống miễn dịch, biến thể này sẽ chiếm ưu thế. Cách duy nhất để loại bỏ các biến thể là giảm số lượng ca nhiễm.
Đây chính là lý do tại sao ngành y tế khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng càng sớm càng tốt. Những người không tiêm phòng không chỉ gây nguy hiểm cho chính họ mà còn gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Khả năng truyền bệnh của những người đã tiêm Vaccine COVID-19 và chưa tiêm Vaccine có khác nhau không?
Có khác nhau. Khả năng lây truyền ở những người không được tiêm chủng lớn hơn.
Lý do:
- Người đã tiêm chủng có ít nguy cơ mắc bệnh hơn. Theo nghiên cứu được CDC Hoa Kỳ công bố vào tháng 8/2021 cho thấy những người đã tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn 5 lần so với những người không được tiêm chủng.
- Người đã tiêm chủng ít biểu hiện triệu chứng hơn. Khi một người được tiêm chủng đủ bị nhiễm, khả năng người đó có các triệu chứng giảm đi 8 lần so với một người không được tiêm chủng.
- CDC Hoa Kỳ hiện đang xem xét dữ liệu về việc liệu những người được tiêm chủng đủ bị nhiễm bệnh mà không có triệu chứng có thể truyền vi rút hay không.
- CDC Hoa Kỳ cho biết những người được tiêm chủng có khả năng sẽ lây lan virus trong một thời gian ngắn hơn. Đối với những người bị nhiễm biến thể Delta, lượng virus được tìm thấy ở cả những người chưa được tiêm chủng và đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, lượng virus có thể giảm nhanh hơn ở những người được tiêm chủng đầy đủ so với những người không được tiêm chủng.
Tôi có thể bị lây COVID-19 thông qua quan hệ tình dục không?
Việc lây truyền COVID qua đường tình dục vẫn chưa được nghiên cứu kỹ, mặc dù virus có được tìm thấy trong tinh dịch của nam giới.
Tuy nhiên, chúng ta biết là COVID-19 là một bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp như nước bọt, ho, hắt hơi, nói chuyện cho dù bạn có hay không có triệu chứng.
Các chuyên gia khuyên ngoài việc đeo khẩu trang, nên tắm trước và sau khi quan hệ; tránh các hành vi quan hệ tình dục bằng miệng; làm sạch bộ phận tiếp xúc bằng xà phòng để giảm khả năng bị lây nhiễm.
Thời điểm nào dễ lây COVID cho người khác?
Trên thực tế, thời điểm dễ lây cho người khác nhất là trước khi bắt đầu có triệu chứng. Giai đoạn này gọi là giai đoạn tiền triệu chứng. Thời gian này người mắc có thể có nhiều virus hơn trong mũi và khoang miệng, việc này xảy ra trước khi họ có triệu chứng và ngay trong lúc đó họ có thể thải virus ra môi trường bên ngoài.
Bên cạnh đó thì những người bệnh COVID không triệu chứng cũng dễ lây cho người khác.
Khuyến cáo là bạn nên thực hiện nghiêm túc việc rửa tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Tôi có thể bị nhiễm COVID khi đi bơi ở hồ hay ở biển không? Bể bơi công cộng hoặc bể tắm nước nóng thì sao?
Điều cần quan tâm không phải là nguồn nước bạn tiếp xúc mà là khoảng cách bạn tiếp xúc với những người khác.
Nước hồ bơi được xử lý đúng cách không phải là nguồn lây lan virus. Clo có trong nước hồ bơi sẽ bất hoạt virus nhanh chóng.
Virus có trong nước ở hồ, biển hay bể bơi đã bị pha loãng, không đủ lượng để khiến bạn mắc bệnh.
Khi bơi hay tắm ở những địa điểm này, bạn chỉ cần đảm bảo duy trì khoảng cách thích hợp với người khác là được. Tuy nhiên bạn cần lưu ý là khi chúng ta hoạt động mạnh và ở trong phòng kín như ở bể bơi và bể tắm nước nóng thì khoảng cách nên duy trì cành xa càng tốt.
Liệu có thể bị nhiễm COVID khi chạm vào tiền không? Với các đồ vật khác thì sao?
Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên các bề mặt và đồ vật, bao gồm cả tiền, tuy nhiên khả năng thực tế để bị mắc COVID từ những thứ này rất thấp.
Quan trọng là sau khi bạn tiếp xúc tiền hay bất cứ thứ gì có thể có virus trên đó, hãy rửa tay sạch bằng xà phòng và nước hoặc dùng dung dịch sát khuẩn tay.
COVID-19 là một bệnh lây qua đường hô hấp, hãy tránh tránh chạm tay vào mặt của mình. Đeo khẩu trang cũng là 1 cách để hạn chế chạm tay vào mặt.
Tia UV có thể tiêu diệt SARS-CoV-2 không?
Đèn UV có thể tiêu diệt virus và một số loại vi khuẩn nếu đủ liều lượng chiếu xạ và đủ thời gian.
Tuy nhiên, tia UV có thể gây hại cho cơ thể. Nếu tia UV đủ mạnh để tiêu diệt virus trong thời gian ngắn, nó sẽ nguy hiểm cho con người.
Cả tia UVA và UVB đều gây hại cho da. Tia UVC an toàn hơn cho da, nhưng nó sẽ làm tổn thương các mô mềm như mắt.
SARS-CoV-2 có thể ở trong tóc hoặc râu của tôi không? Tôi có nên gội đầu hàng ngày không?
SARS-CoV-2 có thể dính vào tóc hoặc râu. Nếu chúng ta chạm vào râu tóc và sau đó sờ vào miệng, mắt hoặc mũi thì có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm COVID. Cách xử lý thì cũng giống như trên da, chúng ta có thể loại bỏ bằng cách rửa sạch.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải gội đầu nhiều lần trong ngày. Bản thân dầu trên tóc của chúng ta có một số đặc tính kháng khuẩn và có thể hạn chế virus bám vào tóc.
Tất nhiến nếu bạn đi tới những khu vực có thể có nhiều giọt bắn hay virus lơ lửng trong không khí thì nên gội đầu và vệ sinh râu hàng ngày.
Tuy nhiên, khác với tay, chúng ta có xu hướng vô thức sờ lên vùng mặt nên cần được rửa thường xuyên.
Tôi có nên rửa tay và giặt giũ bằng nước nóng?
Nước nóng là tốt nhất để tiêu diệt vi khuẩn và virus khi giặt giũ.
Tuy nhiên, dùng loại nước quá nóng có thể gây bỏng để rửa tay thì không hợp lý.
Nước ấm rất phù hợp để rửa tay vì kết hợp với xà phòng nó tạo bọt tốt hơn nước lạnh, miễn là bạn rửa đúng cách. Nước lạnh vẫn có tác dụng, nhưng để tạo bọt có thể mất thời gian lâu hơn.
Tại sao xà phòng có thể diệt coronavirus?
Tôi có thể sử dụng khăn thấm xà phòng và nước để khử khuẩn bề mặt được không?
CÓ. Bạn có thể sử dụng xà phòng và nước trên các bề mặt giống như cách bạn rửa tay để diệt coronavirus. Tuy nhiên, nếu chỉ rửa bằng nước thôi thì không có tác dụng.
Lớp vỏ bên ngoài của virus được tạo thành từ lipid, hay còn gọi là chất béo. Xà phòng sẽ giúp phá vỡ vỏ của virus, làm nó không hoạt động được và không thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta nữa.
Bạn có thể coi virus như là dầu mỡ cần rửa và bạn cần một ít xà phòng rửa sạch.
Vì vậy, xà phòng hoặc cồn rất hiệu quả trong việc đánh tan lớp chất béo đó của vi rút.
Coronavirus "sống" được bao lâu trên các bề mặt?
Tối đa ba ngày, tùy thuộc vào bề mặt. Theo một nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Sức Khoẻ Quốc gia Hoa Kỳ:
- SARS-CoV-2 có khả năng tồn tại lên đến 72 giờ sau khi được đặt trên thép không gỉ và nhựa.
- Nó có thể tồn tại đến 4 giờ sau khi được đặt trên đồng và lên đến 24 giờ sau khi được đặt trên bìa cứng.
- Trong dạng giọt nhỏ trong không khí, nó có thể tồn tại trong khoảng 3 giờ.
Làm cách nào đảm bảo an toàn khi chăm sóc người ốm?
Có thể rất khó để biết liệu người thân của bạn có bị nhiễm COVID hay bệnh khác hay không, đặc biệt là với những trường hợp triệu chứng không rõ ràng hoặc có thể do kết quả xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính giả.
Vì vậy, điều quan trọng là giữ nó an toàn và không lây nhiễm cho chính bạn và những người khác.
Khuyến cáo ngắn gọn là:
- Cho người bệnh ở phòng riêng, nếu có thể.
- Chỉ có một người làm người trông coi.
- Yêu cầu người bệnh đeo khẩu trang. Người chăm sóc cũng phải đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn.
- Thực hiện tốt 5K theo hướng dẫn Bộ Y tế.
Khẩu trang N95 có phải loại tốt nhất để phòng lây nhiễm COVID?
Các bằng chứng cho thấy khẩu trang N95 hoặc KN95 được đeo đúng cách là biện pháp bảo vệ tốt nhất trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. CDC Hoa Kỳ đã cập nhật các khuyến nghị, trong đó có nói thêm rằng khẩu trang N95 cung cấp mức độ bảo vệ cao nhất.
Nếu không có khẩu trang N95, khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải cũng có hiệu quả.
Nếu bạn đang ở trong một không gian kín hay những nơi bạn khó có thể giữ khoảng cách với người khác như trên máy thì khuyến cáo bạn nên đeo khẩu trang N95.
N95 là tiêu chuẩn của Mỹ và KN95 là tiêu chuẩn của Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
Khẩu trang y tế có hiệu quả trong việc bảo vệ chống lây nhiễm COVID-19 không?
Có. Khẩu trang y tế cho hiệu quả bảo vệ tốt hơn khẩu trang vải. Nó rẻ và được làm bằng ba lớp. Khẩu trang dùng đúng cách là phải che kín mũi, miệng và cằm của bạn.
Và để giảm thiểu việc tay bạn chạm lên mặt, bạn nên đeo khẩu trang suốt cả ngày. Bạn nên thay khẩu trang y tế bất cứ khi nào nó có nguy cơ bị nhiễm bẩn.
Loại khẩu trang vải nào tốt nhất để ngăn ngừa lây truyền COVID-19?
Tốt nhất là bạn nên sử dụng khẩu trang y tế nếu có thể vì nó được sản xuất theo tiêu chuẩn và có tác dụng ngăn ngừa tốt hơn khẩu trang vải.
Nếu bạn chọn đeo khẩu trang vải, hãy chọn loại có càng nhiều lớp càng tốt. Khẩu trang vải có nhiều lớp sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ cao nhất.
Khẩu trang vải không nên quá mỏng và đảm bảo rằng nó che kín phần mũi và cằm, điều chỉnh phần mũi có cho vừa vặn và thắt chặt dây cài quang tai không để quá lỏng. Nếu đau tai thì bạn có thể mua một số dụng cụ để đeo vòng qua sau đầu.
Bạn nên giặt và sấy khô khẩu trang vải thường xuyên - tốt nhất là làm việc này hàng ngày.
Loại khẩu trang nào tôi không nên dùng?
Bạn không nên sử dụng khẩu trang có van lọc khí vì nó có thể làm tăng sự lây lan COVID-19.
Loại này được thiết kế để thải khí thở của bạn ra ngoài qua van. Van này lọc khí đi vào nhưng lại làm cho khí từ trong thoát ra ngoài.
Việc này đồng nghĩa với thay vì bảo vệ cho người khác, nó đẩy hơi thở của bạn đi xa hơn và mạnh hơn. Nếu bạn bị mắc COVID mà không biết thì sẽ có nguy cơ làm lây lan virus cho người khác.
Khẩu trang N95 với bộ lọc ở giữa cũng không ngăn được việc phát tán virus.
Khi tập thể dục, tôi có cần đeo khẩu trang không?
Thường không cần phải đeo khẩu trang nếu bạn tập thể dục ngoài trời một mình (đi bộ, leo núi, đạp xe, chạy...) hoặc với những người chung sống cùng bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đeo khẩu trang để đề phòng trường hợp bạn không giữ được khoảng cách với người khác.
Bạn cũng cần lưu ý là theo qui định, bạn bắt buộc phải đeo nếu là ở khu vực công cộng.
Trẻ em có nên đeo khẩu trang không?
Trẻ em trên 2 tuổi nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, trừ khi có vấn đề về sức khỏe không thể đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, các cháu nhỏ dưới 2 tuổi không nên đeo khẩu trang vì chúng có thể gây nguy cơ gây ngạt thở, loại có vòng quấn quanh đầu có thể gây nguy cơ siết vào cổ. Một lý do nữa là do trẻ ở độ tuổi này không thể tự tháo khẩu trang ra và có thể dẫn đến ngạt thở.
Găng tay thì sao, tôi có nên đeo nó không?
Không hẳn là cần thiết.
Găng tay giống như một lớp da thứ hai. Nó có thể bị nhiễm bẩn và khi bạn chạm vào mặt, bạn vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh từ bề mặt tiếp xúc.
Không có nghiên cứu nào cho thấy găng tay dùng một lần tăng khả năng bảo vệ khỏi COVID-19.
Hãy nhớ là bề mặt tiếp xúc không phải là nguồn lây truyền chính của COVID-19. Nếu bạn tự lây nhiễm cho mình thì nó sẽ là do bạn chạm vào mặt cho dù là có hay không có găng tay.
Găng tay sẽ có ích nếu có người trong gia đình bạn bị COVID-19. Bạn sẽ phải thay găng tay mỗi khi rời khỏi phòng của họ hoặc tiếp xúc với người bệnh – và rửa tay sau khi tháo găng.
Biện pháp can thiệp hiệu quả nhất vẫn là rửa tay thật sạch, ít nhất 20 giây mỗi khi bạn bước vào nhà.