Mất khứu giác là một trong những triệu chứng thường gặp sau khi mắc COVID-19. Bài này chúng tôi giới thiệu một số mẹo và phương pháp để giúp bạn lấy lại khứu giác sau COVID-19.

1. Nguyên nhân bị mất khứu giác Hậu COVID
Mũi là một trong những nơi trên cơ thể mà vi rút SARS-CoV-2 có thể xâm nhập.
Hiện tại, người ta vẫn chưa hiểu rõ về cách SARS-CoV-2 gây suy giảm chức năng khứu giác. Các nhà khoa học cho rằng triệu chứng này do các tế bào thần kinh khứu giác bị tổn thương hoặc viêm. Những tế bào thần kinh này có khả năng tự hồi phục nhưng cần phải có thời gian.
2. Người mắc COVID mất khứu giác bao lâu thì trở lại bình thường?
Câu trả lời tùy thuộc vào việc bạn thuộc nhóm nào.
Trong số những người bị mất khứu giác, có hai nhóm:
Nhóm 1: hồi phục nhanh và hoàn toàn.
Hiện chúng ta không rõ tại sao điều này lại xảy ra, có khả năng là virus gây viêm và sưng tấy cục bộ ở đường hô hấp trên. Tình trạng sưng tấy này ngăn cản các phân tử mùi tiếp cận các thụ thể thần kinh khứu giác. Những người này sẽ nhanh chóng lấy lại mùi sau khi hết virus và tình trạng viêm sưng giảm đi. Thường là trong khoảng thời gian vài tuần. Đa số những người bị mất khứu giác Hậu COVID là thuộc nhóm này.
Nhóm 2: hồi phục chậm hơn, có thể lên đến hàng tháng, thậm chí cả năm.
Trong các trường hợp này, có thể là do virus xâm nhập và làm tổn thương các tế bào thần kinh khứu giác. Điều này có nghĩa là các dây thần kinh khứu giác cảm nhận mùi để truyền tới não bị tổn thương. Và sau khi đã hết virus thì tổn thương thần kinh vẫn còn đó. Tổn thương này có thể chữa lành, nhưng cần có thời gian. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ cần kiên nhẫn hơn trong quá trình hồi phục của mình.
Loại tổn thương thần kinh này giống như bị chấn thương, nó sẽ mất thời gian và phục hồi thần kinh là một quá trình chậm chạp.
Tin vui là chúng ta vẫn có một số cách (đã được khoa học chứng minh) để tăng tốc quá trình này, chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề này ở phần dưới của bài này.
3. Mất khứu giác có thể khiến bạn chán nản, bi quan
Các nghiên cứu khoa học cho thấy mất khứu giác trong một thời gian dài có thể dẫn đến cảm giác cô lập, chán nản và trầm cảm. Bạn có thể không còn cảm thấy hứng thú với cuộc sống xung quanh mình, có khi bao gồm cả những người thân yêu. Những điều này xảy ra là hoàn toàn bình thường và bạn yên tâm rằng đối với đại đa số mọi người, trình trạng này sẽ cải thiện.
Tham khảo thêm bài viết: Kiểm soát tâm trạng bi quan chán nản Hậu COVID để sống vui vẻ hơn.
4. Các loại rối loạn khứu giác sau khi mắc COVID
Không bị tổn thương thần kinh khứu giác
- Những người này chiếm khoảng 90% các ca mất khứu giác sau COVID-19, quá trình phục hồi diễn ra nhanh và hoàn toàn.
- Những người này kiểu gì cũng sẽ bình phục, cho dù họ có hay không dùng các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng, thực hành các bài tập lấy lại mùi hay các biện pháp khác. Nói đơn giản, tức là họ chẳng cần làm gì thì mùi vẫn sẽ quay trở lại với họ.
- Rất nhiều "phương pháp lấy lại mùi Hậu COVID" mà bạn đọc được trên Internet nằm trong câu chuyện của nhóm người này. Vì thế, bạn cần hết sức thận trọng trước những tuyên bố không có cơ sở khoa học chứng minh.
- Nhìn chung, trong ba tuần đầu tiên sau mắc COVID-19 bạn bị mất mùi thì không cần can thiệp gì hết. Nếu tình trạng mất mùi vẫn kéo dài trên ba tuần, thì bạn nên tìm hiểu các bài tập luyện lấy lại mùi và các biện pháp như ở bên dưới.
Bị tổn thương thần kinh khứu giác
Những người này sẽ mất nhiều thời gian hơn để hồi phục, chia thành 2 nhóm.
Nhóm 1: khứu giác có thể yếu nhưng vẫn nhận biết đúng mùi.
Tình trạng khứu giác yếu có thể kèo dài trong một thời gian nhưng họ vẫn thấy mình trong quá trình hồi phục.
Nhóm 2: nhận biết mùi không đúng bản chất.
- Parosmia (loạn khứu giác) là một trong những trường hợp này. Parosmia có nghĩa là mùi bị thay đổi, méo mó, hoặc thậm chí có mùi khó chịu. Mọi người mô tả trải nghiệm giống như ngửi thấy mùi nước thải, dầu cháy, thịt thối... Nó cũng có thể bị kích hoạt bởi yếu tố bên ngoài nào đó gây ra trải nghiệm khó chịu này, ví dụ như một loại thức ăn.
- Một chứng bệnh khác được gọi là phantosmia (ảo giác khứu giác), tức là ngửi thấy một mùi liên tục, thường là khó chịu và không liên quan đến yếu tố kích hoạt bên ngoài.
Mẹo đối phó với chứng Loạn khứu giác (Parosmia)
Hầu hết mọi người thấy một số loại thực phẩm nhất định như là: thịt, hành, tỏi, trứng, cà phê, cũng như kem đánh răng và nhiều thực phẩm và đồ gia dụng thông thường khác, gây ra cảm giác ghê và đôi khi buồn nôn.
Parosmia không chỉ gây khó chịu về mùi mà còn ảnh hưởng đến việc ăn uống của bạn.
Hiện nay không có cách nào điều trị cho chứng bệnh này và bạn có thể sẽ phải mất một khoảng thời gian dài mới hồi phục.
Dưới đây là một số mẹo sẽ giúp bạn kiểm soát Loạn khứu giác
- Chọn đồ ăn nhạt, nguội: Những đồ ăn nhạt thường là không kích hoạt trình trạng này. Và thực phẩm ở nhiệt độ phòng hoặc mát thường ít mùi hơn so với đồ nóng.
- Tránh thức ăn chiên, quay hoặc nướng
- Tiếp tục thử nghiệm: Bạn nên tiếp tục theo dõi và thử các loại thực phẩm để tìm ra loại "an toàn" và các loại là yếu tố kích hoạt tình trạng Parosmia. Các yếu tố kích hoạt này có thể thay đổi theo thời gian nến bạn cần phải kiên trì và liên tục điều chỉnh cho phù hợp với chính mình.
- Chia sẻ cùng người thân để họ biết điều gì đang xảy ra nếu bạn muốn nhận được sự hỗ trợ từ họ.
- Nghiên cứu cho thấy parosmia là một dấu hiệu cho thấy quá trình hồi phục đang diễn ra. Sống chung với nó rất khó chịu nhưng ít ra bạn cũng biết rằng đó là một dấu hiệu tốt.
5. Cách lấy lại khứu giác sau COVID
Hiện tại y học áp dụng hai phương pháp chủ yếu là:
- Huấn luyện khứu giác: Bằng chứng khoa học về tác dụng của việc huấn luyện khứu giác hiện khá rõ ràng. Bên cạnh đó thì bạn nên tham gia vào các cộng đồng những người mất khứu giác để có thể chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc, thành công và thất bại của của mình. Điều này cần thiết vì đôi khi các thành viên trong gia đình hay người thân không thể hiểu được cảm nhận của bạn. Cảm giác mình không được hiểu khá phổ biến ở những người mất khứu giác, vì vậy tham gia vào các nhóm để chia sẻ sẽ giúp bạn sống vui vẻ hơn.
- Thuốc xịt mũi steroid: có thể hữu ích trong việc kiểm soát tình trạng viêm và sưng bên trong mũi, vì thế nó có thể cải thiện được chức năng khứu giác. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nếu cần thiết.
- Ngoài ra, bạn có thể đã nghe nói về việc sử dụng một số thực phẩm chức năng trên báo chí, chẳng hạn như là: dầu omega 3, thuốc nhỏ mũi vitamin A, kẽm... Bằng chứng về những chất bổ sung này hiện vẫn chưa đủ mạnh, các bằng chứng về nghiên cứu còn quá ít để có thể khuyến khích sử dụng.
Điều này không có nghĩa là nó chắc chắn không có tác dụng. Một số vẫn đang được nghiên cứu, nếu bạn muốn thử các chất bổ sung này, hãy nhớ chắt lọc thông tin cẩn thận và làm theo đúng hướng dẫn.
Tham khảo thêm bài viết: Công dụng và tính an toàn của 25 loại thực phẩm chứ năng và thảo dược hỗ trợ điều trị Hậu COVID
6. Bài tập luyện để lấy lại khứu giác sau COVID-19
Huấn luyện khứu giác (thông qua bài tập ngửi) là một kỹ thuật hỗ trợ có thể giúp bạn phục hồi nhanh hơn sau khi mất khứu giác. Kỹ thuật này đã được nghiên cứu từ năm 2009 và có bằng chứng khoa học cho thấy nó có thể tăng tốc độ phục hồi của bạn.
Huấn luyện khứu giác về cơ bản là tập ngửi thứ gì đó có mùi nồng, chẳng hạn như tinh dầu trong vài phút, hai lần mỗi ngày. Nó rất dễ làm, nhưng cần phải hết sức kiên trì.
Sau đây là các bước để thực hiện:
Bước 1: Tự đánh giá
Phần này để bạn xác định tình trạng khứu giác hiện tại, theo dõi và ghi nhận sự tiến bộ của mình.
Cách tự đánh giá tùy thuộc vào bạn, có thể làm như sau:
- Lập danh sách 10–20 thứ và ngửi chúng.
- Ghi lại trải nghiệm của: Bạn có ngửi thấy gì không? Chỉ là một loại mùi hay không có gì? Mùi bạn cảm nhận như thế nào? Có thấy buồn nôn không?
- Không cần làm việc này mỗi ngày, nó cũng giống như theo dõi cân nặng, mỗi tháng một lần là nhiều.
- Sau khi tự đánh giá, chuẩn bị sẵn sàng cho bài tập huấn luyện khứu giác.
Bước 2: Chuẩn bị bộ công cụ cho bài tập ngửi
Nguyên vật liệu cần chuẩn bị bao gồm
- Lọ thủy tinh nhỏ (khoảng 30ml) , màu nâu (màu tối sẽ giúp bảo vệ tinh dầu không bị phân hủy bởi ánh sáng mặt trời).
- Giấy thấm.
- Bốn loại tinh dầu: loại nào cũng được miễn là dễ kiếm và giá cả phù hợp.
- Nhãn dán để đánh dấu các lọ và nắp đậy.
Bạn có thể có bao nhiêu lọ tùy thích, nhưng tối thiểu phải làm 4 lọ.
Mẹo ở đây là chọn những mùi quen thuộc, có ý nghĩa đối với bạn và gắn liền với những ký ức và cảm xúc.
Cách làm:
- Cắt các mẩu giấy hình tròn cho vừa với lọ.
- Thêm một vài giọt của mỗi loại tinh dầu vào giấy.
- Dán nhãn, ghi nội dung và ngày tháng trên nhãn.
- Bảo quản: Tránh ánh sáng mặt trời và nguồn nhiệt, đóng chặt nắp sau mỗi lần sử dụng.
Bước 3: Thực hành bài tập ngửi
Huấn luyện khứu giác là quá trình cần có thời gian và bạn cần phải kiên trì thực hiện mỗi ngày. Bạn sẽ cần thực hiện tối thiểu 2 lần/ngày trong bốn tháng.
Quá trình này cần có thời gian và sự tập trung, chúng ta cần rèn luyện bộ não nhận dạng mùi chứ không chỉ ở mũi. Nếu bạn không kiên trì thì kết quả chắc chắn sẽ làm bạn thất vọng.
Mỗi lần tập chỉ nên kéo dài 3–5 phút. Chọn một khoảng thời gian yên tĩnh trong ngày để có thể tập trung. Tắt nhạc, tivi, máy tính hoặc bất kỳ thứ gì khác có thể làm bạn mất tập trung.
Cách tập:
- Mở từng lọ một, nhắm mắt và đưa lọ lên mũi. Hít một lượng vừa đủ để đi vào mũi, không cần phải hít sâu xuống phổi. Trong khi làm, cố gắng tưởng tượng mùi. Có điều gì trong quá khứ có thể giúp bạn gợi lại mùi không?
- Nếu có thể, thử hình dung lại ký ức này. Nếu đó là chanh, hãy cố gắng nhớ lại điều gì đó về nó, ví dụ như: có thể cắt một quả chanh, hoặc vắt một quả chanh. Trong não bạn thử sờ thử vỏ chanh trên đầu ngón tay, tinh dầu chanh trào ra từ lỗ chân lông trên vỏ quả. Hít hà và suy nghĩ.
- Sau khi bạn làm việc này trong khoảng 30 giây hoặc hơn, đậy nắp bình. Làm tương tự với ba chiếc lọ còn lại.
- Phần quan trọng nhất là suy ngẫm về những gì bạn đang cố gắng ngửi.
Điều quan trọng nhất của việc rèn luyện khứu giác không phải là bạn đang ngửi gì, mà là não của bạn đang làm gì trong khi bạn đang cố gắng ngửi. Hãy cố gắng nhớ lại những ký ức sống động nhất về mùi đó.
Nên nhớ: rèn luyện khứu giác là sử dụng não và trí nhớ của bạn, không chỉ mũi của bạn.
7. Một số cách khác để phục hồi khứu giác sau COVID-19
- Chú ý đến mùi hương của nước rửa tay hoặc kem dưỡng da tay khi bạn sử dụng.
- Nhỏ một giọt tinh dầu vào trang sách của bạn và cố gắng cảm nhận khi đọc sách.
- Dùng son dưỡng có mùi thơm.
- Khám phá mùi hương của các sản phẩm chăm sóc cơ thể của bạn mỗi khi bạn sử dụng chúng.
- Ngắt một vài chiếc lá, vò nát khi bạn đi dạo và thử ngửi nó.
- Nhỏ một giọt tinh dầu bên ngoài khẩu trang.
8. Tóm lại
- Mất khứu giác là một trải nghiệm mang tính cá nhân và không ai thực sự hiểu nó như thế nào ngoại trừ bạn.
- Cố gắng chia sẻ càng nhiều càng tốt với gia đình và bạn bè. Nếu điều này quá khó, hãy chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ.
- Cảm giác lo lắng và bị cô lập là điều bình thường khi bạn bị mất khứu giác.
- Sở thích ăn uống của bạn sẽ thường xuyên thay đổi, vì vậy hãy tiếp tục thử nghiệm.
- Quá trình hồi phục có thể mất nhiều thời gian, đôi khi lên đến một hai năm. Dù gì thì vẫn có hy vọng phục hồi.
- Rèn luyện khứu giác là một cách tuyệt vời để tự giúp mình hồi phục. Hãy nhớ là quá trình luyện tập khứu giác đòi hỏi phải bền bỉ, lâu dài. Hãy kiên trì và kết quả sẽ đến với bạn.
- Chứng Parosmia (loạn khứu giác) là một dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang được cải thiện.
- Hầu hết mọi người sẽ hồi phục một phần hoặc hoàn toàn khứu giác theo thời gian.
Các bài viết liên quan:
- Hậu COVID là gì?
- Nguyên nhân gây ra Hội chứng Hậu COVID-19
- Khắc phục Mệt mỏi Hậu COVID - 3 nguyên tắc giúp bạn bảo tồn năng lượng và hồi phục nhanh hơn
- Khó thở Hậu COVID: Làm gì để hồi phục nhanh?
- Bài tập Làm sạch phổi và kiểm soát triệu chứng Ho hậu COVID
- Kiểm soát di chứng Sương mù não Hậu COVID
- Nguyên nhân và Phương pháp điều trị Đau đầu Hậu COVID
- Giải pháp khắc phục di chứng Chóng mặt Hậu COVID
- Đau ngực Hậu COVID nên làm gì?
- Dinh dưỡng để sớm hồi phục Hậu COVID
- Sự thật về công dụng và tính an toàn của 25 loại Thực phẩm chức năng trong COVID và Hậu C0VID.
- Cải thiện giấc ngủ Hậu COVID không phức tạp như bạn nghĩ!
- Kiểm soát tâm trạng tiêu cực Hậu COVID và cách đơn giản mà hiệu quả để tăng cường sức khỏe tâm lý
- Khám Hậu COVID – Khi nào bạn cần trợ giúp của cơ quan y tế?
- Taste and smell changes - Your COVID recovery
- Nosewell
- Lost/Changed Sense of Smell & Taste - Long Covid Physio
- The Long Covid Self-Help Guide: Practical Ways to Manage Symptoms - 2022